(Tùy bút)
NGUYÊN NGỌC
Đêm nay là một đêm chuẩn bị. Ngày mai chúng tôi sẽ ra trận.
Chúng tôi đóng trong làng. Bây giờ đã khuya, bốn bề đều im lặng.
Cho đến ngôi sao xa ngoài khung cửa
cũng đứng im, lóng lánh như giọt nước mắt vui lặng lẽ của người vợ ở quê ta gặp chồng sau mười năm trời gian lao và
cách biệt. Gió se lạnh, thoang thoảng hương lúa lên đòng,
thơm như sữa một người mẹ trẻ.
Tôi nằm đã lâu, không ngủ. Không sao ngủ được. Có gì đấy, vừa
êm ả vừa trào sôi đang dậy trong
lòng tôi, người lính đêm nay.
Sáng mai chúng tôi sẽ ra trận. Đội trưởng của chúng tôi nói:
- Ngủ đi, ngủ cho ngon. Mai sẽ làm một trận tiêu diệt thật gọn!
Tôi nghe lời, nhắm mắt, rồi mở mắt. Không ngủ được. Sáng mai
chúng tôi sẽ ra trận. Tôi bồi hồi suy nghĩ vì việc đó ư? Không, tôi là một người
lính cũ. Trong đời tôi, đêm nay là đêm chuẩn bị ra trận lần thứ bao nhiêu rồi,
cũng không còn nhớ rõ. Điều gì đây? Có gì đây đang trào dậy trong lòng tôi, như
một linh cảm mơ hồ, như một hơi men say, một cơn sóng ngầm xao động ở tận chỗ
sâu kín nhất của tâm hồn.
Thường vẫn vậy đấy, bắt đầu hầu như chẳng có gì cả. Chỉ là một
giọng hát. Đội trưởng chúng tôi vừa tắt đài. Trên đài, một người con gái nào đó
vừa hát một bản dân ca của đất nước ta trong đêm khuya. Bây giờ tất cả im lặng
rồi, giọt sao ngoài khung cửa đọng lại, đứng im, không nháy nữa, đêm đã đi vào
chiều sâu, mà vẫn còn nghe âm vang mãi giọng hát của người con gái lúc nãy. Một
gịong hát dân ca, ngân nga bát ngát như cánh cò trên đồng lúa miền Nam chạy tới
chân trời, có lúc rụt rè, e thẹn như khóe mắt người yêu mới gặp, có lúc tinh
nghịch, duyên dáng như những đôi chân nhỏ thoăn thoắt gánh lúa chạy trên những
con đường làng trộn lẫn bóng tre và bóng nắng... Có lẽ không phải là một người
con gái đã hát trên đài. Đó chính là quê hương ta đang lên tiếng hát. Tiếng
ngân nga dội lên từ lòng đất, ở trong đó một góc vườn có đôi cây sầu đông và một
giàn bầu đong đưa quả nặng, một ngày đã xa mẹ ta đã chôn nhúm nhau của ta thuở
ta mới lọt lòng. Đó là tiếng ngân của mặt đất, của dòng sông, của những xóm
làng và những cánh đồng sau một ngày lao động và chiến đấu.
Không biết các bạn có bao giờ nghĩ như vậy không. Riêng tôi
cứ mỗi lần nghe vọng lên tiếng hát đậm đà, uyển chuyển của những bản dân ca Việt
Nam, lòng tôi bỗng dưng xao xuyến lạ thường, tôi bỗng đứng lại như sửng sốt,
như kinh ngạc, và bàng hoàng tự hỏi: đất nước ta, con người Việt Nam ta vẫn còn
giữ được tiếng hát ấy ư? Kỳ diệu biết bao nhiêu! Kỳ diệu biết bao nhiêu, tiếng
hát và tấm lòng Việt Nam chúng ta!
Dân tộc chúng ta sinh ra và lớn lên trên một mảnh đất mấy
nghìn năm nay chưa giờ phút nào nguội tắt ngọn lửa chiến tranh. Từ trong đêm mờ
xa xôi của lịch sử, hình ảnh cha ông ta, hình ảnh con người Việt Nam suốt hàng
trăm thế hệ nối tiếp bao giờ cũng là hình ảnh một con người cầm vũ khí đứng lên
trong cuộc chiến đấu trường kỳ và dữ dội để giành và giữ lấy quyền sống của
mình. Không biết có nơi nào nữa trên trái đất, quyền làm người được bảo vệ bằng
nhiều máu đến vậy không? Giá như chúng ta minh họa lịch sử dân tộc, thì có
trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu?
