Tư duy phản biện (“Critical thinking”) ngày nay trở nên phổ biến rộng rãi trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội từ giáo dục, khoa học đến kinh tế, chính trị…, được biết đến như một kỹ năng cần thiết để nhìn nhận, đánh giá và đi đến hoàn thiện một vấn đề bởi những lập luận, quan điểm khác nhau bằng các lý lẽ vững chắc nhìn từ những khía cạnh khác nhau.
Nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành khả năng tư duy độc lập, khả năng phân tích, đánh giá những thông tin, sự kiện cũng như mọi vấn đề của xã hội.
Trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, một trong những
môi trường học thuật của xã hội, tư duy phản biện giúp cho sinh viên chủ động
và linh hoạt hơn trong tiếp cận kiến thức, đồng thời những tranh luận cũng góp
phần nâng cao hơn kết quả tiếp nhận thông tin.
Với tư duy độc lập và tư duy phản biện làm nền tảng, và với
kiến thức tích lũy thành hệ thống, sinh viên sẽ có điều kiện phát triển tư duy
sáng tạo của mình. Ngược lại, nếu không có tư duy phản biện, sinh viên chỉ là
những cỗ máy tiếp nhận thông tin. Và kết quả là họ mất đi khả năng phản biện,
chỉ biết làm những gì được học như một lập trình sẵn có; và điều này không tốt
đối với sự phát triển của xã hội, đất nước.
Trong khi “tư duy phản biện” và “kỹ năng tư duy phản biện”
đã trở nên quen thuộc và được hình thành từ khá sớm đối với sinh viên các nước
phương Tây, thì điều này còn khá mới mẻ đối với nhiều nước ở châu Á, trong đó
có Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính được nhiều chuyên gia đưa ra đó
là do những rào cản trong văn hóa truyền thống và hệ tư tưởng của các nước châu
Á, từng một thời là chiếc nôi của văn hóa phương Đông.
Tuy nhiên những rào cản đó không phải là nhân tố quyết định.
Nhật Bản, đất nước có khá nhiều nét tương đồng trong văn hóa, tư tưởng, tính
cách dân tộc với Việt Nam, thế nhưng khả năng suy nghĩ độc lập, tư duy phản biện
của sinh viên “đất nước mặt trời mọc” này lại rất phát triển.
Điều tạo nên sự khác biệt này chính từ phương pháp giáo dục,
phương pháp giảng dạy của Nhật BảnVậy Nhật Bản đã áp dụng những phương pháp nào,
và Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng được những điều gì từ những mô hình và
kinh nghiệm đó để có thể phát triển tư duy phản biện ở sinh viên - đội ngũ trí
thức nòng cốt để tạo nền tảng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai?
Vậy tư duy phản biện là gì?
Tư duy phản biện là một khái niệm đã được nhiều nhà nghiên cứu
như John Deway, Edward Glaser, Robert Enis, Rihard Paul… định nghĩa theo nhiều cách
khác nhau nhưng chung quy lại nó là cách đưa ra những tranh luận, những suy luận,
đánh giá, phán đoán dựa trên sự hiểu biết có căn cứ khoa học.
Dưới đây là một định nghĩa của tác giả Angela Jones đưa ra
trong cuốn sách Critical Thinking in Sociology: An Introductory Reader, được
nhiều nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục đồng ý, đó là: “Tư duy phản biện
là một phạm trù chỉ sự suy luận theo lối mở, không bị hạn chế, số lượng các giải
pháp là không giới hạn, bao hàm cả việc xây dựng các điều kiện, các quan điểm và
ý tưởng đúng đắn để đi đến kết luận vấn đề”.
Những yếu tố hình thành tư duy phản biệnTư duy phản biện là
kỹ năng có thể giáo dục và rèn luyện được, vì tư duy không phải là một khả năng
bẩm sinh. Chính vì vậy, để phát triển được tư duy phản biện thì cần một quá
trình hình thành lâu dài.
Trong cuốn sách Critical Thinking: An Introduction, tác giả
Alec Fisher đã đưa ra một số những cơ sở và các yếu tố hình thành nên tư duy phản
biện, đó là:
- Kiến thức được tích lũy về vấn đề cần phản biện. Đây là điều
kiện cần và tiên quyết để hình thành tư duy phản biện bởi chúng ta không thể
bàn về một vấn đề mà không có sự hiểu biết nhất định về nó.
