Buổi sớm mai khí trời tươi mát, sương hãy còn lấm chấm trên
những chiếc lá xanh, hàng rào dâm bụt trước nhà lòa xòa những búp hoa thon dài
có cái đầu đo đỏ, cây trứng cá kề bên đã rải lá vàng lẫn nâu nhạt đầy cái sân đất
ẩm ướt. Xa xa, cột khói bếp nhà ai chạy lơ thơ lên nền trời hừng sáng, đâu đó
tiếng gà trống vang vọng từng chặp giòn tan. Anh ba Lúa đeo cái cặp táp vào vai
của thằng Hùng rồi đẩy cổng rào kèn kẹt.
- Thưa chú, con đi học.
Hùng nói xong liền nhảy chân sáo vụt đi. Đến bến đò, nó đứng
nép mình sau cây gòn lớn, quay mặt nhìn ra đám lục bình nhấp nhô theo con sóng
chứ không chịu hòa vào đám người đứng lố nhố dưới mé cầu. Nó sợ người ta trông
thấy, lại đem chuyện nhà nó ra bàn tán, ở cái xứ này nó thấy ai ai cũng khổ mà
không ai khổ nhiều chuyện như nó. Một trái gòn khô rớt ngay chân, nứt ra nhu
nhú nhúm bông trắng lẫn hột đen. Hùng lấy nhúm bông mềm dai cho vào tay và ngắt
thành những vụn nhỏ, nhúm này là tía nhúm này là má nhúm này là nó và nhúm này
là chú Lúa, một cơn gió từ sông thốc lên mang theo những nhúm gòn bay tả tơi khắp
nơi. Hùng thở một cái đánh sượt và nhìn mông lung ra dòng nước cuồn cuộn. Nó
đâu có thích qua bên kia sông để học, nó chỉ muốn quanh quẩn ở cái cù lao này
thôi, bởi nó ngán miệng thiên hạ lắm lời. Cái cù lao cũng có chợ có trường
nhưng chợ thì quá nhỏ còn trường chỉ dạy đến lớp năm là hết. Nó đang học lớp bảy,
gần hai năm đi đò là gần hai năm nó hay cằn nhằn chú Lúa vô cớ.
- Ở cái cù lao này chán quá, mai tui lên thành phố đi làm
khu công nghiệp cho sướng.
Hùng không nhìn nhưng nó biết là giọng của anh Khoa cùng
xóm, anh Khoa học giỏi nhưng học hết lớp chín thì cũng là lúc phải đi làm vì ở
đây đâu còn lớp nào cho anh học nữa, học lớp mười thì phải ra thị xã mà muốn đi
thì câu hỏi đầu tiên là tiền đâu. Có lần nó hỏi chú Lúa “hỏng biết học để làm
cái gì?”, chú Lúa giải thích là học để hiểu biết với người ta nhưng nó thấy hiểu
biết đâu có ăn được, chỉ có đi làm mới có cái bỏ vô miệng thôi. Hùng nghĩ hai
năm sau nó cũng giống như anh Khoa bây giờ, chớ muốn khác cũng đâu có dễ, không
lẽ bắt chú Lúa nuôi nó ăn học hoài, chú cũng nghèo như mọi người ở cái chốn
cách trở đò ngang này. Nó đá mạnh trái gòn, những vụn bông trắng nhỏ xoay tít
mù rồi tỏa theo gió ra hướng mặt sông mênh mông. Bông gòn ơi, sao mày cũng muốn
bỏ cù lao mà đi vậy?
Nhiều người đã bỏ cái cù lao này đi biền biệt, bằng chứng là
má của Hùng. Má bỏ nhà theo một ông chú nào đó khi Hùng vừa tròn ba tuổi, tía
nó từ đó không còn lo kéo chài hay trồng bắp nữa mà ngồi nhậu suốt ngày. Được
ít lâu thì căn nhà trơ vỏ rỗng, tía nó hết tiền nhậu cũng như hết còn sức để nhậu
ké, cái còn lại là một đống nợ của bà con lối xóm, thế là phải xoay ra làm, mà
biết làm gì cho mau có tiền mà khỏe bây giờ. Nghe lời người ta, tía gởi Hùng
cho chú ba chăm sóc rồi bỏ đi lên thành phố kiếm việc. Không biết tía làm gì ở
trên đó mà bảy năm chưa thấy về thăm, đến nỗi cái mặt của tía ra sao Hùng cũng
sắp quên luôn rồi. Nhiều người đoán tía bỏ Hùng mà đi, giống như má vậy. Tía
ơi, con nhớ tía dữ lắm, mà tía có nhớ tía là tía của con không? Lắm lúc Hùng muốn
đi đại lên thành phố tìm tía, để hỏi câu đó nhưng ngặt nỗi không biết thành phố
ở đâu. Chú ba cũng nói chú không biết vì chú chưa đi thành phố bao giờ, chỉ biết
là nó rất rộng lớn, nhiều người đẹp và giàu lắm.