Máu thắm đượm rãnh cày ta gieo hạt giống, máu thấm đượm mảnh sân con ta nô đùa
ngày bé, máu thắm đượm con đường nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi,
máu thắm đượm bờ ao em ta ngồi giặt áo trên chiếc cầu nhỏ ghập ghềnh... Ôi dân
tộc ta từ trong máu lửa mà sinh ra, mà lớn lên. Từ trong máu lửa bốn nghìn năm
chúng ta đứng dậy và cất tiếng nói. Từ trong máu lửa đỏ cháy cả không gian và
thời gian như vậy, tưởng như chỉ có thể là tiếng kêu rú căm hờn, dân tộc ta chỉ
có thể nấc lên tiếng khóc xé ruột, xé lòng... Thế nhưng lạ lùng thay, từ trong
máu lửa cháy đỏ cả lịch sử, chúng ta lên tiếng nói, và tiếng nói ấy lại là tiếng
hát trữ tình, điềm đạm, trong sáng, duyên dáng và say sưa như một cuộc hò hẹn,
xao xuyến như buổi gặp gỡ ban đầu. Một dân tộc đánh giặc bốn nghìn năm mà tiếng
hát vẫn êm dịu, uyển chuyển như vậy, dân tộc ấy mãnh liệt và bình tĩnh biết chừng
nào.
Cám ơn chị, người con gái hát trên đài đêm nay, cám ơn chị
đã hát lên lòng tự tin và sức sống
không gì dập tắt nổi của dân tộc ta.
Đêm nay, đêm chuẩn bị đánh một trận mới sau những trận ác
chiến đã qua, cám ơn chị đã hát lên hộ chúng tôi lòng dũng cảm trầm lặng và vững
chãi của đất nước, của chúng tôi. Sáng mai chúng tôi lại sẽ lên đường. Cuộc chiến
tranh yêu nước đang cháy trên quê hương. Những Điện Biên Phủ đang gọi chúng tôi
ở phía trước. Đêm nay nghe tiếng hát êm ả của quê hương, rồi sáng mai chúng tôi
sẽ ra trận. Mười bốn triệu người miền Nam sẽ tiếp tục cuộc ra trận lớn lao của
mình...
Cuộc ra trận lớn đó kéo dài đã hơn mười năm nay.
Mười năm, nhớ lại mà lòng dào dạt tự hào! Đồng chí Giải
phóng quân ngày mai sẽ ra trận, hãy nhớ lại mười năm, hãy nhớ lại đoạn đường chống
Mỹ và thắng Mỹ ba nghìn sáu trăm ngày ta đã đi qua. Mười năm nay bao nhiêu triệu
cặp mắt mong chờ lo âu chăm chú nhìn về phía chúng ta từ khắp nơi trên trái đất,
chăm chú theo dõi ta, từ cái thuở ta còn len lỏi trong rừng đêm bốn bề giặc bủa;
những đôi mắt nặng trĩu chịu đựng và lo chờ, bạc xám như lớp tro phủ hòn than
vùi trên khuôn mặt đen bóng của châu Phi; những đôi mắt sôi nổi từ phía châu Mỹ
La-tinh; những đôi mắt trầm ngâm của châu Á, long lanh của châu Âu; những đôi mắt
xao động sóng gió từ vô số hòn đảo trên châu Đại Dương rộng lớn. Họ chăm chú
nhìn và hỏi chúng ta, bởi vì ở đây, trên mảnh đất bên bờ bể Đông Nam châu Á
này, họ đang nhìn và đang hỏi số phận của chính họ. Họ biết ở đây, trên mảnh đất
nhỏ vùng nhiệt đới sum suê cây lá này, trong túp lều chui đụt mà hai mươi năm
trời đi đánh giặc ta chưa có chút thì giờ về đánh tranh lợp lại cho mẹ ta, trên
cánh đồng bùn lầy cha ta ngày ngày trầm lặng từng bước từng bước đi theo chiếc
cày và con trâu cũng trầm lặng của người, trên bãi sông tiễn đưa, trong góc vườn
hò hẹn của quê ta đây, chính ở đây đang diễn ra cuộc chiến đấu lớn lao, quyết
liệt và tiêu biểu nhất giữa con người lao động và con ác thú đế quốc ngày nay.
