2017-10-16

những bí quyết học bài mau thuộc và nhớ lâu

Những bí quyết giúp học bài mau thuộc và nhớ lâu (phần 1)
Đăng Bởi Một Thế Giới - 05:30 22-04-2014
Những bí quyết giúp học bài mau thuộc và nhớ lâu
Học tập dù là bằng phương thức nào thì vẫn yêu cầu các bạn học sinh phải hiểu, vận dụng tốt và nhớ được những vấn đề cơ bản nhất của tri thức mà mình đã học. 
Khi giáo viên giảng bài trên lớp, có bạn nghe xong đã hiểu, vì vậy các bạn ấy thuộc bài ngay tại lớp. Nhưng không phải bạn học sinh nào cũng tiếp thu kiến thức nhanh, thuận lợi như vậy. Có không ít bạn, dù học đi học lại rất nhiều lần nhưng vẫn không nhớ nổi bài.
Nguyên nhân có thể do chưa hiểu bài hoặc do học thiếu bí quyết. Sau đây là những bí quyết giúp bạn học bài mau thuộc và nhớ lâu hơn:
Bí quyết nhớ lại
Nguyên tắc của bí quyết này là: nhớ trước xem sau. Khi học, yêu cầu các bạn xem bài qua một vài lần, rồi sau đó khép tập lại, cố nhớ những nội dung vừa xem.
Đối với những nội dung mình không thể nhớ lại được, thì mới mở vở ghi bài, sách giáo khoa ra xem lại. Bí quyết này phát huy hiệu quả cao đối với những bài học trong ngày.
Các bạn lưu ý, nếu sau khi đi học về, lập tức ôn tập theo kiểu nhớ lại ngay và kết hợp học bài bằng bí quyết nhớ lại thì kết quả đạt được sẽ rất tuyệt vời.
Bí quyết khắc sâu ấn tượng lần đầu
Nếu lần đầu tiên tiếp xúc với nội dung bài giảng, các bạn đã có ấn tượng sâu đậm thì không cần phải lặp đi lặp lại những nội dung ấy nữa, vẫn có thể nhớ rất rõ các tri thức và những hình ảnh liên quan về vài học đó.
Dựa theo quy luật này, khi học ở lớp, các bạn cố gắng tập trung chú ý, quan sát, theo dõi bài giảng của giáo viên: từ cử chỉ, ngôn ngữ, giọng điệu đến cách trình bày bảng… để có những ấn tượng lần đầu có lợi cho việc nắm bắt tri thức.
Thậm chí, khi ghi bài vào vở, các bạn cũng nên tự tạo ấn tượng riêng cho mình như: gạch chân, đóng khung, dùng bút dạ quang, hay bất cứ ký hiệu nào để đánh dấu những vị trí then chốt, nhằm khắc sâu ấn tượng bài học. Có làm như vậy, lúc học bài các bạn sẽ mau thuộc hơn.
Phương pháp là thầy của các thầy.” (Talleyrand)
Bí quyết học thầm (đọc bằng mắt)
Đặc điểm của bí quyết học thầm là sử dụng mắt như máy chụp ảnh - nhìn bằng mắt và nhẩm trong đầu các vấn đề cần nhớ. Bí quyết này giúp mắt có thể quan sát trên diện rộng, bao trùm từng cụm từ, mảng kiến thức, hình ảnh của bài học…
Do chỉ “đọc bằng mắt” nên người học bài không bị chi phối bởi “tạp âm” do mình phát ra, vì vậy rất dễ tập trung, mau nhớ bài. Cách học bài kiểu này còn giúp ta cùng lúc kết hợp giữa đọc với tưởng tượng, đọc với nghiền ngẫm.
Tưởng tượng và nghiền ngẫm là những phương thức tư duy rất quan trọng của hoạt động nhận thức. Nhờ tưởng tượng mà chúng ta có thể dễ dàng trừu tượng hóa những vấn đề phức tạp, khó hiểu; nhờ nghiền ngẫm mà chúng ta nắm bắt vấn đề chính xác, sâu sắc hơn.