- Khả năng lập luận, tổ chức nội dung, phán đoán và khả năng
tranh luận, hùng biện của mỗi người. Điều này một phần có thể do khả năng bẩm
sinh, nhưng hoàn toàn có thể rèn luyện được.
- Sự thôi thúc khám phá và nghiên cứu, cũng như tinh thần
trách nhiệm và sự tôn trọng các vấn đề đưa ra nhằm tìm kiếm giải pháp tốt hơn
cũng là cơ sở phát triển tư duy phản biện. Yếu tố này dường như không có nhiều ở
sinh viên nói riêng và người Việt Nam nói chung.
- Mặt khác, tư duy phản biện còn được hình thành từ những yếu
tố khách quan từ môi trường bên ngoài, như: giáo dục, chính trị, văn hóa - xã hội,
sự nhạy cảm của các vấn đề đưa ra… Tuy đây là những yếu tố khách quan nhưng nó
lại chi phối mạnh đến sự phát triển tư duy phản biện của mỗi người, đặc biệt là
giáo dục. Khả năng sáng tạo phụ thuộc khá nhiều vào tố chất cá nhân; nhưng tư
duy độc lập và tư duy phản biện lại phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng đào tạo và
học tập của môi trường giáo dục.
Nền giáo dục Nhật Bản hướng đến phát triển tư duy phản biện
như thế nào?
Để chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI, ngay từ 1984 Nhật Bản đã tiến
hành cải cách giáo dục lần thứ 3 với tư tưởng chủ đạo là hình thành hệ thống
giáo dục suốt đời (life-long learning), xây dựng xã hội học tập, chuẩn bị một
thế hệ trẻ phát triển toàn diện, năng động, tự chủ, sáng tạo, đáp ứng những yêu
cầu mới của xã hội hiện đại Nhật Bản trong nền kinh tế tri thức với quá trình
toàn cầu hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trong trường quốc tế.
Thay vì giáo dục sinh viên để trở thành những một cỗ máy được
lập trình sẵn, Nhật Bản dựa vào sự phát triển sáng tạo cá nhân của học sinh để
đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, cũng như tạo nên nền tảng để xây dựng
nên một bản sắc mới của quốc gia.
Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, phương pháp tiếp cận
mới “Học tập tích hợp” (Sogo teki na gakushu no jikan - Integrated Learning) được
giới thiệu, cho phép trường học, giáo viên và sinh viên được tự do hơn trong việc
lựa chọn chủ đề và lĩnh vực nghiên cứu với mục đích giúp sinh viên phát triển
khả năng tư duy phản biện và những kỹ năng giải quyết vấn đề, thông qua việc tự
nghiên cứu các chủ đề từ các quan điểm khác nhau, rút ra mối liên hệ giữa những
gì họ quan sát hoặc thông qua những trải nghiệm thực tế.
Những chủ đề này không chỉ gói gọn trong phạm vi sách vở, mà
còn rất gần gũi với cuộc sống của sinh viên như nhân quyền, các vấn đề cộng đồng
hay các vấn đề môi trường… Phương pháp học tập này được áp dụng nhằm giúp sinh
viên xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc, hiểu được vấn đề thông qua trải
nghiệm và thực nghiệm mà sinh viên đã được học trong từng môn học, đồng thời đẩy
mạnh và đào sâu những gì sinh viên học được trong cuộc sống. Đồng thời nó còn hướng
dẫn sinh viên những cách tìm hiểu, nghiên cứu, trình bày và bảo vệ những suy
nghĩ, quan điểm một cách hiệu quả.
Sau năm 2004, phương pháp này đã ít nhiều được điều chỉnh để
đảm bảo sinh viên có được một nền tảng vững chắc các kiến thức cơ bản. Sửa đổi
chương trình giảng dạy quốc gia bắt đầu từ năm 2011 nhằm mục đích cân bằng việc
xây dựng một nền tảng kiến thức với sự hỗ trợ cho tư duy sáng tạo.