Kẻ thù xấc láo và cuồng dại đã chọn mảnh đất quê ta và mười bốn triệu người Việt
Nam chúng ta, đã chọn mẹ ta, em ta, vợ ta, con ta, tuổi trẻ và tình yêu của ta,
mái trường và sân đình làng ta... làm vật thí nghiệm cho những âm mưu mới đẫm
máu của chúng. Chúng cố lấy máu ta mong vẽ nên con đường thoát trước cuộc tấn
công dồn dập của nhân loại cần lao, chúng cố đốt cháy làng quê ta để mong nhen
nhúm chút ánh sáng đen tối đưa chúng thoát con đường hầm tắc nghẽn của chúng. Với
lòng dạ sói lang đó, chúng đã đổ lên mảnh đất này tất cả những tội ác mà những
tên bạo chúa trong suốt lịch sử lâu dài của loài người đã nghĩ ra được, tất cả
những mưu đồ mà những cái đầu thông minh nhất trong những cái đầu tư bản đần độn
của chúng đã nghĩ ra được. Chưa bao giờ dân tộc ta đứng trước một con ác thú dữ
tợn và thâm hiểm như vậy. Triệu triệu những cặp mắt lo âu của thế giới quay
nhìn chúng ta. Họ lo nghĩ về số phận của chúng ta và số phận của chính họ. Bởi
vì sau cuộc chiến đấu của đội xung kích thì sẽ đến cuộc chiến đấu của các binh
đoàn.
Chúng ta cũng nghe từ trong sâu thẳm của thời gian, lịch sử
của cha ông hỏi chúng ta. Chúng ta nghe những người cộng sản nguyên thủy bốn
nghìn năm trước đã theo đức tổ Hùng Vương đến sinh cơ lập nghiệp trên bãi phù
sa sông Hồng, những người nô lệ nổi dậy trong cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương,
những người nông dân vót nhọn cọc sắt đâm thủng thuyền Ô Mã Nhi trên sông Bạch
Đằng, những người dân cày chém chết Liễu Thăng dưới chân ải Chi Lăng, những người
áo vải đã đánh trận phản công vĩ đại của Nguyễn Hụê diệt mấy mươi vạn quânxâm
lược Tôn Sĩ Nghị ở Đống Đa; chúng ta nghe Nguyễn Trãi trong rừng đêm chép binh
thư, nàng Kiều mười lăm năm trời dày vò đau khổ, cô Nguyệt Nga trung trinh...,
chúng ta nghe quá khứ đau thương oanh liệt của dân tộc hỏi ta. Một câu hỏi lớn
lao nóng hổi, bức xúc:
- Bằng cách nào đây, bằng con đường nào đây đánh ngã kẻ thù
tàn bạo, đánh đổ con ác thú Mỹ, để
giữ quyền sống cho dân tộc, cho ta và bầu bạn năm châu?
Tìm ra một lối đi. Soi lấy một lối đi qua khu rừng dày của
chủ nghĩa đế quốc, băng tới chân trời huy hoàng mà Đảng Mác Lê-nin đã chỉ cho
dân tộc từ gần ba mươi lăm năm trước. Mười năm sống mái với kẻ thù, chúng ta mở
lấy một lối đi.
Những người lính đều hiểu rằng muốn tiêu diệt quân giặc, phải
hiểu rõ chúng và tự hiểu rõ mình. Chính vì thế mà cần có những người trinh sát
gan dạ, từng trải và thông minh. Mười năm nay chúng ta đã tình nguyện làm đội
trinh sát trong đoàn quân rộng lớn những người lao động đau khổ trên trái đất.
Mười năm nay chúng ta trinh sát và tiến đánh con thú đế quốc Mỹ.
