2019-04-11

[note] còn nhiều nhận thức sai lầm về bình đẳng giới


[note] còn nhiều nhận thức sai lầm về bình đẳng giới

Bất Bình đẳng giới gây bạo lực gia đình
Bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bạo lực gia đình (BLGĐ), thủ phạm thường là nam giới và nạn nhân chủ yếu là nữ giới.
Một bộ phận nam giới cho rằng phụ nữ bình đẳng, tiến bộ thì quyền lực, vị thế của mình sẽ bị đe dọa. Vì thế, họ sử dụng bạo lực để khẳng định bản thân trong gia đình.
Về phần phụ nữ, dù tiến bộ nhưng vẫn bị đóng đinh bởi những khuôn mẫu giới: Phụ nữ luôn phải đứng sau đàn ông, gắn liền với công việc nội trợ, giữ gìn tổ ấm, chăm sóc con cái. Nếu họ không làm được điều đó thì dù thành đạt đến đâu cũng bị coi là thất bại. Phụ nữ cũng luôn gắn liền với đức tính cam chịu, hi sinh cho chồng con không chỉ trong một giai đoạn nào đó mà đến hết đời. Đây là lý do khiến không ít phụ nữ sống cam chịu bất hạnh, chấp nhận tình trạng bất bình đẳng một cách tự nguyện. Để rồi đến khi quá sức chịu đựng lại biến thành thủ phạm gây ra bạo lực ở mức độ trầm trọng hơn như giết chồng, giết con...

====================
Định kiến giới với phụ nữ, trẻ em gái trong bạo lực tình dục
Xâm phạm tình dục chỉ xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em gái ngoan và ngây thơ, một số phụ nữ bị hiếp dâm do lỗi của họ, người chồng không thể hiếp dâm vợ mình... là những định kiến và nhận thức sai lệch về tình trạng bạo hành tình dục (BHTD) hiện nay của người dân lẫn cơ quan chức năng.
Việt Nam bị ảnh hưởng đạo Khổng cho rằng phụ nữ có nhu cầu tình dục thấp, ở vị trí thấp kém hơn so với nam giới về tình dục và không có khả năng đại diện tình dục cho chính mình.
ở Việt Nam có một niềm tin phổ biến là khi một cô gái đồng ý lập gia đình, nghĩa là cô ấy đồng ý quan hệ tình dục và khi nào còn tồn tại đời sống hôn nhân, khi đó không thể chấm dứt quyền về tình dục. Mặc dù đã có Luật Phòng chống bạo hành gia đình, song vẫn còn tồn tại suy nghĩ phổ biến rằng BLGĐ là vấn đề riêng của mỗi gia đình.
danh dự gia đình và định kiến xã hội đã khiến cho việc trình báo về tình trạng BHTD thường gắn với suy nghĩ về danh dự của gia đình. Ở Việt Nam, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hay không khuyến khích nạn nhân quyết định trình báo về vụ việc xảy ra với mình và đề xuất khởi tố hình sự. Nạn nhân sẽ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía gia đình và họ hàng nếu như theo đuổi vụ việc khiến gia đình mất đi danh dự.
Niềm tin và quan niệm cho rằng BHTD chỉ ra xảy với các bé gái ngoan và ngây thơ. Nghĩa là cách tiếp cận công lý chỉ tập trung vào tính cách đạo đức của nạn nhân chứ không tập trung vào độ tin cậy của trường hợp bạo lực được trình báo. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc trình báo và việc đình chỉ vụ án BHTD sau này. Do vậy, quá trình xử lý các vụ án BHTD vẫn còn có nhiều bất cập về mặt luật pháp.
những rào cản phổ biến trong việc tiếp cận công lý mà những nạn nhân bị xâm hại tình dục đang gặp phải không chỉ là những khó khăn trong việc nhận được sự trợ giúp, mà còn ở thái độ và sự phân biệt đối xử của cảnh sát và các quan chức tư pháp được giao nhiệm vụ hỗ trợ. Hiểu được những rào cản đối với công lý sẽ là bước đầu quan trọng để đảm bảo công lý cho phụ nữ và chấm dứt tình trạng vụ án BLTD không được xử lý một cách công bằng.