Thậm chí Einstein còn đánh giá rất cao trí tưởng tượng, ông cho rằng: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức”.
Bí quyết học vượt thời gian
Dựa trên trên cơ sở khắc sâu thì nhớ lâu của não bộ, chúng ta sẽ học bài bằng cách sử dụng thêm thời gian cần thiết để nắm chắc một vấn đề nào đó. Ví dụ như: Chỉ cần mất 20 phút, các bạn đã nắm được vấn đề cần học. Nhưng để việc ghi nhớ được chắc chắn hơn, các bạn nên học thêm 10 phút nữa.
Đương nhiên 10 phút sau đó các bạn cũng phải tập trung cao độ như 20 phút đầu, nếu không việc kéo dài thời gian cũng chẳng có tác dụng gì. Bí quyết học vượt thời gian là biện pháp tốt nhất để phòng tránh hiện tượng nhớ bài lơ mơ, lẫn lộn giữa các vấn đề, dẫn đến hiện tượng “râu ông nọ cắm cằm bà kia!”.
“Thật vô cùng may mắn cho ai được học cách học.” (Ménandre)
 Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân
Những bí quyết giúp học bài mau thuộc và nhớ lâu (phần 2)
Đăng Bởi Một Thế Giới - 12:17 26-04-2014

Như đã giới thiệu trong phần một về những bí quyết giúp học bài mau thuộc như cách giúp bạn nhớ lại, cách khắc sâu ấn tượng lần đầu, hoặc cách học thầm, ... Trong bài này, thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục giới thiệu tới các bạn học sinh những bí quyết mới giúp chúng ta có thêm nhiều phương pháp bổ ích trong học tập.
Bí quyết ghi ra giấy
Bí quyết này phù hợp với việc học từ mới, ôn từ cũ của môn ngoại ngữ hoặc các môn có nhiều công thức, định lý như: Toán, Lý, Hóa. Cách thực hiện rất đơn giản, các bạn chỉ cần chuẩn bị cỡ giấy ½ - ¼ vở tập của các bạn hoặc giấy có bán sẵn, với nhiều kích cỡ khác nhau ở các văn phòng phẩm, nhà sách đều dùng được. 
Dùng bút nét to, đậm, viết nội dung cần ghi nhớ lên đó. Mỗi môn học nên dùng một màu mực khác nhau. Sau đó dán chúng lên ô cửa, tường nhà, bàn học, kệ sách… bất cứ nơi nào mà bạn thuận tiện quan sát nhất. 
Hàng ngày các bạn nên dành thời gian để xem chúng, càng nhiều càng tốt! Những nội dung nào đã thuộc thì lấy xuống, giữ lại, xếp theo chủ đề, và dán những vấn đề mới lên. Những mấu giấy nhỏ ấy sẽ là những tài liệu nhỏ giúp bạn sau này ôn tập nhanh chóng, rất thú vị và hiệu quả.
Bí quyết phân loại
Bí quyết phân loại sẽ giúp não bộ đỡ vất vã hơn khi ghi nhớ, đặc biệt là những vấn đề phức tạp, khó nhớ. Có thể sử dụng bí quyết này để học bất kỳ môn nào như: Văn, Toán, Ngoại ngữ...
Ví dụ như khi học môn tiếng Anh, trước mắt các bạn là hàng loạt các từ thuộc rất nhiều lĩnh lực khác nhau, nếu không dùng phương pháp phân loại thì khó mà học mau thuộc, nhớ lâu và vận dụng hiệu quả được. 