Ôi mười năm! Ai nói được hết giá đắt của mười năm, của mỗi một
ngày trên mảnh đất cháy bỏng này. Mỗi một ngày chiến đấu và suy nghĩ, mười năm
chiến đấu và suy nghĩ, mười bốn triệu người, ba mươi triệu người chiến đấu và
suy nghĩ. Cả dân tộc suy nghĩ, cả Đảng suy nghĩ. Mưu lược của cha ông từ Bà Triệu,
Ngô Quyền cho đến Quang Trung, Hoàng Hoa Thám, trí tụê của chủ nghĩa Mác Lê-nin
vĩ đại đọng lại trong chúng ta, suy nghĩ cùng chúng ta. Chúng ta suy nghĩ trong
những đêm dài thức suốt. Mỗi một tội ác của kẻ thù, chúng ta theo dõi và suy nghĩ;
mỗi một dòng máu của đồng bào, chúng ta chăm chú nhìn, tìm lấy một bài học và
suy nghĩ; mỗi một đồng chí thân yêu bị bắt và bị chém, chúng ta lau nước mắt,
rút lấy bài học đắng cay và suy nghĩ. Mỗi một thân cây bị chặt đứt đem rào ấp
chiến lược, chúng ta học và suy nghĩ. Trong những ngày tố cộng đẫm máu tươi, chúng
ta suy nghĩ. Trong những đêm “sám hối” quỳ trước ngọn lửa bạch lạp đỏ ngầu,
trên tấm ván rắc đầy sỏi nhọn, hai tay đỡ hai hòn gạch nặng, cứ mỗi lần mỏi gục
quỵ xuống là ngọn roi, tảng búa của tên ác ôn diệt cộng giáng xuống trên đầu, chúng
ta học và suy nghĩ. Tôi đã nghe nhiều đồng chí đảng viên chúng ta nói về những
đêm “sám hối” trong cái chiến dịch tố cộng âm u và rùng rợn ấy. Có những lúc ngẩng
đầu lên nhìn tên giặc, máu chảy sôi trong huyết quản, chỉ muốn rướn người lên
ném hai viên gạch nặng trĩu căm thù vào đầu nó: “Không thể được nữa! Tao giết
mày đây, rồi tới đâu thì tới!”. Nhưng nhiều đồng chí chúng ta đã không làm như
vậy. Họ biết họ cần sống để suy nghĩ một cách sống, một con đường sống cho đất
nước, cho loài người. Họ cần sống để học hiểu kẻ thù và tìm lấy một con đường
tiêu diệt nó.
Chúng ta suy nghĩ bằng Chợ Được, Vĩnh Trinh, Hướng Điền,
Ngân Sơn..., bằng sinh mệnh của hàng nghìn đảng viên và cán bộ, bằng những chiếc
đầu rơi dưới máy chém 10-59. Chúng ta suy nghĩ trong cơn đau xé ruột giữa trận
đầu độc Phú Lợi, chúng ta suy nghĩ trước nấm mộ chôn sống ba trăm đồng chí và đồng
bào Phước Cẩm, Phước Sơn, chúng ta suy nghĩ trong lao tù đế quốc mọc khắp quê
ta như nấm độc và trên Côn Đảo chơ vơ... Suy nghĩ về kẻ địch và về chính mình. Chân
lý đã mọc lên từ trong máu đổ mười năm. Bằng máu và nước mắt, bằng những hy
sinh không bờ bến, chúng ta đã đốt lên ngọn đuốc soi đường, soi rõ bộ mặt, tâm
địa, gan ruột kẻ thù, soi rõ gót chân A-sin của chúng nó rồi! Và soi rõ cả quả
tim ta, những sức lực và trí tuệ tiềm tàng trong máu và trong cánh tay ta! Rồi
chúng ta đứng dậy. Ở làng ông Tía nhỏ bé chênh vênh trên sườn núi, nơi đó con
thú dữ Ngô Đình Diệm sáu năm đã ăn thịt một phần mười số dân trong làng, một
đêm kia người ta bắt đầu mài rựa. Đó là những con người đã hiểu địch và tự hiểu
mình. Tiếng rựa sen sét trong đêm khuya, họ mài lòng căm thù, cho bén hơn, cho
nhọn hơn. Sắp đến lúc rồi! ở Trà Bồng, những người Re đem ống thuốc độc tích
lũy và giấu kín trong lòng đất sáu năm nay ra nhúng lại những mũi tên. Dây nỏ
được buộc lên, căng như sự chờ đợi sôi sục nén lại bấy lâu nay. Đó là những con
người đã hiểu ta và hiểu địch. Họ yên lặng, không nói. Sắp đến lúc rồi!
Ở Bến Tre, có một người phụ nữ đào hầm chông. Đó là con người
đã hiểu địch và hiểu mình.