Tất cả các hành vi tình dục mà được thực hiện không có sự đồng ý của phụ nữ, cho dù không có dấu hiệu của sự phản kháng đều bị coi là BLTD và vi phạm pháp luật. BLTD và ép buộc tình dục giữa các cặp vợ chồng, các cặp bạn tình thường xuyên hay không thường xuyên và các cặp sống thử là có tội. Khi xác lập tội danh về tình dục đối với bé gái, xem xét số tuổi tối thiểu mà một người được coi là đủ năng lực pháp lý để đồng ý với các hành vi tình dục theo các chuẩn quốc tế. Hành vi giao cấu với bé gái dưới tuổi quy định bị coi là tội phạm (không quan tâm đến việc có nạn nhân đồng ý hay không)…
====================
"Lệch chuẩn" truyền thông bình đẳng giới
Nhiều khuôn mẫu giới, định kiến giới vẫn xuất hiện trong các sản phẩm truyền thông, vô tình tuyên truyền cho sự bất bình đẳng giới.
các cơ quan truyền thông và người làm truyền thông nhiều khi lại không ý thức được vấn đề giới và bình đẳng giới (BĐG) nên đã cho ra đời những sản phẩm truyền thông mang nặng khuôn mẫu giới, từ đó làm tăng thêm định kiến giới đối với người tiếp nhận.
Các vấn đề mà nữ lãnh đạo xuất hiện để trả lời được coi là dành cho phái nữ như: Giáo dục, trẻ em, gia đình, dịch vụ xã hội...
Trong khi đó, các lãnh đạo nam giới lại được phỏng vấn nhiều hơn về những vấn đề được coi là "nam tính" như: Kinh tế vĩ mô, ngân sách, quan hệ đối ngoại, an ninh, sự kiện quốc tế. Đây là những vấn đề thường được coi trọng trong hệ thống quản trị nhà nước.
Cách truyền thông này đã mặc nhiên bộc lộ định kiến giới rằng có nhiều công việc chỉ có nam giới giỏi và đảm nhận được, còn nữ kém hơn nam giới và chỉ giỏi những công việc mà xưa nay vẫn thuộc về khuôn mẫu giới. Điều này dẫn tới thông điệp ngầm truyền thông đưa ra càng làm tăng định kiến "trọng nam khinh nữ" trong xã hội.
Ngoài ra, những định kiến mà truyền thông thường xuyên mắc phải còn thể hiện ở việc nhấn mạnh vai trò giới qua các sản phẩm truyền thông. Ví dụ trong các sản phẩm quảng cáo, người phụ nữ luôn xuất hiện với công việc bếp núc, giặt giũ, chăm sóc con cái... (quảng cáo dầu ăn, bột giặt, sản phẩm sữa...), hay các sản phẩm thời trang, làm đẹp... Nam giới vẫn xuất hiện với hình ảnh lịch lãm, phong độ, các công việc đòi hỏi "bản lĩnh cao"... Trong sản phẩm truyền thông về lĩnh vực gia đình, người phụ nữ vẫn được mặc định cho nghĩa vụ hi sinh cho chồng con, việc nhà là của phụ nữ, phụ nữ phải chấp nhận gánh nặng kép...  Việc lặp đi lặp lại những khuôn mẫu giới hàng ngày trên truyền thông càng khiến cho những định kiến giới được khẳng định và tiếp tục ăn sâu vào nhận thức của người dân.
truyền thông hiện nay thiếu nhạy cảm giới. Các thông điệp truyền thông trên báo chí vẫn chưa phản ánh công bằng và cân bằng diện mạo, vị trí của nữ giới trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội.
Một trong những vấn đề mà truyền thông thiếu nhạy cảm giới nhiều nhất là khi tuyền truyền về vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ). Bản chất của BLGĐ là hậu quả của bất bình đẳng giới, để xóa bỏ nó thì công tác truyền thông phải nâng cao nhận thức cho công chúng nhằm từng bước đẩy lùi bạo lực. Tuy nhiên, những người làm truyền thông đôi khi lại nhìn nhận sai lệch về bản chất của BLGĐ, coi đây là "chuyện riêng" của mỗi nhà, xuất phát từ mâu thuẫn gia đình. Truyền thông luôn xem gia đình là chốn riêng tư, các vấn đề gia đình thường được giải quyết theo hướng "đóng cửa bảo nhau".
Vì vậy người bị bạo lực thường ở thế buộc phải chấp nhận, cam chịu hoặc bỏ qua những hành vi bạo lực. Người gây ra bạo lực không được tác động tích cực trở lại nên dễ sàng tiếp tục hành vi bạo lực leo thang. Hệ quả kéo theo là BLGĐ tồn tại dai dẳng, không được giải quyết triệt để.
Rõ ràng, cách truyên truyền ấy của truyền thông là thiếu nhạy cảm giới. Bởi việc nhìn nhận BLGĐ là hệ quả của mâu thuẫn hay cơn nóng giận là cách nhìn phiến diện và thiếu chính xác. Một số nghiên cứu về BLGĐ đã chỉ ra nguyên nhân của BLGĐ nằm trong thái độ gia trưởng và niềm tin của người gây bạo lực rằng họ là chủ gia đình nên có quyền áp đặt ý muốn và quyền hạn đối với mọi thành viên khác trong gia đình. Hầu hết các vụ BLGĐ đều có cả một quá trình lâu dài.
Khi chúng ta dùng cụm từ "xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng" hoặc do nóng giận để mô tả quan hệ bạo lực, vô hình chung chúng ta đã quy trách nhiệm gây bạo lực thuộc về cả hai phía, che khuất thực tế là người gây ra bạo lực phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Mâu thuẫn nhiều khi chỉ là cái cớ làm bùng lên sự việc vốn đã bị che đậy khá tinh vi mà không phải ai cũng nhận ra. Do đó, việc nhẫm lẫn giữa cái cớ và nguyên nhân có thể dẫn đến những thông tin sai lệch cho bạn đọc.
Sự thiếu nhạy cảm còn thể hiện khi truyền thông thường đưa ra ý nghĩa khuyến cáo không đầy đủ khi phản ánh BLGĐ trong phạm vi tính chất của một vụ án. Việc giết người hay gây thương tích cho nạn nhân là hành động cực điểm trong chuỗi hành động tội ác mà kẻ gây bạo lực sử dụng để thể hiện quyền lực và khống chế bạn đời hay người thân của mình từ trước đó.
Khi truyền thông dừng lại ở việc mô tả hành vi BLGĐ tại thời điểm xảy ra thương tích hay cái chết của nạn nhân khiến người đọc nhìn nhận nó như một hành vi mang tính bộc phát, nằm ngoài sự kiểm soát của kẻ gây tội. Điều này vô tình bao biện cho hành vi cố ý của người gây bạo lực, giảm tính nghiêm trọng của vấn đề. Cùng với đó, việc dùng ngôn ngữ chỉ trích, đổ lỗi cho người bị bạo lực cũng góp phần làm cho BLGĐ gia tăng.
Nếu người làm truyền thông có nhạy cảm giới sẽ hiểu và đưa ra thông điệp BLGĐ không phải là vấn đề nội bộ của một gia đình, mà là vấn đề của xã hội. Cộng đồng hoàn toàn có thể có những hành động tích cực giúp người gây ra bạo lực nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi.
yếu tố giáo dục là một trong những nguyên nhân khiến cho truyền thồng về BĐG bị "lệch chuẩn". Bởi trước khi tiếp xúc với truyền thông, chúng ta đều được giáo dục từ trong gia đình và ở trường học.
Trong gia đình, ông bà, bố mẹ vẫn giáo dục con cháu theo chuẩn mực giới truyền thống: Con gái phải học nữ công gia chánh, làm công việc bếp núc, chăm sóc gia đình, sống nhẫn nhịn, hi sinh. Con trai được dạy nắm giữ vai trò trụ cột kinh tế, có quyền quyết định mọi vấn đề trong gia đình, sống gia trưởng... Điều đó vô tình mặc định định kiến giới tồn tại trong nhận thức đối với mỗi người ngay từ nhỏ. Khi tới trường học, trẻ lại tiếp tục tiếp xúc với những chuẩn mực giới ấy từ những bài học trong sách giáo khoa, bài giảng của thầy cô giáo. Định kiến giới lại một lần nữa được "đóng đinh" trong nhận thức của trẻ.
những hình ảnh, nội dung mang tính định kiến giới trong SGK, chương trình giáo dục sẽ làm khắc sâu định kiến giới trong nhận thức trẻ em. Từ đó làm chậm tiến trình đạt được BĐG thật sự.
Các chuyên gia nghiên cứu truyền thông cũng cho rằng, môi trường gia đình nhà báo ảnh hưởng đến nhận thức về giới và định kiến giới đối với nguồn tin của các nhà báo. Ví dụ, nhà báo sống trong gia đình có sự phân công công việc theo vai trò giới truyền thống (phụ nữ chăm sóc gia đình, nam giới kiếm tiền, sự nghiệp của nam giới được coi trọng hơn nữ giới...) thì quan niệm của họ khi đưa thông tin truyền thông sẽ có những định kiến giới rõ rệt. Bởi chính họ cũng không phân biệt được ranh giới của sự bất BĐG thật sự nằm ở đâu.
Vì vậy, việc xây dựng lại hệ thống giáo dục có nhạy cảm giới phải bắt đầu từ chính trong gia đình, trường học. Cùng với đó, yếu tố nhạy cảm giới trong công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh thì mới tìm ra được chìa khóa để mở cánh cửa BĐG thành công.
====================
Định kiến giới trong hệ thống tư pháp
Định kiến giới có thể tìm thấy ngay trong các quy định pháp luật, các bộ luật, trong quy trình điều tra của các cơ quan pháp luật, trong quy trình xét xử của tòa án, qua đó vô tình làm tăng thêm những mối nguy hại gây ra cho phụ nữ.
Cụ thể, quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình còn một số nội dung gây tranh cãi từ góc độ bình đẳng giới. Đó là Luật quy định về nguyên tắc việc giúp đỡ phụ nữ thực hiện chức năng cao quý của người mẹ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy là xuất phát từ tư tưởng cổ hủ coi việc nuôi con là của người phụ nữ. Hay, khái niệm kết hôn đã loại bỏ việc kết hôn giữa những người đồng giới và khái niệm chung sống như vợ chồng cũng loại bỏ việc chung sống giữa những người cùng giới tính. Ngoài ra, quy định cho phép mang thai hộ cũng có thể bị xem là một sự ủng hộ cho tư tưởng sinh con bằng bất cứ giá nào để gia đình có người kế tự.
Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới đều chưa đưa ra được định nghĩa về bạo lực trên cơ sở giới. Vì vậy chưa thật sự xác định được nội hàm của khái niệm và có thể dẫn tới việc hiểu và áp dụng luật theo hướng ủng hộ những khuôn mẫu giới hoặc định kiến giới. Ví dụ, để xác định hành vi của người chồng hoàn toàn không tham gia vào các công việc gia đình, không làm việc để có thu nhập về cho gia đình có phải là một hình thức của bạo lực trên cơ sở giới không đơn giản. Hay, Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu không giống nhau giữa đối với nam và nữ.
Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành cũng tồn tại một số quy định hoặc thiếu một số quy định ảnh hưởng đến việc thay đổi những khuôn mẫu giới hoặc định kiến giới. Đó là quy định việc không áp dụng án tử hình hoặc không thi hành án đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (Điều 35) nhưng lại không tính đến trường hợp đàn ông nuôi con dưới 36 tháng tuổi dường như gián tiếp mặc định nghĩa vụ chăm sóc con cái thuộc về phụ nữ. Hay, đối với quy định về các tội xâm hại tình dục, BLHS chưa thể hiện rõ vấn đề xâm hại tình dục trong quan hệ hôn nhân.
Một số quy định khác của BLHS ít nhiều có thể xem vô tình ủng hộ hoặc chịu ảnh hưởng của tư tưởng khuôn mẫu cổ hủ về giới như không quy định cụ thể hành vi bạo lực kinh tế đối với các thành viên trong gia đình tại Điều 151. Trong khi giải thích về hành vi đối xử tàn ác hoặc hành hạ trong những tội này lại chưa rõ có bao gồm trường hợp cưỡng ép lao động quá sức để kiếm tiền, hoặc bị người chồng hoàn toàn kiểm soát thu nhập dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Quy định tình tiết giảm nhẹ "phạm tội do lạc hậu" nếu áp dụng trong bối cảnh các tội mang tính bạo lực đối với phụ nữ hoặc bạo lực gia đình lại mang ý nghĩa cảm thông với quan niệm cổ hủ hoặc định kiến giới...
Mặc dù Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới và có tiến bộ đáng kể trong cải cách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ trước BLGĐ nhưng phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại trong tiếp cận công lý.
Thực tế cho thấy khi chịu ảnh hưởng của tư tưởng khuôn mẫu cổ hủ và định kiến giới, nhiều cán bộ tư pháp nhận thức vấn đề đơn giản, thậm chí đôi khi xem nhẹ vấn đề cần giải quyết như: Trong việc chia thừa kế, việc giải quyết ly hôn, việc điều tra, truy tố, xét xử các hành vi phạm tội có tính chất bạo lực giới.
Ví dụ trong các vụ việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo về xâm hại tình dục hoặc BLGĐ có đặc điểm khác với hành vi xâm hại con người khác. Tuy nhiên, cán bộ tư pháp trong nhiều trường hợp không nhận thức được tính nhạy cảm của vấn đề hoặc vì khuôn mẫu giới cổ hủ mà cho rằng những trường hợp này là vấn đề đạo đức gia đình, pháp luật không nên can thiệp. Thậm chí, nhận thức sai lệch về vấn đề ngầm ủng hộ quan điểm của người gây bạo lực khi cho rằng người phụ nữ, người vợ đáng bị đối xử như vậy. Nhận thức đó trong một số trường hợp dẫn đến thái độ thờ ơ, thiếu nhiệt tình, thiếu tâm lý, đôi khi còn soi mói, thiếu tôn trọng nạn nhân bị bạo lực.
thái độ khoan nhượng phổ biến của các nhân viên thực thi pháp luật, với quan niệm cho rằng BLGĐ là một vấn đề riêng tư, cần ưu tiên giữ gìn sự toàn vẹn của gia đình và phụ nữ không bao giờ có thể từ chối nhu cầu tình dục của chồng.
Có thể thấy, giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện trong đó bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận công lý của người bị bạo lực là một phần quan trọng.
Quy định rõ ràng tiêu chí hòa giải thành công, quan trọng nhất là chấm dứt bạo lực chứ không phải duy trì gia đình bất hạnh. Đối với các vụ việc hiếp dâm, xâm hại tình dục vì lý do nhạy cảm, cơ quan chức năng cần hướng dẫn nạn nhân và người nhà tiếp cận công lý, xử lý những người có hành vi bạo lực mà không nên dàn xếp dân sự.
Ngoài ra, việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống pháp lý đa kênh sẽ làm giảm gánh nặng tâm lý cho nạn nhân khi báo cáo vụ việc với các cán bộ nam giới và xử lý tốt hơn những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt khi tìm kiếm công lý.
====================
http://m.laodongxahoi.net/binh-dang-gioi-con-nhieu-nhan-thuc-sai-lam-ky-1-bat-binh-dang-gioi-gay-bao-luc-gia-dinh-1311480.html
http://laodongxahoi.net/binh-dang-gioi-con-nhieu-nhan-thuc-sai-lam-ky-2-dinh-kien-gioi-voi-phu-nu-tre-em-gai-trong-bao-luc-tinh-duc-1311481.html
http://laodongxahoi.net/binh-dang-gioi-con-nhieu-nhan-thuc-sai-lam-ky-3-lech-chuan-truyen-thong-binh-dang-gioi-1311482.html
http://m.laodongxahoi.net/binh-dang-gioi-con-nhieu-nhan-thuc-sai-lam-ky-4-dinh-kien-gioi-trong-he-thong-tu-phap-1311483.html