Tốt nhất, nên căn cứ vào đặc điểm cụ thể của từng bài học mà các bạn có thể phân loại chúng thành các nhóm từ như: nhóm chỉ thời gian, nhóm chỉ địa điểm, nhóm chỉ quan hệ giao tiếp, nhóm danh từ, nhóm động từ, nhóm tính từ… Có như vậy, việc học từ mới nói riêng và học môn ngoại ngữ nói chung sẽ đỡ vất vả hơn.
Bí quyết lập dàn bài
Lập dàn bài khi học sẽ giúp bạn mau nhớ và nắm chắc nội dung bài học hơn. Tùy vào từng vấn đề, nội dung cần ghi nhớ mà các bạn có thể lập dàn bài sơ lược hoặc chi tiết cho phù hợp, tiện lợi nhất. 
Dàn bài sơ lược thì chỉ cần ghi các ý chính dưới dạng gạch đầu dòng là được. Còn dàn bài chi tiết đòi hỏi công phu hơn một chút, trong mỗi ý chính cần có thêm những phụ ý nhỏ hơn. Khi giảng bài mới, giáo viên luôn hướng dẫn các bạn ghi theo một dàn bài cụ thể bằng cách đánh số thứ tự theo chữ số La Mã (I., II., II…), chữ số Ả rập (1., 2., 3…), hoặc chữ cái Latinh (A., B., C…) 
Do vậy, khi học bài bằng phương pháp lập dàn bài, tốt nhất các bạn nên căn cứ vào bố cục ghi bài mà tóm tắt các ý chính cần học. Làm như thế, các bạn vừa tiết kiệm thời gian vừa đảm bảo tính hệ thống, logic của các đơn vị kiến thức cần phải nhớ.
Bí quyết đơn giản hóa vấn đề
Bí quyết đơn giản hóa vấn đề giúp bạn biến một vấn đề dài dòng, khó nắm bắt thành một vấn đề ngắn gọn, dễ nhớ. Cách thực hiện: đọc toàn cảnh bài học hay vấn đề cần nhớ, gạch chân những chi tiết quan trọng, cốt lõi (cách làm này nhằm loại bỏ những chi tiết rườm rà, không cần thiết); chỉ cần nhớ những chi tiết quan trọng đó và xem nó như là những từ khóa để nắm chắc vấn đề là được. 
Có thể áp dụng bí quyết này cho nhiều môn học như: Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa…. Đối với các môn khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa…) phải ghi bài nhiều, thường rất dài, thì đây là phương pháp học bài lý tưởng nhất, vừa đem lại hiệu quả cao vừa tiết kiệm thời gian.
“Biết cách học là đủ chứng tỏ bạn thông thái” - Henry Brooks Adams.
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân
Những bí quyết giúp học bài mau thuộc và nhớ lâu (phần 3)
Đăng Bởi Một Thế Giới - 08:32 29-04-2014
Bản đồ tư duy được mệnh danh là công cụ vạn năng cho bộ não giúp mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng nhất là trong lĩnh vực giáo dục và kinh doanh
Lập bản đồ tư duy trong học tập và làm việc nhóm là những phương pháp học vô cùng hiệu quả được sinh viên quốc tế áp dụng nhiều. Tuy nhiên ở Việt Nam thì những năm gần đây mới được đưa vào ứng dụng với hiệu quả còn hạn chế. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục giới thiệu đến các bạn học sinh, sinh viên cách thực hiện hai phương pháp trên sao cho có hiệu quả nhất.
Bí quyết lập sơ đồ tư duy
Dựa trên quy luật hoạt động đặc thù của bán cầu não phải (nhạy cảm với thông tin về màu sắc, nhịp điệu, hình dạng, tưởng tưởng…), từ lâu người ta đã nghĩ ra cách lập sơ đồ tư duy để nâng cao hiệu suất làm việc của bộ não nói chung. Nhưng Tony Buzan, tác giả sách Sơ đồ tư duy, mới chính là người có công lớn hoàn thiện và phổ biến bí quyết tư duy theo bản đồ tư duy (mindmap). Trong học tập, đặc biệt là để học bài mau thuộc, chúng ta nên ứng dụng bí quyết thú vị này.