Những con người đã hiểu mình và hiểu giặc mài rựa, chuốt tên
và rèn gươm, và nhồi thuốc, và đúc
súng. Chúng ta vót chông nhọn hoắt căm thù và trí tụê chúng ta, tay ta gài thò, những mũi thò cẩn
thận, tinh vi như những suy nghĩ cô đọng mười
năm của chúng ta, chúng ta đào hố chông, khắp đất nước lỗ chỗ hố chông, lởm chởm như những mưu kế đã luyện chín
mười năm trong đầu ta, sắc và độc vô cùng...
Rồi chúng ta đứng dậy.
Bảy cây rựa mài sắc ở làng ông Tía một buổi sáng chặt đứt đầu
một tiểu đội giặc không kịp trở tay. Lửa cháy một làng ở Trà Bồng. Những người
con gái Hre hát tu lêu rất hay, trong một đêm trở thành quân khởi nghĩa. Chỉ
trong một đêm, anh nông dân đi cày hôm qua, chị hàng xén xinh xinh bữa trước,
cô học sinh vừa mới cắp vở đến trường, và cả mẹ nữa, bà mẹ già hai mươi năm trời
mòn mỏi đợi con...bỗng trở thành du kích và Giải phóng quân, như một sự biến
hóa phi thường.
Kẻ thù đã bắt đầu mở tiệc trên mảnh đất chúng tưởng đã san
phẳng bằng máy chém và rào kín bằng dây thép gai Mỹ bỗng nghe mảnh đất dưới
chân chúng rùng rùng chuyển động. Súng đã nổ bốn bề, người đã ào ào xông tới,
mõ đã dậy khắp làng quê. Khởi nghĩa! Khởi nghĩa! Chúng nó kinh hoàng chống đỡ.
Nhưng không kịp nữa rồi. Trong mười năm, nhân dân đã suy nghĩ về chúng nó và về
bản thân mình và đã quyết định. Bản án đã tuyên bố rồi. Mười bốn triệu người đã
đứng dậy, và đi tới, trên hai chân vững chãi, rập ràng. Dân tộc ta đã quyết làm
cuộc kháng chiến lần thứ hai.
Những bà mẹ trong những túp lều chui đụt ngày trước đã hiến
đứa con đầu lòng của mình cho Tổ quốc, nay lại gửi giọt máu thứ hai của mình
cho tiền tuyến. Những người vợ ngày xưa đã tiễn chồng ra bộ đội, nay lại may tấm
áo có cầu vai và tấm võng xi-ta cho chồng đi làm Giải phóng quân... Nhưng lịch
sử không lặp lại, chúng ta không làm nguyên lại một việc đã làm. Ngày xưa, chỗ
bến đò tiễn đưa, vợ ta nói:
- Anh ra tiền tuyến chiến thắng, em ở lại hậu phương sản xuất.
Ngày nay cũng trên bến đò ấy, dưới gốc cây chim chim mười
năm qua đã trở thành cây cổ thụ, vợ
ta cũng cầm tay ta, nhưng lời tiễn đưa đã khác:
- Anh ra tiền tuyến chiến thắng. Em ở lại tiền tuyến của em,
cùng với mẹ và con cũng sẽ chiến thắng.
Rồi khi ta nổ súng, ta bỗng nghe bên cạnh ta, song song với
tiếng ta hò reo là tiếng mõ dậy của
mẹ, của chị, của vợ, của em ta đang xông tới trên tiền tuyến của họ.
Mười năm suy nghĩ đâu có phải chỉ để học nguyên lại cách
đánh giặc ngày trước. Chúng ta đã sáng tạo ra những cách đánh mới hơn, dữ dội,
ác liệt, rập ràng và công hiệu hơn. Mười năm suy nghĩ, chúng ta đã rèn đúc ra
bao nhiêu là thứ vũ khí mới lạ lùng. Bàn tay nhỏ của em ta cũng trở thành vũ
khí. Bộ ngực nở nang của người yêu ta cũng trở thành vũ khí. Tấm thân còm cõi của
mẹ ta cũng trở thành vũ khí. Lời nói duyên dáng đậm đà của cô hàng xén ở góc chợ
nay cũng trở thành vũ khí. Tất cả đều gieo tan rã và cái chết lên đầu giặc. Kẻ
thù kinh hoàng. Động đến cái gì, chúng cũng chạm phải cái chết. Phát súng của
chúng ta nã vào đầu chúng. Lời nói bình thản của mẹ, của em ta làm cho chúng rối
loạn. Tiếng mõ tre trong đêm của làng ta vây chúng trong một vòng vây kín đặc.