Bên cạnh phương pháp học tập thông qua trải nghiệm như ở
trên, Nhật Bản cũng rất thành công trong việc vận dụng các phương pháp giảng dạy
giúp sinh viên học tập chủ động (Active learning) như: phương pháp động não,
phương pháp suy nghĩ - từng cặp - chia sẻ (Think-pair-share), phương pháp hoạt
động nhóm, phương pháp học dựa trên vấn đề hay phương pháp đóng vai… Những
phương pháp này giúp cho sinh viên có khả năng tư duy độc lập, đưa ra ý tưởng
và có thể tham gia được vào việc chia sẻ ý kiến của mình, giúp sinh viên tập
trung được vào chủ đề đang học, biết mình đang học gì, hiểu được vấn đề đến
đâu, hoặc thậm chí nêu lên những vấn đề mới trong bài học.
Với những phương pháp đó, sinh viên vừa nắm được kiến thức mới,
vừa nắm được nguyên tắc lĩnh hội kiến thức đó, phát triển tư duy chủ động, sáng
tạo, được chuẩn bị một năng lực thích ứng với đời sống xã hội, phát hiện kịp thời
và xử lý hợp lý các vấn đề nảy sinh.
Như thế, sinh viên có thể nhận rõ hiểu biết của mình về vấn
đề đã nêu, thấy mình cần học hỏi thêm những gì và bài học trở thành quá trình học
hỏi lẫn nhau chứ không phải sự tiếp nhận thụ động từ giảng viên; qua đó sinh
viên được bồi dưỡng và phát triển những kỹ năng cần thiết, trong đó có kỹ năng
tư duy phản biện.
Bên cạnh những phương pháp giáo dục ở trên, một môi trường học
tập tích cực khuyến khích với sự tham gia chủ động, sức sáng tạo và phản biện từ
sinh viên chính là nét khác biệt của nền giáo dục Nhật Bản, nơi khả năng và
tinh thần phản biện được xem là một trong những giá trị tích cực, là mục tiêu
đào tạo của nền giáo dục.
Nhật Bản tạo ra cho sinh viên một môi trường giáo dục mở, để
có thể tự do bàn luận và phản biện với tất cả giảng viên hoặc phản biện lẫn
nhau.Từ đó có thể thấy rằng, mục tiêu mà nền giáo dục Nhật Bản hướng đến đó là
học sinh có tri thức, tư duy độc lập, năng lực phê phán, phản biện và trách nhiệm
cá nhân; giáo dục nên những con người biết tự mình suy nghĩ, tự mình nhận định
đúng sai, tự mình tìm lấy chân lý và bảo vệ chân lý… Đây được xem là một bộ phận
quan trọng nằm trong triết lí giáo dục
Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới thứ
hai đến nay.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp sang nền kinh tế
tri thức, vai trò của giáo dục lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đặc
biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, giáo dục cần có những sự đổi mới,
thay đổi trong mục tiêu đào tạo để đáp ứng được những đòi hỏi và sự phát triển
của xã hội.
Vì vậy, nếu như trước đây, mục tiêu đào tạo giáo dục đại học
tập trung vào việc trang bị kiến thức hàn lâm cho sinh viên thì ngày nay bên cạnh
mục tiêu về kiến thức, những mục tiêu phát triển kỹ năng thực hành, khả năng tự
học, năng lực giải quyết vấn đề, ý thức lập nghiệp, kỹ năng giao tiếp, suy nghĩ
độc lập, tư duy sáng tạo…, mà đặc biệt là kỹ năng tư duy phản biện đang bắt đầu
được chú trọng.
Từ những bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản, bài viết này muốn đưa
ra những giải pháp, khuyến nghị sau đây để khắc phục tình trạng kém phát triển
tư duy phản biện ở sinh viên Việt Nam:
Trước hết, việc đổi mới giáo dục đại học là nhiệm vụ hàng đầu
để thay đổi những hạn chế về tư duy phản biện ở sinh viên Việt Nam hiện nay. Đó
là cần thay thế phương pháp giảng dạy “thầy đọc - trò chép” đã trở nên lạc hậu
bằng phương pháp giảng dạy mới "lấy người học làm trung tâm” với sự trao đổi,
tranh luận cởi mở, tự do như nghiên cứu tình huống, học trên cơ sở giải quyết vấn
đề, học qua khám phá, trải nghiệm… Những phương pháp đó giúp cho sinh viên khả
năng kết hợp, vận dụng kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, khả năng khám
phá, đánh giá, giải thích và tổng hợp thông tin một cách khoa học và qua đó
phát triển khả năng suy nghĩ độc lập và tư duy phản biện.
Thêm vào đó, sự thay đổi quy mô lớp học, bố trí lại số lượng
sinh viên trong mỗi lớp học cũng là một điều cần thiết.
Bên cạnh đó, các cấp học dưới cũng cần có sự thay đổi phương
pháp giảng dạy để tạo điều kiện cho học sinh phát huy ý kiến, quan điểm cá nhân
để dần dần hình thành tư duy phản biện.Thứ hai, cần đưa các môn học về tư duy
phản biện vào chương trình giảng dạy để góp phần định hướng cho sinh viên trong
việc phát huy tư duy phản biện.
Thứ ba, giảng viên cũng phải tích cực khuyến khích sự phản
biện từ phía sinh viên, đồng thời đưa ra các vấn đề liên quan đến môn học của
mình mang tính thời sự và thu hút sự chú ý. Nên chủ động phản biện và tạo điều
kiện tốt nhất để sinh viên có thể phản bác các ý kiến đưa ra, cũng như ý kiến của
chính người dạy.
Về phía mỗi sinh viên, mỗi cá nhân cũng cần ý thức trau dồi
kiến thức, tự tìm tòi, học hỏi và tự rèn luyện bản thân để tự tin hơn khi đưa
ra phản biện. Sinh viên cũng phải xác định mình chính là chủ thể của hoạt động
học tập và nghiên cứu, để từ đó tích cực và chủ động trong việc tiếp nhận kiến
thức và tư duy các vấn đề có liên quan trong môi trường học tập - nghiên cứu.
Nghĩa là sinh viên cần có một kế hoạch học tập cụ thể, có một sự chuẩn bị trước
khi đến lớp. Đọc và nghiên cứu cả trong giáo trình và từ các nguồn tài liệu
khác có thể để khi lên lớp
là lúc bạn đã hiểu về vấn đề và đưa ra những ý kiến, quan điểm của mình chứ
không phải là lúc bắt đầu tiếp nhận kiến thức.
Kết luận
Nhật Bản là một trong những đất nước có chất lượng học tập,
giảng dạy được đánh giá là tốt nhất thế giới hiện nay và là một trung tâm du học
lớn ở châu Á. Những đổi mới trong phương pháp giáo dục, hướng đến học tập tích
hợp, trên cơ sở thực tế và trải nghiệm, cùng với lối tư duy mở trong triết lý
giáo dục, đã không chỉ giúp cho sinh viên Nhật Bản có được một nền tảng kiến thức
tốt mà còn phát triển sự sáng tạo và những kỹ năng suy nghĩ độc lập và tư duy
sáng tạo. Nhờ thế, sinh viên tự tin hơn, năng động hơn và đáp ứng được yêu cầu
phát triển của đất nước.Để định hình một phong cách tư duy mới, giảng dạy và
truyền bá hình thức tư duy đó đã khó, thực hành và phát triển nó còn khó hơn.
Tuy nhiên, với những nét tương đồng trong văn hóa và tính
cách dân tộc, cũng như dựa trên những điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay, có
thể tin tưởng rằng, sinh viên Việt Nam sẽ học được rất nhiều về tư duy phản biện
và phát triển kỹ năng này thông qua việc áp dụng những phương pháp và hoạt động
của các trường đại học tại Nhật.
Sự phát triển cao nhất của trí tuệ nằm ở cách tiếp cận vấn đề.
Trách nhiệm của một trí thức là áp dụng tất cả những kiến thức thu lượm được
trong quá trình học tập để đưa ra những lựa chọn hay những quyết định dựa trên
những phân tích và tư duy phản biện.
“Một sinh viên sẽ có ích cho xã hội khi bạn học thực sự để trở
thành một người có khả năng tư duy độc lập, nâng cao khả năng tư duy phản biện
và tư duy sáng tạo”, câu nói đó của GS. Huỳnh Hữu Tuệ, một lần nữa đã cho thấy
được tầm quan trọng lớn lao của tư duy phản biện.
Vì thế, phát triển tư duy phản biện ở sinh viên cũng là nền
tảng để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
(sưu tập)