Các bạn chỉ cần chuẩn bị bút (nhiều màu mực càng tốt), giấy (bằng khổ vở tập học của các bạn, khổ A4… đều được). Kế tiếp, các bạn xem qua nội dung vấn đề cần học thuộc, xác định chủ đề chính, ghi nó ra trung tâm tờ giấy; những chủ đề phụ, ý phụ, dẫn chứng minh họa… sẽ kết nối với chủ đề trung tâm bằng những đường phân nhánh có dạng hình rễ cây. Nếu giữa các tiểu chủ đề có sự liên hệ với nhau thì các bạn vẽ thêm đường biểu diễn sự liên kết, tác động qua lại (đường gạch đứt quãng, mũi tên 2 chiều…). Làm như thế, các bạn sẽ rất dễ quan sát, nắm bắt toàn cảnh vấn đề. Chỉ cần làm đi làm lại vài lần là bạn không cần nhìn vào vở ghi bài nữa nhưng vẫn có thể thiết lập được các nội dung cần ghi nhớ dưới dạng sơ đồ, nghĩa là các bạn đã thuộc bài một cách mau chóng.
Tóm lại, bí quyết lập bản đồ tư duy sẽ giúp đường đi của ngôn ngữ - phương tiện của tư duy không bị tắc nghẽn, giúp não làm việc nhịp nhàng, đồng bộ, có hệ thống; đánh thức và kết hợp được ưu thế tư duy của bán cầu não phải và bán cầu não trái. Sơ đồ tư duy như là bộ khung, cái sườn thâu tóm một cách ngắn gọn mà đầy đủ nhất về vấn đề cần nắm bắt. Ghi nhớ bài bằng bí quyết lập sơ đồ tư duy vừa hiệu quả vừa tiết kiệm thời gian. Vì thế, trong quá trình học tập nói chung, và học bài nói riêng, các bạn nhớ đừng bỏ qua bí quyết rất khả dụng này nhé!
Bí quyết học nhóm
Học nhóm cũng là một trong những bí quyết rất thú vị giúp bạn mau nhớ bài, nắm chắc vấn đề hơn. Ngoài ra, cách học này còn giúp cho việc học tập của bạn thêm sôi nổi, hào hứng. Vì “học thầy không tày học bạn” mà! Có thể áp dụng hình thức học nhóm cho bất kỳ môn nào mà các bạn muốn. Các dịp ôn bài kiểm tra, ôn thi cuối kỳ, thi tốt nghiệp… là những lúc rất cần học nhóm, nhằm phát huy sức mạnh và sự hỗ trợ của tập thể.
Để việc học nhóm phát huy tác dụng tích cực, các bạn cần lên kế hoạch học tập cụ thể, các thành viên phải tích cực nghiên cứu nội dung bài học, tài liệu liên quan… Cố gắng chọn địa điểm học thuận lợi nhất để ai cũng dễ dàng có mặt như: ở nhà một người bạn, ở khuôn viên trường, thư viện… Quy mô nhóm từ 2 đến 3 người hoặc từ 3 đến 5 người là hợp lý. Không nên lập nhóm quá đông, trên 5 người, sẽ rất khó tập trung, việc học sẽ biến thành buổi họp mặt của bà con “xóm bà tám”, gặp nhau lo tán dóc, chỉ lãng phí thời gian. Tốt nhất là nhóm từ 2 đến 3 người, trong đó một người phải có năng lực học tập trội hơn, để dẫn dắt nhóm. Không nên lạm dụng việc học nhóm, môn nào, vấn đề gì cũng đem ra học nhóm. Nếu chưa thật cần thiết thì không nên tổ chức học nhóm.