Chúng nó sợ tấtcả. Sợ một đôi mắt im lặng, một đôi môi mỉm cười, một cánh tay gặt
lúa, chúng nó sợ màu vàng của chiếc áo cà sa, sợ màu đỏ ửng trên má chị sinh
viên; chúng nó sợ một hạt muối trắng mặn mà, một tiếng tơ-rưng trong và ngọt...
Nụ cười, lời nói, tiếng đàn, phát súng, mũi chông, tiếng kinh cầu siêu... tất cả,
tất cả dồn lên trong một cuộc xung phong tới tấp, một cuộc tiến công chưa bao
giờ đông đảo và rập ràng như vậy.
Chúng nó có vũ khí Mỹ. Trả lời chúng, ta có tiếng nói của vũ
khí và vũ khí của tiếng nói. Miệng
súng và miệng người yêu ta đều phun cái chết vào mặt quân thù.
Mặt trận của chúng ta mở khắp nơi, trong rừng sâu, trên đồng
lúa, giữa đường phố, trên chuyến tàu, trong nhà chùa, trong trường học và cả
trong trại lính của chúng. Một cuộc nội công ngoại kích rầm rập, ào ạt. Không
có hậu phương, đâu cũng là tiền tuyến, không có phía sau, đâu cũng là phía trước.
Mười bốn triệu người ra trận. Một cuộc chiến tranh và một cuộc khởi nghĩa rùng
rùng. Chúng ta vây giặc trong một vòng vây mười bốn triệu nghĩa quân.
Từ xưa đến nay, bao giờ cũng vậy, con người tự nhận thức ra
mình trong quá trình chiến đấu với kẻ thù và với thiên nhiên. Mười năm đánh
nhau với kẻ thù tàn bạo nhất của loài người, chúng ta đã học được rất nhiều. Song,
điều lớn lao và đẹp đẽ nhất là chúng ta đã học hiểu thêm về chính bản thân
chúng ta. Qua máu lửa, chúng ta hiểu kỹ hơn, sâu hơn, quả tim Việt Nam chúng ta
đúc bằng gang và trí tụê chúng ta đã chín đến chừng nào. Chúng ta hiểu rõ hơn sức
mạnh của cánh tay ta, uy lực của lời nói ta. Chúng ta đổi mười năm xương máu,
hàng vạn đồng chí và đồng bào rơi đầu, hàng triệu người thành thương tật, để
soi sáng thêm những đức tính tiềm tàng của con người Việt Nam và con người lao
động. Chúng ta hiểu chúng ta rồi, và chính vì thế mà sức chúng ta càng mạnh hơn
bao giờ hết, niềm tin của chúng ta càng vững như thép và tình yêu dân tộc trong
chúng ta càng thấm sâu vô cùng.
Ở một làng nhỏ sát biển nằm sâu trong thế kìm kẹp của giặc,
có một người con gái tám năm trời một mình băng hết rừng này qua núi nọ, đi tìm
Đảng, tìm đồng chí. Tìm được Đảng rồi, chị hỏi:
- Làm sao đứng dậy?
Đảng nói:
- Hãy tin ở mình.
Chị trở về cái làng nhỏ của chị, và trong hai ngày chị tập họp
hai mươi lăm thanh niên, đứng lên khởi nghĩa trong lòng giặc, diệt sạch tề điệp,
dựng nên chính quyền cách mạng và dắt dẫn thôn xóm ba năm nay vững vàng hai
chân đi lên. Tôi được gặp chị trong một cuộc hội nghị. Chị rất nhỏ người và còn
trẻ quá, ngày bộ đội ta đi tập kết mới mười ba tuổi đầu, năm nay hai mươi ba tuổi;
chị mặc chiếc áo ngắn vải ta màu xám đơn sơ như em ta vậy. Chị nói rằng bây giờ
chị đã hiểu sức chị có thể làm gì. Chị xưng với tôi bằng em và bảo: “Anh đưa em
vá cái áo Giải phóng quân của anh lại cho. Ai lại để áo rách cả cùi tay vậy!” ở
một làng nhỏ khác ven đường chiến lược 19, có hai em bé nằn nì mấy tháng trời mới
mượn được của du kích một khẩu súng trường. Hai em khệ nệ khiêng súng ra đường
cái phục kích. Súng nặng quá, một em quỳ xuống gác nòng súng lên vai, em kia ngắm
bắn. Giết một tên tay sai Mỹ và làm bị thương một tên...
Tôi cũng đã được gặp người chỉ huy trận Điện Ngọc mà tất cả
chúng ta đều biết tiếng. Hôm ấy anh không kể cho tôi nghe về trận đánh của anh.
Anh chỉ cho tôi xem một lá thư của người anh yêu. Chị ấy viết chữ không đẹp
nhưng nắn nót. Thư kể rằng chị là đội trưởng đội công tác xã, chị vừa bắn chết
hai tên ác ôn giữa chợ ban ngày, được xã tặng khẩu súng ngắn, và Mặt trận thưởng
Huân chương chiến công giải phóng. Chị hỏi người yêu: “Cái Huân chương nó ra
răng anh? Từ nhỏ em chưa được thấy mặt nó lần nào”...
Và hai vợ chồng người đảng viên trên bờ sông Thu Bồn mười
năm trời giấu một khẩu súng, đêm đi bắn giặc, ngày đi đấu tranh chính trị. Và đồng
chí nông dân ở một xã Thăng Bình, Quảng Nam, mười năm giả bệnh tê liệt, chỉ lết
chứ không đi được, che mắt giặc gây dựng cơ sở, rồi đến ngày xã nhà khởi nghĩa,
bỗng dưng thấy đồng chí đứng dậy cầm dao đi diệt ác ôn như trong một chuyện thần
tiên.
Và người thiếu phụ Tam Kỳ tự gài chông đâm thủng ruột tên
lính giặc, rồi cũng tự tay băng bó và giáo dục nó. Và chị du kích Phú Yên chặn
xe bắt Mỹ giữa ban ngày. Và đội du kích đường sắt Tuy Hòa đánh giặc bằng một
cái lắc-lê, và bao nhiêu người nữa mà chúng ta không được gặp và không quen biết.
Chúng ta không thể gặp và quen biết hết, nhưng chúng ta hiểu
hết tất cả, cũng như họ đã tự hiểu họ. Chúng ta hiểu thế nào là con người Việt
Nam ta ngày hôm nay, sau bốn nghìn năm lịch sử, sau mười năm chiến đấu với kẻ
thù tàn bạo nhất. Chúng ta hiểu và tin, chúng ta đi tới.
Ngày nay con đường đi của hai mươi tám triệu bàn chân đã rộng
rãi, thênh thang. Chông gai phía
trước còn dày. Nhưng mục đích đã hiện ra sáng rõ. Chúng ta đã nhìn ra
lối đi đến đó...
***
... Tôi đã thức trọn một đêm. Bên ngoài đã hửng sáng. Một
ngày mới đang đến.
Làng quê đang thức dậy. Một tiếng gà gáy xa. Một ánh sao mai
chưa tắt. Một chân trời ửng đỏ
phía xa. Một chút ánh sáng hồng trên mặt nước ruộng lúa lên đòng.
Chẳng có gì cả, nhưng là tất cả, quê hương ta đó. Thân mật
như một buổi sáng trong ca dao,
trong tiếng hát dân ca trữ tình của chúng ta.
Có tiếng khóc của một đứa bé bên hàng xóm. Mẹ em mới sinh em
đêm qua. Em mới ra đời: thêm một
người lính khởi nghĩa ra đời! Có lẽ vài hôm nữa, nằm trong tay mẹ, em sẽ có mặt trên đồn giặc
trong cuộc đấu tranh chính trị của mẹ em, của làng nước quê em...
Sáng rồi. Cuộc chiến đấu của chúng tôi sắp bắt đầu. Trong trận
đánh hôm nay chúng tôi sẽ tiêu diệt
địch thật gọn, phối hợp với cuộc đấu tranh đang dậy khắp quê hương. Có thể
hôm nay, điều ấy cũng thường tình, tôi sẽ ngã xuống. Nếu như vậy, thì cũng
có sao đâu. Bởi vì giá như sau đó vì một sự kỳ diệu, tôi được sống trở lại thì cũng xin cho tôi được sống
trong ngày hôm nay của dân tộc ta. Tôi thiết tha yêu cái ngày hôm nay của đất nước, thiết tha yêu đội ngũ
trùng điệp của chúng ta đang tiến
lên trong cuộc hành quân cả nước sục sôi và chiến thắng này.
Sáng rồi. Phương Đông rực rỡ một màu hồng chói lọi.
1965