Chú ba thương Hùng như con đẻ, một mình chú vừa may quần áo
vừa trồng bắp trồng cà nuôi Hùng ăn học bấy lâu nay. Chú ngoài ba chục tuổi mà
không vợ không con, chính cái điều này làm cho mọi người nói hết biết, Hùng
nghe nhiều rồi. Bà năm đến may đồ từng chỉ vào mặt Hùng dạy rằng phải hối thúc
chú ba lấy vợ để chữa bệnh pê đê. Cô tư nhà kế bên hay qua mượn kim chỉ của chú
ba nhưng lại dặn thằng Ti con cô không được chạy qua nhà chú để chơi với Hùng,
cô tư nói cô không ưa nhìn mấy thứ bóng gió. Hùng tức lắm, chú ba có làm gì hại
ai đâu, sao họ cứ chăm chăm xỉa xói. Mà ngộ ghê, nói xấu người ta nhưng hay qua
nhờ vá quần vá áo hoài! Hùng kể hết cho chú ba nghe, chú cười chớ không giận. Nụ
cười của chú buồn lắm, kiểu cười méo miệng giống mấy người buôn bán lỗ vốn mà
Hùng thấy khi qua đò lúc trưa tan học. Bạn bè trạc tuổi chú đã có vợ với mấy đứa
con, thậm chí con của họ còn lớn hơn Hùng, nhưng sao chú ba sống có mình ênh.
Hùng hỏi chuyện này nhiều lần rồi, lần nào chú cũng nói là chú đang đợi người
yêu, người yêu của chú là nghệ sĩ, nghệ sĩ thì phải đi đây đi đó hát cho đời
vui, người yêu của chú có hứa quay về tìm nên chú cứ đợi cứ chờ, mà bảy năm nay
Hùng có thấy nghệ sĩ nào đến thăm chú đâu. Kỳ hết sức, nghệ sĩ nói thì phải
làm, chứ để chú chờ mong như vầy hoài, coi sao được?
Con sóng lạch bạch vỗ nhẹ bờ đất, đò cập bến, mọi người chen
nhau lên xuống lao nhao. Hùng mãi đứng suy nghĩ sau gốc cây nên không biết đò sắp
chạy. Cô Hai lái đò nhìn thấy bóng người liền cất giọng lanh lảnh “còn ai nữa
không? Đò đi à”. Hùng bừng tỉnh, xách dép chạy quáng quàng trên khúc cầu gỗ xâm
xấp nước “chờ con với”.
- Ai cắt tóc cho mày đẹp vậy? – Đứa bạn chung lớp hỏi ngạc
nhiên khi Hùng vừa bỏ chân lên mũi đò.
- Chú ba Lúa của nó chứ ai. Ông đó là pê đê nên khéo tay dữ
lắm, làm cái gì cũng đẹp.
Cô Hai lái đò trề môi nói xong liền lấy cây dầm de mũi đò
quay ra, cô đâu biết thằng Hùng giận đỏ mặt. Em trai của cô ở sau lái giật máy
khiến con đò chồm lên phía trước một cái rồi lướt đi. Con đò chạy ngang mặt
sông còn nước lại chảy xuôi dòng. Lần nào qua đò đi học, Hùng cũng thích ngồi
bên hàng ghế ngược dòng để tận hưởng cảm giác muôn ngàn con nước ùa chảy vào
lòng. Gió thổi lồng lộng tứ bề, lục bình trôi từng dề lớn có mấy cái bông tím mọc
thoi loi ở giữa, Hùng thở khoan khoái, may sao hôm nay chuyện của nhà Hùng chỉ
bị nói có một câu, nó sợ người ta nói về nó lắm, dù là nói bất cứ điều gì nhưng
cuối cùng cũng quay về đề tài cha mẹ nó và chú ba Lúa của nó. Cô Hai lái đò bắt
đầu đi thu tiền, Hùng nhổm người dậy rút tờ hai trăm đồng mà chú ba để sẵn ở
túi quần.
- Khỏi đưa, chiều tao qua may bộ đồ mới đi ăn đám cưới. Mày
nhắc chừng chú ba mày may gấp gấp cho tao lấy sớm là được rồi.
Hùng chưa biết trả lời ra sao thì thằng bạn chung lớp ngồi
giữa lòng đò lên tiếng “chú ba của nó may đồ lâu lắm, có cái bộ quần áo đi học
mà chờ hơn một tháng”. Hùng nạt lại “tại mày may vào mùa tựu trường, nhiều người
đi may đồ cùng lúc, chứ cái áo sơ mi dễ ẹt, chú ba tao làm từ sáng tới chiều là
xong”.
- Ai mà không biết chú ba của mày may đồ giỏi, khỏi cần
khoe. – Cô Hai lái đò nói xong với Hùng liền bước đi thu tiền nhưng miệng lại lẩm
bẩm. – Mấy người pê đê làm gì cũng khéo, bên kia sông có thằng Trung uốn tóc
còn bên cù lao có ba Lúa.
- Thằng Trung nhuộm tóc ba màu đó hả, nhìn dẻo quẹo là biết
bóng liền. – Bà tám ôm cái thùng cá rô lên tiếng hỏi bâng quơ. – Còn thằng ba
Lúa nhìn đâu có giống?
- Sao không giống, tại mắt bà già nên bà nhìn không rõ, chứ
cái tướng của thằng Lúa đi te rẹt y như con mèo có chửa vậy đó, kỳ lắm. – Ông
sáu câu tôm la lớn cho cả con đò cùng nghe.
Mọi người tiếp tục góp lời về anh Lúa như đang cùng thêu dệt
một câu chuyện hài hước, câu người này móc nối vào câu người kia, nội dung chỉ
có vậy nhưng câu chuyện dường như bất tận. Hùng chỉ biết ngồi xụi lơ, cụp mắt
nhìn xuống cái vạt áo khít rịt những đường chỉ may khéo léo. Lúc trước hễ nó
nghe những lời bàn tán như vậy là nó buồn muốn khóc, còn bây giờ nó nghĩ gì
trong đầu, đố ai đoán ra cho được? Mười lăm tuổi rồi, nó đâu còn là con nít nên
nhận xét phải khác chớ.
Ở cái cù lao buồn thỉu buồn thiu này, có người lớn tuổi mà
tính tình y như con nít, và cũng có những đứa con nít sớm mang suy nghĩ của người
lớn. Đời mà, muôn màu muôn vẻ.
Đây không phải là lần đầu anh ba Lúa ngồi năn nỉ thằng Hùng
ăn cơm. Anh rót ly nước để lên bàn sẵn cho nó và ngồi xuống chiếc ghế kề bên dỗ
dành nhưng thằng Hùng vẫn chưa chịu cầm đũa và cơm vào miệng, tức mình, anh
quát “hễ ai nói động chạm tới chú, chú không nhận may đồ cho họ thì lấy gì mà
mua gạo mua đồ ăn, lấy gì để mai mốt dẫn con lên thành phố tìm tía của con”.
- Mấy người đó nói xấu chú là họ không thích chú, vậy sao
chú cứ may đồ đẹp cho họ làm gì? Chú may xấu thiệt là xấu đi, nhất là bộ đồ của
cô Hai lái đò.
- Làm vậy thì người ta càng ghét mình hơn. Phải cố gắng sống
tốt cho mọi người thương, từ từ rồi mọi người hết nói. Với lại họ nói cho vui,
chớ đâu có ác ý gì.