Tóm lại, nếu biết khai thác tính tích cực của việc học nhóm, cùng giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ trong học tập thì việc học nhóm sẽ là một bí quyết học tập rất thú vị, hiệu quả. Thông qua học nhóm, các bạn có cơ hội rèn luyện các kỹ năng như: hợp tác, thuyết trình, tranh luận, phản biện, đàm phán… Những kỹ năng này, rất cần trong quá trình bạn học tập cũng như trong công việc sau này.
“Bạn thân thiết của tôi, hãy loại bỏ “không thể” ra khỏi đầu.” - Samuel Johnson
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân
Những bí quyết giúp học bài mau thuộc và nhớ lâu (phần 4)
Đăng Bởi Một Thế Giới - 08:25 02-05-2014

Người có học là người biết cách lấy được các kiến thức học khi cần thiết - Napoleon Hill.
Học không có phương pháp thì dẫu dùi mài hết năm, hết đời cũng chỉ mất công không – một câu nói nổi tiếng của học giả Bùi Kỷ về tầm quan trọng của phương pháp học.
Quả thật, nếu như chúng ta không có một kim chỉ nam về phương pháp học tập thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian vô ích nhưng lại không gặt hái được kết quả tốt. Một Thế Giới tiếp tục giới thiệu bạn đọc những phương pháp học hữu ích do Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân viết.
Bí quyết liên tưởng
Liên tưởng là phương thức tư duy từ một sự vật, hiện tượng này mà liên hệ đến một sự vật, hiện tượng khác có liên quan. Các sự vật, hiện tượng nằm trong trường liên tưởng có thể cũ hoặc mới, đã biết hoặc chưa biết. 
Khi vận dụng bí quyết liên tưởng vào thực tế học tập, các bạn cần nắm vững một số định luật đặc thù của nó như: Luật tương tự (liên tưởng hình thành do các sự vật có một hoặc nhiều mặt giống nhau); luật tương phản (liên tưởng hình thành do các sự vật, hiện tượng trái nhau); luật tương cận (liên tưởng hình thành do các sự vật, hiện tượng có mối liên hệ gần nhau); luật tương quan (liên tưởng hình thành do các sự vật, hiện tượng có quan hệ qua lại với nhau)...
Bí quyết liên tưởng với những ưu điểm đặc thù của nó đã giúp nhiều khoa học gia trên thế giới có được những phát minh vĩ đại. Newton tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn khi tình cờ thấy quả táo rơi. Còn Acximet khám phá ra lực đẩy của nước khi đang tắm trong bồn nước. Vì vậy, trong học tập các bạn nhớ áp dụng bí quyết này để học hầu hết các môn trong chương trình như: văn, toán, ngoại ngữ…
Bí quyết so sánh
So sánh là phương thức đặt cạnh nhau hai sự vật, hiện tượng để tìm những điểm giống và khác nhau giữa chúng. Điểm giống nhau cho ta thấy tính phổ quát giữa chúng; điểm khác nhau cho ta thấy được đặc trưng, loại hình giữa chúng.
Trọng học tập, các bạn có thể ứng dụng bí quyết so sánh để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập ở nhiều môn. Ví dụ như: khi học về tác giả Xuân Diệu, các bạn có thể so sánh với các cây bút cùng thời khác như: Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên… để tìm ra những nét tương đồng và dị biệt trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác cũng như những đặc sắc về phong cách nghệ thuật ở mỗi nhà thơ. Học như thế chúng ta không chỉ nắm rất chắc chắn vấn đề cần học mà đồng thời còn mở rộng phạm vi tìm hiểu. Đây cũng là cách để các bạn tích lũy và làm giàu kiến thức cho mình.
Tóm lại, so sánh là một trong những phương thức tư duy xuất hiện từ xa xưa và có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội con người. Nó là một công cụ đắc lực giúp chúng ta dễ dàng nắm bắt được bản chất của vấn đề, tức là hiểu một sự vật, hiện tượng này thông qua một sự vật, hiện tượng khác. Nhờ vậy, kết quả thu được sẽ chính xác, khách quan hơn. Trong học tập, các bạn nhớ đừng bỏ qua bí quyết rất thiết thực, hữu ích này nhé!