Ngồi phùng má một hồi rồi thằng Hùng cũng cầm chén cơm lên,
hai gò má đỏ như trái bồ quân. Cái cảnh này anh Lúa quen lắm, cái nết thằng
cháu của anh là hay hờn hay giận, tội nghiệp, anh không chịu khó dỗ dành thì có
ai đâu dỗ nó? Anh sợ nếu anh không đến dỗ thì nó sẽ không bao giờ giận nữa, ai
sống mà không biết giận, kẻ đó đáng thương vô cùng. Anh nhớ lúc chị dâu đẻ ra
thằng Hùng cũng là lúc chị giận hờn anh hai của anh, chắc vậy nên giờ thằng
Hùng có tính hay giận, con cái phải giống người đẻ ra nó chớ. Nhưng vốn là đứa
con trai quen chịu đựng sớm, Hùng chỉ giận một chút là hết. Anh Lúa nhớ ngày đầu
tiên anh hai gởi thằng cháu này cho anh, nó nhìn anh hỏi “sao chú ba chưa lấy vợ?”,
sang đến ngày thứ hai nó lại hỏi “bóng với pê đê có gì khác nhau?” nhưng sau đó
không nghe thấy nó hỏi những câu như vậy nữa, mà nó bắt đầu ngồi yên tư lự. Kể
từ lúc phải qua bên kia sông đi học, nó hay lý luận với anh, còn anh thì càng
ngày càng đuối lý với nó, ngày trước anh đâu có được học hết lớp năm nên làm
sao anh biết cách ăn nói cho lưu loát.
- Con biết cách làm cho mọi người đừng nói xấu chú nữa.
- Hay vậy, cách nào?
- Chú lấy vợ đi. – Hùng mở to mắt ra vẻ như vừa phát hiện một
sáng kiến, chứ thật ra câu này nó nói hoài.
Anh Lúa nhìn lảng đi chỗ khác, bất giác anh cầm ly nước trên
bàn đưa lên miệng mà quên đó là ly nước của thằng Hùng. Hùng biết chú của nó
đang rối, giờ Hùng tinh lắm.
- Chú lấy vợ cho vui. – Hùng lặp lại.
- Chú đang chờ người yêu mà. – Anh Lúa nói mà cảm giác cái
ghế thụt sâu xuống lòng đất.
- Chú nói xạo, chú cho con coi tấm hình trong tủ thì con mới
tin.
Anh Lúa muốn đưa cho thằng Hùng xem tấm hình đó lắm, nhưng
làm sao được, anh không thể, Hùng còn nhỏ nên chưa hiểu chuyện. Anh méo miệng cố
cười nhưng trong đầu đang tìm một lý do từ chối.
- Chú cưới vợ thì lấy ai nuôi con.
Hùng nghe xong thì nhíu hàng lông mày rậm nghĩ ngợi. Ủa, vậy
ra lâu nay chú không lấy vợ là vì lo cho nó, tự nhiên nó thấy nó trở thành một
gánh nặng cho người thân, mà nặng thật, nó đã hơn năm chục ký lô, trong lớp
Hùng to con nhất, Hùng đã lớn rồi. Hùng buông đũa, nó ăn không nổi nữa. Anh Lúa
thấy mặt thằng cháu nghệch ra thì tưởng lý do của anh có tác dụng, chắc Hùng sẽ
bớt giục anh cưới vợ. Hớp thêm ngụm nước, anh kéo chân lên ghế.
- Chừng nào tía của con về rước con, chú rảnh tay rảnh chân
thì chú cưới vợ. Lúc đó, Hùng sẽ không còn nghe người ta nói này nói nọ nữa
hén. – Anh Lúa run đùi đắc ý, lúc tía nó rước nó đi rồi thì chuyện anh cưới vợ
hay không cũng không ảnh hưởng gì đến nó nữa.
***
Đêm khuya mưa rớt chơi vơi, ếch kêu muỗi thổi, đèn khơi lập
lòe. Ngoài hiên ánh chớp sáng nhòe, bên khung cửa nhỏ lè tè ngồi khâu, anh Lúa
nào có biết đâu, trên căn gác nhỏ Hùng thao thức nhìn. Ngẫm mình cũng thể con
trai, tự lo tự liệu cho hay việc mình.
Tui có tía má, không phải, chỉ còn tía thôi, ai biểu má bỏ
tía con tui, tui coi như má chết rồi. Tía nói tía thương tui nhất, mà sao không
có về đây thăm. Chắc là tía quên mất tiêu đường về rồi, tui biết tía lớn tuổi
nên tía hay quên, cái tên tui đầy đủ là Nguyễn Văn Hùng mà tía chỉ nhớ có mỗi
chữ Hùng, chú ba cũng nói mấy người nhậu nhiều hay quên bất tử lắm… chứ tía
không có bỏ tui đâu, trước khi đi tía có hứa là quay về mà. Tui phải đi tìm
tía, tui sẽ dẫn tía về, tui không cho tía uống rượu nữa, tui bắt tía ở nhà rồi
tui đi làm nuôi tía, tui lớn rồi, tui bắt cá đem bán hay trồng bắp giống như
chú ba cũng được, tía ăn đâu có bao nhiêu. Tía về ở với tui thì mấy thằng kia hết
nói tui bị bỏ rơi. Má vì tiền mà hết thương tía với tui, tui ghét tiền lắm, tui
không cần tiền đâu, tui chỉ cần tía mà sao tía cũng bỏ quê đi kiếm tiền vậy?
Tía ơi, giờ tía đang ở đâu? Tui sẽ đi tìm tía, nếu tía mệt tía đi không nổi thì
tui sẽ cõng tía về. Tui đi rồi, chú ba Lúa sẽ lấy vợ rồi có con, mấy cái miệng
nhiều chuyện không còn nói xấu chú nữa. Tui không muốn chú vì lo cho tui mà trễ
nãi chuyện vợ con.
Anh Lúa giơ đấm tay vỗ vào sống lưng cụp cụp, dạo gần đây
anh hay đau lưng. Bên ngoài trời lên cơn thịnh nộ, gầm rú chớp nhá liên hồi,
mưa càng lúc càng lớn, cây trứng cá bị gió tuốt gần hết lá. Bất ngờ, anh quay lại
nhìn lên căn gác gỗ, thấy Hùng ngồi im lìm nhìn mình thì anh phát hoảng.
- Khuya rồi sao chưa ngủ, ngồi nghĩ gì đó?
- Chú ba, nếu chú không nuôi con thì chú cưới vợ hén. – Hùng
hỏi bằng giọng ráo hoảnh.
- Ờ… khi nào tía của con về rước con thì chú tính chuyện lấy
vợ. Ngủ đi, sáng mai đi học sớm.
Hùng nằm xuống chiếc chiếu bông nhưng không ngủ. Mắt mở thao
láo nhìn trần nhà, trong đầu nó đang hiện ra một bản kế hoạch táo bạo. Đây sẽ
là điều tốt đẹp cho hết thảy mọi người, tía, chú ba, và nó. Ngày mai nó sẽ thực
hiện bước đầu tiên, nó sẽ viết hai bức thư, một bức từ biệt và một bức chúc mừng.
Anh ba Lúa vừa đi tưới ruộng về thì thấy hai bức thư để sẵn.
Đọc xong anh muốn ngất, không kịp thay quần áo, anh chạy ào ra bến đò. Cây gòn
tươm mủ như những giọt máu chảy dọc theo thân.
- Nó đi lâu chưa?
- Lâu, nó qua đò lúc giữa trưa, bây giờ là xế chiều rồi. Nó
mặc đồ đẹp lắm, tay xách một bịch khô cá sặc, lại còn hát nữa.
- Chị cho đò chạy mau lên giùm tui. Thành phố mênh mông, làm
sao nó biết tía của nó ở đâu mà tìm.
Đó là lần cuối cùng cô Hai lái đò gặp anh ba Lúa và thằng
Hùng. Cả xóm xì xào không hiểu vì sao chỉ có một buổi mà có thêm hai người lần
lượt bỏ cù lao. Đương nhiên, người ta tìm cô Hai để hỏi vì chỉ có cô biết rõ ai
qua sông. Lúc nào, cô cũng giải thích “thằng Hùng đi tìm tía, còn thằng ba Lúa
đi tìm cháu, lâu rồi nhưng chưa thấy ai quay về, cái thành phố biết nuốt người
ta”. Ai nghe cũng gật đầu thương hại, nhưng có một người khách lạ ăn mặc bảnh
bao như nghệ sĩ qua đò hỏi chị Hai “anh ba Lúa có nói khi nào về đây không”,
“Không, tui thấy tới khi nào tìm được thằng Hùng thì ba Lúa mới về, nói thiệt với
anh, ở đây còn ai thân thiết chờ đợi đâu mà về”. Người khách lạ chùng mặt, vội
quay ra dòng sông đang cuộn chảy để tránh cái nhìn soi mói của người đời “Lúa
ơi, giờ này em ở đâu?”.
-- 2009
--