Bí quyết tự động viên tinh thần
Là cách thực tự mình tác động đến tinh thần của mình làm cho nó phấn chấn lên để làm tốt một việc nào đó. Trong học tập, đặc biệt là đối với những môn học khó “nuốt”, kết quả học tập còn chưa tốt, thì rất cần đến hiệu ứng tự động viên tinh thần để có được kết quả học tập khá hơn. Khi gặp những môn bạn không thích nhưng vẫn phải học nó, bạn thử làm theo những gợi ý sau đây:
- Yêu cầu của chương trình là phải học đều ở các môn, mình không thể bỏ bê môn này vì lý do không thích nó.
- Những tri thức của môn học này sẽ rất có ý nghĩa trong cuộc sống, công việc sau khi mình ra trường.
- Năng lực học tập các môn khác của mình rất khá, chẳng lẽ phải “bó tay.com” trước môn này sao!
- Mình sẽ lập một kế hoạch học tập cho riêng môn này và phải đạt được mục tiêu đề ra!
Tóm lại, tự động viên tinh thần của mình để nỗ lực học tập tốt hơn là một bí quyết đã có từ lâu đời nhưng cho đến nay vẫn còn rất hữu dụng. Các bạn hãy luôn biết tự động viên mình khi gặp một bài học khó nhớ hay một bài tập hóc búa, nan giải… Nếu thường xuyên bồi dưỡng cảm xúc, ý chí, tinh thần làm việc của mình bằng bí quyết tự động viên tinh thần thì có gặp khó khăn, chướng ngại đến cỡ nào, các bạn cũng sẽ dễ dàng vượt qua và đạt được kết quả tốt đẹp!
Bí quyết học thuộc lòng
Học thuộc lòng là một bí quyết ghi nhớ bài rất thông dụng của học sinh từ xưa tới nay. Nhiều môn học có thể ứng dụng bí quyết này như: văn, sử, địa… Thông thường, khi học thuộc lòng, các bạn chỉ cố gắng đọc đi đọc lại một vấn đề nào đó cho đến nhớ thì thôi. Học như thế là học vẹt, không nắm được được bản chất vấn đề, chỉ nhất thời nhớ mặt chữ nhưng rồi sẽ mau chóng quên, không hiệu quả. Bằng chứng là có nhiều bạn học bài bằng cách này, khi giáo viên gọi lên kiểm tra bài, đứng trước lớp, tâm lý căng thẳng, lập tức quên hết không còn nhớ nổi dù một chữ!
Ngày nay, yêu cầu chương trình học khá cao, có tính tích hợp vấn đề sâu, rộng. Nếu các bạn vẫn cứ học thuộc lòng để đối phó thì sẽ rất khó đạt kết quả tốt trong học tập. Do vậy, khi học bài bằng bí quyết học thuộc lòng, các bạn cần lưu ý:
- Cần nắm chắc cái sườn của bài học: tiêu đề, các đề mục, tiểu mục…
- Nắm chắc câu chủ đề trong mỗi đoạn.
- Nhớ từ ngữ, câu chuyển ý giữa các đoạn.
- Cố gắng tìm hiểu ý nghĩa, nội dung trong từng từ, ngữ, câu, mỗi đoạn, và quan hệ giữa các đoạn đó.
- Nắm được đề tài, chủ đề của bài học.
- Cuối cùng là thời gian nào lý tưởng nhất để học thuộc lòng? Đa số các bạn học sinh đều cho rằng: buổi tối nên đọc qua nội dụng bài học vài lần, nắm cơ bản vấn đề, khoảng 5 giờ (hoặc sớm hơn) sáng hôm sau, thức dậy học tiếp; lúc này sau một giấc ngủ dài, đầu óc tỉnh táo cộng với không khí buổi sáng trong lành, mát mẻ, việc nhớ bài sẽ thuận lợi hơn.
Tóm lại, học thuộc lòng là một bí quyết rất đơn giản để nhớ bài. Tuy nhiên, trong ưu thế cũng đồng thời bộc lộ hạn chế: mau thuộc nhưng cũng mau quên. Vì vậy, các bạn nên linh hoạt sáng tạo khi học thuộc lòng, nếu cần có thể kết hợp với các bí quyết khả dụng khác. Có như vậy, việc nhớ bài của bạn sẽ không còn là gánh nặng mỗi khi cắp sách đến trường nữa.

Phải, tất cả chúng ta đều tỏa sáng, như mặt trăng, như những vì sao, và như mặt trời - John Lennon.
Bí quyết ghi âm
Là bí quyết học bài bằng cách sử dụng các thiết bị điện tử có chức năng ghi âm như: máy ghi âm, điện thoại di động… để thu và phát lại nội dung vấn đề cần ghi nhớ. Cách thực hiện rất đơn giản: các bạn chỉ cần bật máy lên, ghi lại nội dung bài học, rồi mở nghe lại, nghe càng nhiều càng mau thuộc. Hoặc giả sau khi các bạn đã học thuộc bài, muốn tự kiểm tra khả năng nhớ bài, cũng có thể dùng máy ghi âm thu lời của mình, sau đó mở nghe lại, đồng thời đối chiếu với vở ghi bài để xem mình thật sự thuộc bài chưa. Để dễ dàng nắm bắt nội dung bài học, khi thu âm, giọng đọc của bạn phải rõ ràng, tốc độ đọc vừa phải, không quá nhanh không quá chậm. Hằng ngày, nhiệm vụ học tập của các bạn khá nặng nề, nếu môn nào cũng học bài bằng bí quyết ghi âm thì e rằng sẽ không đủ thời gian. Chỉ nên ứng dụng bí quyết này trong những trường hợp như: ôn bài kiểm tra, thi cuối kỳ, thi tốt nghiệp… Ngoài ra, trong lúc học ở lớp, các bạn cũng có thể ghi âm lại bài giảng của giáo viên, rồi dùng nó làm cơ sở đối chiếu với nội dung trong vở ghi bài của mình, để hiệu chỉnh những chỗ ghi thiếu chính xác do chưa hiểu bài, theo dõi bài giảng không kịp.
Bí quyết kết hợp đa bí quyết
Có nghĩa là chúng ta học bài bằng cách cùng lúc kết hợp nhiều bí quyết. Để việc kết hợp ấy phát huy tác dụng tối đa thì các bí quyết được chọn phải tương hỗ với nhau như: bí quyết học thầm sẽ hiệu quả hơn nếu kết hợp với bí quyết ghi chép; bí quyết nhớ lại nên kết hợp với bí quyết lập sơ đồ tư duy thì việc tiếp thu kiến thức sẽ chắc chắn và lâu quên hơn; bí quyết liên tưởng nên song hành với bí quyết khắc sâu ấn tượng lần đầu thì hiệu quả liên tưởng sẽ mạnh mẽ hơn gấp bội; khi học thuộc lòng hãy nhớ đến bí quyết lập dàn bài thì sẽ tránh được lối học vẹt thường thấy.
Tóm lại, có rất nhiều bí quyết để học bài, mỗi bí quyết sẽ có những ưu điểm, thế mạnh riêng. Các bạn nên dựa vào tình hình thực tế và bản chất của từng môn học mà chọn lựa hay kết hợp các bí quyết sao cho đạt hiệu quả học tập cao nhất. Làm được như vậy, các bạn sẽ thấy việc học bài, ôn tập không còn là một gánh nặng nhồi nhét tri thức vào đầu nữa, mà nó là một hoạt động chiếm lĩnh tri thức đầy hào hứng, bổ ích.

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân