I/ Đi tìm chân lý
“Điều quan trọng là người ta không ngừng
hỏi” - câu nói này của Albert Einstein được viết trên tấm thảm đỏ lớn tại
cửa đi vào phòng hội thảo tại Viện bảo tàng Lịch sử Đức ở Berlin trong năm
2005 - năm được chọn làm “Năm Einstein” và “Năm vật lý” của thế giới. Nó
thể hiện triết lý của Einstein đi tìm chân lý không mệt mỏi và cũng là kim
chỉ nam suốt đời ông.
Hơn 50 năm sau, thế giới vẫn muốn nghe lại tiếng nói thật nhất, can đảm
nhất của ông như một sự nhắc nhở cho nhân loại.
Người “mơ mộng”
TT - Albert Einstein sinh ngày 14-3-1879
tại thành phố Ulm thuộc bang Baden-Wurttemberg của Đức, và mất ngày
18-4-1955 tại Princeton, Mỹ. Ông là con trai đầu của một gia đình gốc Do
Thái đã định cư lâu đời ở vùng này. Gia đình Einstein không phải là ngoan
đạo, đã được “hội nhập”, không còn sống với đạo truyền thống Do Thái, có
tinh thần phóng khoáng.
Cậu bé chậm phát triển
Người ta kể cậu bé Einstein có một số đặc tính nổi bật không giống với các
cậu bé thường, không phải là biểu hiện thiên tài mà ngược lại! Cậu sinh ra
đã có cái đầu quá to khiến bố mẹ tưởng là quái thai, rồi lại “chậm phát
triển”. Ba tuổi mà chưa nói được, gây lo lắng khiến bố mẹ phải đi tìm bác
sĩ tư vấn. Chín tuổi cũng chưa nói năng thông thạo. Nhưng người ta đoán
rằng cậu bé Einstein đã suy nghĩ bằng hình ảnh nhiều hơn bằng chữ hay lời
nói. Những gì Einstein sau này viết ra đều chứa đầy hình ảnh, như những bức
tranh, từ khoa học đến văn phong. Cái đầu ông là một “xưởng vẽ” bằng ý
tưởng. Cậu nổi tiếng là người “mơ mộng” và không ai khám phá cậu có những
thiên phú gì. “Tôi là một học sinh không đặc biệt giỏi hay tồi. Điểm yếu
chính của tôi là tôi có một trí nhớ không tốt, đặc biệt cho chữ và văn
bản”, ông nhớ lại.
Tự học là chìa
khóa con đường khoa học của Einstein, xuất phát từ tinh thần độc lập của
ông. Einstein có một cá tính nổi bật là không thích mọi sự gò bó, ép buộc;
ông không thích kỷ luật nghiêm ngặt và cách học thuộc lòng trong nhà
trường. Phổ lại là một nước có truyền thống quân sự và kỷ luật chặt chẽ nổi
tiếng từ trường học đến đường phố. Ông cũng ý thức sớm sự vô nghĩa của
những gì người đời săn đuổi với sự tàn bạo. “Không có hoạt động nghiên cứu
cái khách quan, cái mãi mãi không bao giờ đạt tới trong lĩnh vực nghệ thuật
và nghiên cứu khoa học thì cuộc đời đối với tôi trống rỗng. Những mục đích tầm thường
của sự phấn đấu của con người như chạy theo vật chất, thành công bề ngoài
và sự xa xỉ đối với tôi từ những năm tuổi trẻ là đáng khinh” -
Einstein kể.
Hai sự kiện gây ấn tượng mạnh và có ảnh hưởng lâu dài đối với cậu bé
Einstein. Đó là năm cậu lên 4 hay 5 tuổi, khi được bố đưa cho một cái la
bàn với cây kim của nó vẫn không đổi hướng mặc cho vị trí la bàn thay đổi
thế nào. Einstein như chạm vào sự huyền bí của tạo hóa và có ấn tượng mãnh
liệt. Năm lên 12, thêm một sự kiện quan trọng nữa xảy ra. Đó là khi
Einstein nhận được quyển sách nhỏ về hình học Euclide từ Max Talmud. Cậu bé
lại bị ấn tượng rất mạnh về tính chính xác, mạch lạc và rõ ràng của những
định lý hình học được chứng minh theo cách suy diễn logic từ một ít tiền đề
và định nghĩa. Nó giống như một kim tự tháp với đầu trên là một ít tiên đề
(axiom) và phần còn lại là những hệ quả suy diễn từ chúng. Einstein nhìn nó
như một loại kỳ quan của trí tuệ con người.
Tìm con đường cho riêng mình
Einstein sinh ra trong thập kỷ sau sự thống nhất đế chế Đức (1871), quốc
gia trên đường trở thành cường quốc hàng đầu về công nghiệp ở châu Âu, và
ông mất đúng một thập kỷ sau khi đế chế này bị giải thể (1945). Nước Đức
cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 phát triển thành một người khổng lồ trong lòng
châu Âu. Từ 1820-1920 đã có 9.000 sinh viên Mỹ ghi danh học. Trong khi nước
Đức là một miền đất hứa thì Einstein lại bỏ nó ra đi lúc 15 tuổi và chỉ vài
năm sau ông xin bố mẹ cho ông ra khỏi quốc tịch Đức để trở thành công dân
Thụy Sĩ! Ông muốn chấm dứt quan hệ với nước Đức, không thích cách giáo dục
gia trưởng của các thầy giáo, và có lẽ quan trọng hơn, không muốn đi quân
dịch trong quân đội Phổ. Ông ra đi để tìm con đường cho riêng mình. Rồi năm
1914, chỉ vài tuần trước khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, ông trở lại nước
Đức trong sự vinh quang của tên tuổi khoa học, theo lời mời gọi của Viện
hàn lâm Phổ. Viện hàn lâm đã quyết tâm mời ông về ở tuổi 35, cho ông hưởng
sự ưu đãi cao nhất có thể có được của nhà nước Phổ.
Einstein bản tính là một người “nổi loạn”, không chịu khép mình vào những
trật tự cố định. Ông sinh
ra là để làm người tự do và chấp nhận mọi sự trả giá để được sống và tư duy
tự do. Einstein
không phải là sản phẩm của các lò đào tạo học trò xuất sắc, trường chuyên,
của chế độ đào tạo bằng nhồi nhét, hay của bộ máy hàn lâm kiêu hãnh, lại
càng không phải là thần đồng. Ông đứng ngoài tất cả những thứ đó, là sản
phẩm của tự học và óc tò mò vô hạn trước thiên nhiên. Ông đã để tư duy của
mình bay bổng với đôi cánh mộng tưởng trong bầu trời tự do vô hạn của tạo
hóa. Ông cho rằng không nên lấy hoạt động khoa học để làm phương
tiện kiếm sống, để giữ cho mình được tự do. Đó cũng chính là con đường ông
chọn sắp tới để bước vào đời.
Thăm thầy, nhưng thầy đã quên
Einstein có một người thầy khả kính ở Trường trung học Munich là tiến sĩ
Ferdinand Ruess. Nếu phải ở lại thêm một giờ để nghe tiếp thầy giảng thì
Einstein cũng vẫn hài lòng. Lúc Einstein làm giáo sư ở Zurich, một lần có
dịp trở lại Munich, nhớ thầy cũ đến thăm và nghĩ rằng chắc thầy sẽ mừng lắm
khi gặp lại trò, nhất là khi trò nay là giáo sư đại học. Nhưng thầy Ruess
hoàn toàn không còn nhớ Einstein. Có lẽ vì cậu bé Einstein khi xưa chẳng để
lại ấn tượng gì ở thầy. Hơn nữa, khi thấy Einstein ăn mặc lôi thôi, như thói quen của
Einstein, người thầy đâm ra nghi ngờ thanh niên kia giả vờ làm cựu học sinh
để mượn tiền. Einstein đành tiu nghỉu ra về.
Ở Đức cậu bị chê bai. Hiệu trưởng Trường trung học Gymnasium Luitpold
Munich một ngày nọ đã kêu cậu đến và nói: “Einstein, cậu sẽ chẳng làm nên
chuyện gì đâu” và bồi thêm để đuổi cậu khỏi trường: “Sự hiện diện của cậu
đã làm mất đi sự tôn kính trong lớp học”. Có lẽ do thái độ không ưa thích kỷ luật
của cậu. Einstein không phải học tồi như huyền thoại lưu truyền. Einstein
chấp nhận lời xua đuổi ấy, như chấp nhận sự thách thức của vua Phổ: “Ai
không vừa ý, kẻ đó nên rũ sạch đất Đức dưới chân mình và hãy ra đi”. Bỏ
trường ngang ở tuổi 15, một hành động táo bạo, như của một “kẻ bụi đời”,
mong để thoát khỏi không khí gia trưởng. Ông đi về Milan sống với gia đình
một thời gian rồi sau đó qua Thụy Sĩ. Đó là lần “di cư chính trị” đầu tiên
ra khỏi nước Đức.
Ông tận hưởng những ngày tự do và bắt đầu tự nghiên cứu khoa học ở Milan.
Ông rời trường học nhưng không rời khoa học. Mục tiêu của ông là vào học
Trường đại học kỹ thuật ETH Zurich. Trường này là trường ngoài nước Đức ra
tốt nhất ở châu Âu (và hiện nay vẫn là trường tên tuổi thế giới) và không
đòi hỏi bằng tú tài mà chỉ yêu cầu phải thi một kỳ khảo sát. Ông bắt đầu
một cuộc sống tự lập và tự hoạch định tương lai cho mình. Thi rớt vào ĐH
ETH Zurich, ông phải lui về Aarau, một thị trấn nhỏ gần Zurich, để học một
năm dự bị và sau đó ra trường Aarau với điểm thủ khoa.
Khi tốt nghiệp cử nhân năm 1900, Einstein rất kỳ vọng vào một chân giảng
nghiệm viên ở Đại học ETH Zurich để tiếp tục việc nghiên cứu khoa học.
Trong khi những sinh viên tốt nghiệp khác đều được bổ nhiệm việc làm trong
đại học, Einstein phải đi ra với “tay trắng” vì không giáo sư nào có thiện
cảm với con người “lười biếng” này để cho một chức giảng nghiệm viên cả.
Ông xin việc ở Đức và Hà Lan nhưng cũng không thành. Thất nghiệp, Einstein
phải đi kèm trẻ để sống qua ngày. Giữa năm 1901, một cái phao cứu hộ đã đến
với ông. Do sự giới thiệu của gia đình một người bạn thân, Einstein được
nhận vào làm “chuyên viên hạng ba” của Sở Bản quyền sáng chế liên bang Thụy
Sĩ. Ông chỉ được làm thử việc, kéo dài cho đến năm 1904 mới được làm chính
thức, và năm 1906 mới được lên hạng cấp hai. Einstein đã bị đẩy ra ngoài bộ
máy hàn lâm và đã có ý nghĩ bỏ giấc mơ hàn lâm đã ấp ủ của ông. Đó là hệ
quả và cái giá phải trả của tính độc lập của con đường ông đang đi. Ông
chẳng phải lười biếng như các thầy đã gán, mà chỉ làm một điều: theo đuổi
những ý tưởng độc lập của mình, ông chỉ đi vào đại học để nghe những gì ông thật sự thấy
bổ ích. Ông làm theo điều đã được đề cao như một trong những nguyên
tắc của nền đại học Đức trăm năm qua: tự do học.
Đó là thời kỳ mà con người đang đứng trước một thế giới mới chưa biết và
chưa hình dung được những chân trời mới của nó sẽ mở ra. Song chuyên viên
hạng ba Einstein đã đặt nền móng cho cả hai cuộc cách mạng: “Thuyết tương đối” và
“Thuyết lượng tử”.
II/ Lật đổ trật tự cũ
TT - Thời gian làm “chuyên viên hạng ba”
tại Sở Bản quyền sáng chế liên bang Thụy Sĩ ở Bern chính là thời gian
Albert Einstein ấp ủ trí tuệ để chinh phục đỉnh cao ngọn núi Olympe của trí
tuệ.
Ông nghiên cứu khoa học những lúc ngoài giờ, hoặc lén lút trong văn phòng,
khi thu xếp công việc của sở xong sớm ông mở bài ra làm, thấy ai đi tới thì
nhanh tay giấu bài vào hộc tủ. Ông tự nghiên cứu, tìm tòi, không ai hướng
dẫn ông ngoài óc tò mò. Ở nhà, ông một tay dỗ con ngủ, một tay làm toán.
Ông lập gia đình với Mileva năm 1903 và có con trai đầu Hans Albert năm
1904.
Hừng đông của một thời đại mới
Năm 1905 đến với Einstein, lúc đó 26 tuổi,
như “năm thần kỳ” trong lịch sử khoa học. Tạp chí Niên Giám Vật Lý nổi
tiếng của Đức năm đó nhận được năm bài báo của Einstein liên tiếp chỉ cách
nhau vài tháng. Một sự phát triển bùng nổ của sức sáng tạo ở Einstein sau
bốn năm “ẩn dật” tại sở sáng chế. Đó là năm bài báo được đánh giá có sức
mạnh thay đổi thế giới!
Chúng nhắm vào ba chủ đề:
1. Bản chất của chuyển động Brown trong chất lỏng, bằng cách sử dụng xác
suất như một phương pháp nghiên cứu mới trong vật lý, góp phần đặt cơ sở
cho ngành cơ học thống kê, và giải thích được sự hiện hữu của nguyên tử,
lúc bấy giờ vẫn còn bị nghi ngờ rộng rãi;
2. Giả thuyết “lượng tử ánh sáng”, rằng ánh sáng được cấu tạo bằng hạt được
gọi là photon với những “gói năng lượng lượng tử” rời rạc, chỉ được phát ra
hay hấp thu trọn gói; một trong những áp dụng của giả thuyết lượng tử ánh
sáng là giải thích được hiện tượng quang điện khó hiểu lúc bấy giờ (năm
1921 ông được giải Nobel về công trình này);
3. “Về điện động lực học các vật thể chuyển động”, tức thuyết tương đối hẹp
(special relativity theory).
Năm bài báo nhanh chóng trở thành động lực và nguồn cảm hứng cho giới khoa
học. Chúng gây ra hai cuộc cách mạng lớn của thế kỷ 20 về thế giới quan.
Cuộc cách mạng thứ nhất đã thay đổi hẳn quan niệm về thời gian và không
gian, đó là thuyết tương đối hẹp. Mười năm nữa, năm 1915, ông hoàn tất
thuyết tương đối rộng (general relativity), theo đó không gian và thời gian
sẽ kết hợp thành một không gian bốn chiều. Cuộc cách mạng thứ nhất được gọi
là “thuyết tương đối”, còn cuộc cách mạng thứ hai là “thuyết lượng tử”.
Với thuyết tương đối hẹp, Einstein đã thay đổi có tính chất lật đổ các khái
niệm về thời gian, không gian và năng lượng, tức là thay đổi cả “tòa nhà” cơ học cổ điển Newton,
vì mọi độ đo khác đều có thể qui về ba đại lượng này. Một vài tháng sau khi
bài báo thuyết tương đối được công bố, ông đi đến một khám phá mới đặc biệt
quan trọng: khối lượng và năng lượng chỉ là một.
Ông viết cho một người bạn cảm tưởng của mình sau khi đi đến kết luận mới
này: “Không biết Thượng đế có cười nhạo và đùa bỡn với tôi chăng, tôi không
thể biết”.
Thượng đế không đùa bỡn với Einstein. Ông đã nhìn thấy bí mật của Thượng
đế. Đó là công thức nổi tiếng E=mc2 (năng lượng bằng khối lượng nhân với
bình phương vận tốc ánh sáng). Với thuyết tương đối rộng, còn gọi là thuyết trường hấp
dẫn, Einstein cũng đã “cướp” luôn ảo vọng cuối cùng của con người:
không - thời gian chúng ta sống, diễn tả thế giới thực tại, không phải
Euclide mà là phi Euclide! Tổng số ba góc của một tam giác không còn là hai
góc vuông. Không gian
một lần nữa không tuyệt đối hay bất biến như Newton giả thuyết mà tùy thuộc
vào sự phân bổ vật chất trong đó.
Với thuyết tương đối, Einstein đã giải phóng con người ra khỏi sự huyền bí
và huyền thoại của không gian, thời gian, của hấp lực, và của quan hệ giữa
năng lượng và khối lượng. Từ mốc thời gian 1905, khoa học đang đứng trước
một bình minh mới rạng rỡ hơn bao giờ hết. Vật lý đang làm cuộc khai sáng
cho nhân loại. Galileo và Newton bây giờ đã có người nối nghiệp.
Trở thành con người của thế giới
Tháng 5-1909, khi Einstein nộp đơn xin thôi việc ở sở sáng chế và khi được
người ta hỏi tại sao ông lại muốn nghỉ việc trong khi ông được đánh giá cao
ở sở, ông trả lời là để nhậm chức giáo sư tại Đại học Zurich, thì liền bị
chế nhạo: “Làm sao có chuyện đó, ông Einstein, tôi không tin ông đâu. Đó
chỉ là chuyện tiếu lâm thôi!”. Thiên hạ quả “đùa dai” với chàng thanh niên
có đôi mắt xa xăm như những vì sao này, cho rằng anh ta sẽ không bao giờ
làm nên chuyện lớn. Người ta vẫn chưa biết rằng “con vịt xấu xí” của ngày
nào sắp sửa chuyển mình thành thiên nga bay khỏi cái nôi đã chật chội, chưa
ai xung quanh biết rằng ông từ chỗ vô danh sắp trở thành con người của thế
giới.
Trong khoảng thời gian 1909-1914, Einstein làm giáo sư tại Đại học Zurich,
một thời gian ngắn tại đại học Đức ở Prague, sau đó trở về Đại học ETH
Zurich, nơi trước đây ông thi rớt ở kỳ thi nhập học và sau đó lại thất bại
trong việc tìm một chân giảng nghiệm viên. Đầu năm 1914, ông chấp nhận lời
mời của Viện Hàn lâm Phổ để về Berlin. Năm đó ông mới 35 tuổi, thành viên
trẻ nhất của Viện Hàn lâm Phổ. Các ưu đãi ngoài sức tưởng tượng là những
chính sách đặc biệt ngoại hạng chỉ dành cho Einstein. Nhưng không phải chỉ
vì tài năng khoa học của Einstein. Phổ muốn rằng cả thế giới vật lý và khoa
học nhìn sự hiện diện của Einstein tại Berlin như một tín hiệu của sự ưu
việt Phổ trong khoa học.
Charlie Chaplin nói
với Einstein: “Dân chúng hoan hô tôi vì mọi người hiểu tôi, còn họ hoan hô
ông bởi vì không ai hiểu ông”.
Năm 1914, lúc ông vừa dọn về Berlin được vài tháng thì Chiến tranh thế giới
thứ nhất bùng nổ. Những gì ông đã ngờ về nước Đức lâu nay, lý do đã khiến
ông bỏ ra đi năm 15 tuổi, bây giờ biến thành sự thật khủng khiếp.
Chống lại cuộc chiến tranh của Phổ là một hành động quả cảm phi thường của
một nhà khoa học khi chính ông là người được Viện Hàn lâm Phổ hậu đãi hiếm
thấy trong lịch sử. Cuối năm 1914, ông gia nhập “Hội Tổ quốc mới” mà mục
tiêu là sự thành lập một “Hiệp chủng quốc châu Âu”.
Ông bị cuốn vào chính trị từ đó và phải chia quĩ thời gian của ông “giữa
phương trình và chính trị” như ông nói. Einstein là một trong rất ít nhà
khoa học dám lẻ loi đứng chống lại một trận cuồng phong của chiến tranh.
Ông liên kết với các nhân sĩ thời đó để chống lại chủ nghĩa quân sự, chủ
nghĩa quốc gia, đấu tranh cho hòa bình và dân chủ. Ông là con người khoa
học hiếm thấy có ý thức chính trị, và có những phán đoán chính trị sắc bén
và chính xác, có dũng cảm công dân, hoàn toàn không chạy theo đám đông. Sau
khi Hilter lên nắm quyền đầu năm 1933, ông là người công khai tố cáo chế độ
quốc xã từ nước ngoài.
Trong thời gian ở Berlin, ông tiếp tục nghiên cứu lý thuyết tương đối mở
rộng ứng dụng vào hấp lực của Newton. Năm 1915, ông hoàn thành công trình
đồ sộ này, năm 1916 được công bố trên tạp chí Niên Giám Vật Lý. Đó là công
trình vất vả nhất và sâu sắc nhất của Einstein, “một thành tựu lớn nhất của
tư duy con người về tự nhiên, sự kết hợp của chiều sâu triết học, trực giác
vật lý và nghệ thuật toán học một cách ngạc nhiên” như Max Born sau này
bình luận.
Tháng 8-1917, ông báo cáo trước Viện Hàn lâm Phổ công trình quan trọng tiếp
theo về vũ trụ học. Đó là công trình thế kỷ cho ngành thiên văn học hiện
đại, được xây dựng trên thuyết tương đối rộng. Các phương trình từ thuyết
tương đối rộng đã châm ngòi một giai đoạn phát triển vũ bão mới cho ngành
thiên văn và thay đổi hiểu biết con người về số phận của vũ trụ một cách
triệt để và thú vị nhất.
Đây mới chỉ là khúc dạo đầu của một giai đoạn phát triển bão táp của ngành
thiên văn theo thuyết tương đối trong những năm sáu mươi, sau khi thuyết
tương đối rộng như nàng tiên ngủ yên đi ba thập niên, vì kỹ thuật chưa có
điều kiện để kiểm chứng. Bốn ngày trước khi công bố bài nghiên cứu về vũ
trụ học, Einstein viết cho một người bạn: “Tôi cũng lại phạm tội về một cái
gì trong lý thuyết hấp lực với thuyết tương đối rộng, và có một ít nguy cơ
bị cho vào nhà thương điên”.
Einstein trả lời người bạn của gia đình khi ông này hỏi về sự thông minh:
“Tôi không thông minh hơn người thường nào. Tôi đơn giản chỉ tò mò hơn một
người trung bình, và tôi không bỏ cuộc trước một vấn đề cho đến khi tôi tìm
được giải đáp. Ông có
thể xem tôi là kiên nhẫn hơn những người trung bình trong việc theo đuổi
các bài toán. Không phải thông minh hơn là quan trọng mà là tò mò hơn và có
lẽ kiên nhẫn hơn trong vấn đề tìm giải đáp cho một bài toán. Tôi không có
một sức mạnh tư duy đặc biệt mạnh (“cơ bắp não”) nào, dù chỉ trong mức độ
khiêm tốn. Nhiều người có thứ đó nhiều hơn nhiều mà không mang lại một cái
gì đáng để ngạc nhiên”.
Einstein trở thành một vì sao mới, đoạt giải Nobel, đi diễn thuyết khắp nơi
với sứ mạng hòa bình. Nhưng một lần nữa, ông lại phải rời quê hương.
III/ Đi tìm chân lý
Giã từ nước Đức
TT - Những vinh quang thế giới đã dành cho Einstein sau sự xuất hiện của
thuyết tương đối. Einstein đi diễn thuyết khoa học khắp nơi, từ Áo, Mỹ,
Anh… sang Pháp, Nhật…
Người con trai thứ hai Eduard 9 tuổi của Einstein hỏi: “Tại sao bố lại nổi
tiếng như thế, thưa bố?”. Ông cười và trả lời: “Con xem, khi một con bọ bò dọc theo một cành
cây cong, nó không biết được rằng cành cây đó cong. Bố có cái may mắn thấy
được điều con bọ đã không thấy”.
Bầu trời hòa bình tối dần
Năm 1933, khi Einstein ghé thăm Anh, báo
chí Anh đã đón mừng con người có sức thu hút quần chúng này như một biểu
tượng. Trong khi năm 1633 tại lục địa, Galileo bị đưa ra trước tòa án dị
giáo của nhà thờ vì những kết quả nghiên cứu khoa học của ông không phù hợp
với lời dạy của nhà thờ, và đến cuối thế kỷ 17 ở châu Âu vẫn còn các phiên
toà xử “phù thủy”, thì nước Anh có được một không khí tự do phóng khoáng
cho những ý tưởng mới. Newton năm 1687 có thể phổ biến những khám phá của
mình trong tác phẩm Principia mà không phải lo lắng. Đúng 300 năm sau ngày
Galileo bị xử, nước Anh biểu lộ sự ngưỡng mộ cao độ cho một thiên tài thời
đại, họ biết vượt qua mọi biên giới của lịch sử, địa lý, của tình cảm thù
hằn dân tộc để xem thiên tài ấy như người con yêu quí của chính nước Anh
vậy.
Thế nhưng, sự nổi tiếng của Einstein và thuyết tương đối kéo theo một cái
bóng lớn đáng sợ của sự chống đối đủ mọi màu sắc. Các tiếng nói thù địch
chống ông bắt đầu cất lên. Người ta chống ông vì không hiểu thuyết tương
đối, vì vẫn còn bám vào các quan niệm khoa học cũ, vì ganh tị, tị hiềm, vì
ông là người gốc Do Thái, hoặc vì tính chất chính trị, ông là người theo
chủ nghĩa hòa bình. Giới cầm quyền Đức cho rằng những người theo chủ nghĩa
hòa bình chính là con dao đã đâm vào lưng nước Đức khiến Đức thua trận
trong Thế chiến thứ nhất.
Nhưng những sự chống báng nghiêm trọng nhất đến từ những ý đồ chính trị,
chủng tộc và ý thức hệ tại Đức. Những nhà khoa học đầu đàn đều biết rõ giá
trị của Einstein. Nhưng đối với không ít người, sự thành công của Einstein
là một thách đố, một cái gai trước mắt họ. Trong khi bầu trời khoa học của
nhân loại được khai sáng thì bầu trời hòa bình của nhân loại bị tối dần.
Đầu năm 1920, “mây mù” kéo lên thành phố Berlin và nước Đức. Lực lượng phát
xít bắt đầu bài xích công khai Einstein một cách có tổ chức. Ngày 24-6,
ngoại trưởng Đức Walther Rathenau, một người Đức gốc Do Thái và là bạn thân
của Einstein, bị lực lượng cực hữu ám sát, báo trước cho Einstein nguy cơ
có thể sắp đến với ông. Ông bỏ đi chu du thế giới một thời gian dài.
Einstein đã sớm được đề cử cho giải Nobel vật lý từ năm 1910, lúc ông 31
tuổi, chỉ năm năm sau “năm thần kỳ”. Thế nhưng mãi đến năm 1921, Ủy ban
Nobel mới tuyên bố công nhận giải Nobel cho Einstein. Trớ trêu thay, trước
áp lực của dư luận chống đối, Ủy ban giải Nobel ở Oslo chỉ dám phát giải
cho Einstein về công trình hiệu ứng quang điện chứ không phải về thuyết
tương đối. Giải Nobel cho Einstein làm dịu dư luận phần nào, vì cuối cùng
Einstein cũng được giải. Người ta kể rằng khi được hỏi, Einstein đã phát
biểu cảm tưởng của mình như sau: “Tôi rất vui mừng vì nhiều lý do, trong đó
có lý do vì người ta không còn đặt câu hỏi trách móc cho tôi nữa: Tại sao
ông không được giải Nobel?”.
Trước tình hình chủ nghĩa bài Do Thái ngày
càng dâng cao, mối nguy cơ của chủ nghĩa phát xít, của một cuộc chiến tranh
thế giới mới ngày càng lớn, ông tích cực đấu tranh cho hòa bình. Năm 1926,
ông cùng ký tên với Gandhi, Tagore, Barbusse và một số nhân sĩ khác vào một
tuyên ngôn chống chiến tranh. Những ngày còn lại của Einstein trên nước Đức
chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Chấm dứt “thời đại vàng son” của khoa học Đức
IV/ Einstein đọc bài diễn văn tại Anh
Ngày 30-1-1933, Hitler lên nắm quyền, xóa
bỏ mọi quyền tự do công dân. May mắn cho Einstein là lúc đó ông và vợ đang
còn ở Mỹ. Ngày 16-2, tòa nhà Quốc hội Đức bị cháy. Hitler lấy cớ liền ra
tay đàn áp các lực lượng cánh tả và trí thức.
Einstein cùng với một loạt nghệ sĩ và văn sĩ bị báo chí Đức quốc xã tấn
công dữ dội. Đầu tháng ba, trước khi xuống tàu từ Mỹ về châu Âu, ông công
bố quyết định không trở lại nước Đức nữa.
Ông kêu gọi thế giới văn minh hãy can thiệp bằng dư luận chống lại sự đàn
áp của Hitler. Ngày ông xuống tàu cũng là ngày báo chí đưa tin nhà nghỉ mát
của ông ở Caputh (Berlin) bị khám xét và tài sản bị tịch thu. Con đường
mang tên Einstein ở thành phố Ulm bị đổi tên thành đường Fichte, một nhà
triết học quốc gia chủ nghĩa của Đức.
Tháng mười, trong một cuộc phỏng vấn ông đã nói: “Tôi không thể hiểu được
sự thụ động mà cả thế giới văn minh phản ứng trước cái dã man hiện đại. Thế
giới không thấy Hitler đang nhắm đến chiến tranh hay sao?”.
Vừa đến Antwerpen, ông đã trả lại hộ chiếu và quốc tịch Đức cho cơ quan đại
diện Đức. Trước đó, ngày 28-3, ông đã gửi quyết định từ chức đến Viện Hàn
lâm Phổ. Đức quốc xã tức tối vì Einstein đã ra tay trước, họ đã âm mưu sẽ
loại Einstein ra khỏi viện hàn lâm chính thức.
Ngày 10-5-1933 tại Berlin, 20.000 quyển sách bị đốt, trong đó có sách của
Albert Einstein. Đốt sách diễn ra đồng loạt tại 16 đại học khác. Ông ở lại
Bỉ và Anh đến tháng mười, để sau đó cùng với vợ quay về Mỹ định cư tại
Princeton. Ông cảm thấy trước thảm họa của “đế chế thứ ba” của Đức quốc xã
và linh cảm: “Tôi chắc sẽ không bao giờ thấy lại đất nước sinh ra tôi nữa”.
Sự ra đi của Einstein đồng nghĩa với việc nền khoa học của Đức mất đi người
lãnh đạo tinh thần, lá cờ biểu tượng cho khoa học. Hơn 1.600 giáo sư và cán
bộ giảng dạy bị mất chức. Một cuộc di tản khổng lồ diễn ra, một cuộc chảy
máu chất xám khủng khiếp trong lịch sử khoa học Đức.
Hitler cho truy lùng lý lịch của tất cả các nhà khoa học xem có “thuần
chủng” hay không. “Thời đại vàng son” trong khoa học của Đức bị chấm dứt
một cách tàn bạo. Gưttingen là đại học hứng chịu những hậu quả nặng nề
nhất. Nhiều giáo sư hàng đầu phải ra đi. Không còn ai để giảng bài cho sinh
viên trong khoa toán nữa.
Trước khi rời châu Âu để về Mỹ, Einstein ghé lại thăm Anh bốn tuần. Đêm
3-10-1933, hơn một vạn người, trong đó có rất nhiều người tị nạn chính trị
từ Đức, đã chen nhau tại tòa nhà hình cung khổng lồ Royal Albert Hall cạnh
Hyde Park ở London để nghe Einstein nói chuyện.
Buổi nói chuyện nhằm mục đích lạc quyên cho những nhà khoa học tị nạn Đức
quốc xã. Một lực lượng cảnh sát đông bất thường được bố trí tại các con
đường dẫn vào địa điểm vì có tin sẽ có âm mưu sát hại Einstein.
Trong phòng lễ, thêm 1.000 sinh viên được bố trí để ngăn chặn ngay mọi sự
khiêu khích nếu có. Trên bàn chủ tọa có những người con nổi tiếng nhất của
nước Anh trong khoa học. Einstein phát biểu lần đầu tiên bằng tiếng Anh,
với giọng Đức của mình, nói một cách tha thiết và cảm động: “Chính trong
giai đoạn thiếu thốn kinh tế như chúng ta chứng kiến hiện nay khắp nơi,
người ta mới thấy rõ các sức sống của đạo đức - những cái sinh động trong
một dân tộc - mạnh mẽ và hiệu quả như thế nào”.
Bài diễn văn của Einstein tại Royal Albert Hall là bài phát biểu chia tay
với châu Âu. Ông, vợ Elsa, thư ký Helen Dukas và trợ lý Walther Mayer lên
tàu, rời bỏ lục địa châu Âu. Paul Langevin, người bạn thân của Einstein tại
Pháp, bình luận: “Giáo hoàng của vật lý” đã chuyển ghế của mình sang Tân
thế giới. Princeton là nơi dừng chân cuối cùng trong cuộc đời không tổ quốc
của ông. Einstein sống tất cả 19 năm tại Đức (kể từ thời gian về Berlin) và
22 năm còn lại tại Princeton.
Từ Princeton, Einstein tiếp tục với những phát minh chấn động. Einstein
cũng không ngừng dấn thân đấu tranh cho hòa bình thế giới. Oái oăm xảy ra
sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật. Một lần nữa, Einstein làm một cuộc
“di tản nội tâm” ngay trên nước Mỹ.
Giấc mơ “hòa bình vĩnh cửu”
TT - Đáng lẽ sau năm 1925, Einstein đã có thể đi “câu cá” mà không cần làm
gì nữa, hưởng nhàn sớm như Newton, như nhiều người nói, nhưng ông đã lao
vào một công cuộc kiếm tìm bản đồ cuối cùng của thiên nhiên vất vả nhất 30
năm mà không đạt kết quả như mong muốn. Cuộc đời ông là một bản giao hưởng
dang dở.
Tiếp tục đi tìm chân
lý
Giai đoạn 30 năm cuối cùng của Einstein ở
Princeton (Mỹ) là giai đoạn ông truy lùng thuyết trường thống nhất chung
cho hấp lực (thuyết tương đối rộng) và sóng điện từ kể từ lúc ông công bố
những kết quả đầu tiên về thuyết trường thống nhất năm 1925 cho hấp lực và
điện, nhưng chưa đạt ý định.
Ông hi vọng qua đó đem lại lời giải cuối cùng cho cơ học lượng tử (do những
nhà vật lý học trẻ như Bohr, Heisenberg, Born... phát triển những năm 1926
- 1927) mà ông xem là chưa hoàn chỉnh. Theo ông, “việc đi tìm chân lý vẫn
thú vị hơn là sở hữu chắc chắn về nó”.
Cả thế giới khoa học đổ xô về con tàu lượng tử đang chuyển bánh ngày càng
nhanh. Chỉ có Einstein là người đứng lại và không ngừng nêu lên tính không
hoàn thiện của cơ học lượng tử. Sau một phần tư thế kỷ, với những nỗ lực
phi thường, vượt qua bao rào cản của định kiến khoa học, với cơ học lượng
tử con người đặt chân đến vùng đất mới, bắt đầu hiểu được một loạt tính
chất của thế giới vi mô mà trước đây người ta không thể nào hiểu được với
cơ học cổ điển. Đó là cuộc cách mạng lượng tử thứ nhất.
Vài thập niên sau, cuộc cách mạng này gây ra cuộc cách mạng công nghiệp thứ
nhất, tác động sâu sắc đến bộ mặt xã hội, kinh tế thế giới. Transitor được
phát minh năm 1948, có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người và cho ra
đời kỷ nguyên thông tin. Phát minh quan trọng thứ hai là tia laser vào
những năm cuối của thập niên 1960.
Ứng dụng quan trọng nhất của laser có lẽ là trong ngành viễn thông. Nó đẩy
lưu lượng thông tin có thể chuyển tải được trong một sợi quang học duy nhất
lên đến terabit, nghĩa là hàng triệu của triệu bit thông tin đi xuyên qua
đại dương. Một ứng dụng khác là đồng hồ “nguyên tử lạnh” có thể nâng độ
chính xác lên một giây trong 30 triệu năm (đồng hồ casium có độ chính xác 1
giây trong 10 triệu năm)…
Năm 1935, sự phê phán cơ học lượng tử của Einstein đạt đến cao điểm được
thể hiện trong bài báo cùng với hai đồng nghiệp trẻ là Boris Podolsky và
Nathan Rosen, mang tên “Sự mô tả thực tế vật lý bằng cơ học lượng tử có thể
xem là đầy đủ?”. Công trình này, thường được gọi tắt là “Nghịch lý EPR”
(tên viết tắt của ba tác giả), nhằm chứng minh rằng sự mô tả vật lý bằng cơ
học lượng tử là không đầy đủ.
Nhưng rồi công trình EPR đã bị giới vật lý quên lãng, nó chỉ được xem như
một thí nghiệm ý tưởng nhân tạo của Einstein để phản biện cơ học lượng tử.
Vật lý lượng tử như chấm dứt một cách trọn vẹn ở đây. Ba mươi năm sau
(1964), tức chín năm sau khi Einstein mất, John Bell là người tiếp tục công
việc và buộc thiên nhiên phải “lè lưỡi” ra cho xem một phần bí mật tinh tế
của nó.
Từ nghịch lý, EPR đã trở thành hiệu ứng. Chính ở hiệu ứng này người ta mới
bắt đầu hiểu thuyết lượng tử ở chiều sâu của nó. Nó cho thấy cái thiên tính
nhạy bén của Einstein trong việc định dạng những vấn đề cơ bản. Hiệu ứng
EPR cùng với định lý Bell gây ra cuộc cách mạng thứ hai của cơ học lượng tử
trên thế giới. Cũng giống như cuộc cách mạng thứ nhất, nó đã và đang gây ra
một cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai cho thế kỷ 21.
Einstein đi xuống trong bộ đồ ngủ như thường lệ để ăn sáng, nhưng hầu như
không đụng đến cái gì cả. “Em yêu - ông nói - anh có một ý tưởng tuyệt
vời”. Sau khi uống cà phê, ông đi đến cây đàn piano và bắt đầu chơi. Thỉnh
thoảng ông lại ngừng và ghi chép, rồi lặp lại: “Anh có một ý tưởng tuyệt vời!”.
Tôi nói: “Vậy thì hãy kể cho em nghe đi, đừng để em sốt ruột”. Ông nói:
“Khó lắm, anh phải triển khai nó cái đã”.
Ông vẫn tiếp tục đánh piano và ghi chép khoảng nửa giờ, sau đó đi lên lầu
vào phòng làm việc, nói với tôi rằng ông không muốn bị quấy rầy và ở đó hai
tuần liền. Mỗi ngày tôi dọn thức ăn lên cho ông và buổi tối ông đi dạo để
tập thể dục, sau đó trở lên phòng làm việc tiếp. Sau cùng, ông ấy xuống
khỏi phòng làm việc, mặt rất tái. “Đây là kết quả”, ông ấy nói, mệt mỏi đặt
hai trang giấy trên bàn. Và đó là thuyết tương đối của ông.
Lời kể của Elsa Einstein (người vợ thứ hai của Einstein), được Charlie
Chaplin ghi lại trong nhật ký
Máy tính lượng tử của thế kỷ 21 sẽ xử lý thông tin nhanh chưa từng thấy.
Tính chất buộc chéo EPR sẽ có thể khởi động cùng một lúc hàng ngàn các phép
tính khác nhau. Nguyên tắc hoạt động của máy tính lượng tử trong tương lai
sẽ hoàn toàn khác. Cuộc chạy đua trong những lĩnh vực này đang diễn ra mạnh
mẽ trên toàn thế giới.
Einstein nói với thư ký Helen Dukas của mình rằng có lẽ 100 năm sau các nhà
vật lý mới hiểu những gì ông làm. Nhưng mới 50 năm sau, sự quan tâm về
trường thống nhất đã sống dậy mạnh mẽ.
“Di tản nội tâm”
Từ Princeton, Einstein cũng không ngừng
dấn thân đấu tranh cho hòa bình thế giới. Năm 1938, nhà vật lý học người
Đức Otto Hahn phát hiện các nguyên tử có thể bị tách ra thành những hạt
con, sự phân hạch đó có thể phát ra một năng lượng, sức mạnh khủng khiếp
của năng lượng có thể tính bằng công thức E=mc2. Tin này lọt qua
Mỹ, những nhà khoa học Mỹ quan ngại Đức có thể chế tạo bom nguyên tử trước.
Ngày 2-8-1939, Einstein gửi một lá thư đến Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt
khuyến cáo trước nguy cơ Đức có thể có một chương trình sản xuất bom nguyên
tử và đề nghị chính quyền Mỹ nên xem xét một kế hoạch nghiên cứu như thế.
Đề án Manhattan hình thành với kinh phí 2 tỉ USD và 130.000 người tham gia.
Ông nói: “Tôi ý thức nguy cơ khủng khiếp cho nhân loại về sự thành công của
công việc này (nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử). Nhưng khả năng người Đức
cũng cùng làm việc này với triển vọng thành công đã buộc tôi đi đến việc
làm này. Giết chóc trong chiến tranh theo quan điểm của tôi không khác gì
giết chóc bình thường”. Sau khi Mỹ ném hai trái bom nguyên tử xuống Nhật
tháng 8-1945, Einstein rất hối hận nói: “Nếu tôi biết được rằng người Đức
không sản xuất được bom nguyên tử thì tôi đã không động đến một ngón tay”.
Einstein chống lại chủ nghĩa McCarthy trong những năm 1950, kêu gọi giới
trí thức bất phục tùng lệnh triệu tập thẩm vấn của Ủy ban Hạ viện về những hoạt
động bị cho là chống Mỹ, một loại tòa án La Mã mới, kể cả nếu phải bị đi tù
bằng cách dựa vào quyền tự do ngôn luận bất khả xâm phạm của con người được
bảo vệ trong hiến pháp.
Bức thư kêu gọi bất phục tùng được đăng tải trên New York Times ngày 12-6-1953
và gây ra phản ứng bùng nổ trong dư luận. Tất cả những tờ báo lớn trong các
lời bình luận của họ đều “từ chối một cách lịch sự” lời kêu gọi của ông.
Einstein bị gán cho danh hiệu “gián điệp cộng sản” trong một hồ sơ mật dài
1.427 trang về ông của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và “đáng lẽ phải bị
trục xuất khỏi nước Mỹ từ lâu”.
Ngày 26-8-1949, Liên Xô thử bom nguyên tử đầu tiên. Cuộc chạy đua vũ trang
hạt nhân qui mô bắt đầu. Nhân loại đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh
khốc liệt hơn tất cả những cuộc chiến tranh trong quá khứ. Einstein tiếp
tục cuộc chiến đấu mới chống lại sự vũ trang hạt nhân cho sự sống còn của
nhân loại. Ông đề nghị thành lập một chính phủ thế giới: hoặc một chính phủ
thế giới, hoặc sẽ không còn thế giới nữa. Ý tưởng của ông nối tiếp ý tưởng
về một cộng đồng thế giới của các dân tộc có chủ quyền, sống hòa bình, độc
lập và tự do trong một thể chế liên bang trong giấc mơ “hòa bình vĩnh cửu”
của Immanuel Kant.
Einstein ngày càng cô đơn trong giới khoa học. Năm 1949, ông viết cho người
bạn Maurice Solovine của Viện hàn lâm Olympia: “Bạn nghĩ rằng chắc tôi nhìn
lại một sự nghiệp cuộc đời với sự thỏa mãn âm thầm. Nhưng thực tế khác hẳn
nếu nhìn gần. Tôi vẫn tiếp tục làm khoa học không mệt mỏi, nhưng đã trở
thành một người tà giáo khó chịu trong mắt nhiều người. Đó là vì thời trang
và tính cận thị. Cái quí nhất còn lại là một vài người bạn hiền, kiên định
và hiểu được nhau”.
Những năm cuối đời ở Princeton, Einstein chứng kiến thêm một lần nữa, lần
này trên nước Mỹ, những cảnh tượng trước đây đã khiến ông rời bỏ nước Đức
ra đi: chủ nghĩa quân sự, cơn sốt vũ trang, chủ nghĩa McCarthy theo dõi và
truy bức những người tiến bộ, giới hạn quyền tự do con người. “Tôi đã ngồi
17 năm ở Mỹ mà không tiếp thu được điều gì từ nếp nghĩ của đất nước này và
cần giữ mình cho khỏi hời hợt trong tư duy và cảm xúc”. Một lần nữa, ông
làm một cuộc “di tản nội tâm” ngay trên nước Mỹ.
_______________________
“Tôi đã làm xong việc của tôi trên quả đất”. Bí mật cuối cùng Einstein mang
theo là những tiếng thều thào bằng tiếng Đức trước lúc lâm chung, cô y tá
trực lại không hiểu tiếng Đức. Nhưng không cần 100 năm sau, thế giới đã
hiểu Einstein…
Nhà giáo dục nhân bản
Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn Einstein là
“Nhân vật của thế kỷ 20”
TT - Einstein mất ngày 18-4-1955 tại Princeton, Mỹ, hưởng thọ 76 tuổi. Lễ
truy điệu được tổ chức đơn giản trong vòng bạn bè thân thiết nhất.
Theo di chúc của ông, không có điếu văn, nghi lễ, không hoa, không nhạc,
không bia mộ. Otto Nathan, người thực hiện di chúc của ông, bước tới quan
tài để đọc mấy dòng thơ của Goethe có hai câu kết: “Ông tỏa sáng trước
chúng ta, như một sao chổi rồi vụt biến. Ánh sáng vô tận - quyện với ánh
sáng của ông”.
Vài giờ trước khi mất, Einstein lặp lại với Margot, con gái của ông: “Tôi
đã làm xong việc của tôi trên quả đất”. Bí mật cuối cùng ông mang theo là
những tiếng thều thào bằng tiếng Đức trước lúc ông chấm dứt cuộc hành trình
để vĩnh viễn trở về với cát bụi. Cô y tá trực không biết một chữ Đức nào.
“Những lời nói sau cùng của con người khổng lồ trí thức đã bị mất đi vào
thế giới”, đó là hàng chữ to trên tờ New York Times ngày hôm sau. Khi mất,
Einstein để lại di chúc yêu cầu đem tro của mình rải vào không gian ở nơi
không ai biết.
“Cơn ác mộng” thi cử
Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của mình, Einstein xác định yếu tố giáo dục
và suy nghĩ độc lập quyết định con đường đi của mình. Ông nhớ lại: “Khi dọn
về Aarau ở Thụy Sĩ năm 1896 và vào trường đại học bách khoa kỹ thuật, lần
đầu tiên tôi mới ý thức rằng tôi không thích như thế nào cách nhồi nhét và
học thuộc lòng, cách dạy của môn toán. Tôi tin rằng sở thích vật lý của tôi
hình thành vào thời điểm này”. Ông nói mục đích của nhà trường là “phải để
con người trẻ phát triển trong một tinh thần mà những nguyên tắc này (sự
phát triển tự do và tự chịu trách nhiệm của cá nhân) trở thành tự nhiên như
không khí người đó thở. Chỉ có dạy thôi thì không đạt được gì cả”.
Về việc học nhồi nhét, Einstein nói: “Tôi nghĩ người ta có thể làm mất đi
tính háu ăn của một con thú ăn thịt sống nếu cứ bắt nó phải ăn dưới roi
vọt, ngay cả khi nó không đói, đặc biệt khi người ta tự chọn cho nó những
thức ăn dưới áp lực đó”.
Chính trong thời gian tại sở sáng chế ở Bern, không bị áp lực và sự lôi
cuốn của bộ máy hàn lâm, Einstein mới có đủ sự yên tĩnh và bình tĩnh để phát
triển, kiến tạo những ý tưởng mới của ông. Ông kể: “Bởi vì nghề nghiệp hàn
lâm đặt một người nghiên cứu trẻ vào một loại tình huống bắt buộc là phải
sản xuất các bài nghiên cứu khoa học với số lượng gây ấn tượng - một sự cám
dỗ dẫn đến sự hời hợt mà chỉ có những cá tính mạnh mới có khả năng cưỡng
lại được”.
Einstein rất ghét việc chạy theo thi cử và thành tích: “Thời còn đi học của
tôi, ngay khi ngày thi được công bố, tôi bị dồn vào một áp lực đến nỗi tôi
có cảm giác mình không phải bước vào một kỳ thi mà bước lên một đoạn đầu
đài. Trí óc của tôi sau những kỳ thi (cử nhân) hoàn toàn bị tắc nghẽn một
thời gian cho hoạt động nghiên cứu và phân tích khoa học. Khả năng trí óc
của tôi hoàn toàn bị cạn kiệt bởi phải học thuộc lòng những thông tin vô
bổ”.
Sau một năm ông mới bắt đầu lại công việc khoa học. Giáng sinh năm 1917, tờ
Berliner Tageblatt đăng một bài báo của Einstein, tựa đề “Cơn ác mộng”. Thi
cử đối với ông là ác mộng. Ông đã đề nghị xóa bỏ các kỳ thi tú tài, vì nó
vô ích và có hại, vì khi thầy cô đã biết rõ học lực của một học sinh trong
nhiều năm liền thì không cần thiết phải thi nữa.
Ông cũng không xây dựng một trường phái nào, không muốn áp đặt tư duy cho
ai. Ông nói với tư cách là người thầy với trái tim rộng mở: “Tôi không bao
giờ dạy học sinh, tôi chỉ cố gắng tạo ra những điều kiện để chúng có thể
học”.
Người “lữ hành cô đơn”
Giá trị lớn của cuốn sách Einstein (Nguyễn
Xuân Xanh, NXB Tổng Hợp TP.HCM xuất bản tháng 2-2007) là trình bày sinh
động quá trình tư duy, phương pháp luận, tố chất của con người Einstein để
dẫn đến những phát minh đó.
Bạn đọc không nhất thiết phải am hiểu về vật lý lý thuyết hoặc thuyết tương
đối để đọc cuốn sách này. Bạn đọc trẻ có thể học được từ cuốn sách những
đức tính quí báu cho cuộc đời mình, đó là sự lao động trung thực, đức tính
hoài nghi những chân lý được coi là vĩnh hằng, sự yêu tự do tư tưởng, sự
đấu tranh không khoan nhượng trước những giáo điều không hề được thực tế
chứng minh, sự dấn thân vì chân lý, vì hòa bình, vì tương lai của nhân
loại.
Những đức tính như óc tò mò, trí tưởng tượng, sự kiên trì, tinh thần không
chịu khuất phục trước bất kỳ quyền lực áp đặt nào, đó là những bài học sinh
động mà bạn đọc có thể tìm thấy qua những phát biểu, những ví dụ sinh động
trong cuộc đời của Einstein.
Cuốn sách ra mắt bạn đọc đúng lúc khi đất nước ta đang rất cần trí tuệ, sự
sáng tạo, khả năng suy nghĩ và hành động tìm tòi cái mới, đột phá để vươn
lên trong cạnh tranh toàn cầu. Vì vậy, nó là một đóng góp rất có ích cho
công cuộc cải cách kinh tế, đổi mới giáo dục hiện nay.
TS Lê Đăng Doanh
Trong chuyến đi Mỹ năm 1921, tại Boston, Einstein được đưa cho bảng câu hỏi
Edison để trả lời, người ta muốn xem ông trả lời đúng đến đâu như một trắc
nghiệm thông minh. Đến câu hỏi về vận tốc âm thanh, ông trả lời: “Điều đó
tôi không biết. Tôi không muốn làm nặng nề trí nhớ của tôi với những sự
kiện như thế, những thứ mà tôi có thể tìm thấy dễ dàng trong bất cứ từ điển
bách khoa nào”.
Ông cũng không đồng ý với quan điểm của Edison cho rằng kiến thức quan
trọng hơn giáo dục đại học. Ông trả lời: “Đối với con người, kiến thức
không quan trọng lắm. Để có kiến thức con người không cần đến đại học.
Cái đó người ta có thể học từ sách. Giá trị của giáo dục đại học không nằm
ở chỗ học thuộc lòng thật nhiều kiến thức mà ở chỗ tập luyện tư duy, cái mà
người ta không bao giờ học được từ sách giáo khoa”.
Einstein cho rằng tệ nạn xấu nhất của chủ nghĩa tư bản là “làm què quặt cá
nhân”. “Cả hệ thống giáo dục chúng ta đau khổ vì tệ nạn này. Một thái độ
cạnh tranh quá đáng được khắc sâu vào sinh viên, anh ta được huấn luyện để
tôn thờ sự thành công hám lợi như một sự chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai”,
Einstein nói. Đạo đức đối với ông là tiêu chuẩn hàng đầu: “Một tính cách
tốt và vững vàng có giá trị hơn khả năng hiểu biết và sự uyên bác”. Nền
tảng của tất cả mọi giá trị của con người là đạo đức.
Einstein cho rằng mục tiêu (của nhà trường) phải là sự đào tạo nên những cá
nhân tự hành động và tư duy nhưng biết nhìn thấy trong việc phục vụ xã hội
nhiệm vụ cao cả nhất của cuộc đời. Einstein từng phát biểu: “Tôi tin rằng
sự sa sút khủng khiếp trong tư cách đạo đức của con người trước nhất có
liên quan đến sự máy móc hóa và sự làm mất đi tính chất cá nhân trong cuộc
sống của chúng ta - một sản phẩm phụ bất hạnh của sự phát triển tinh thần
khoa học - kỹ thuật. Lỗi của chúng ta”.
Trong quan hệ giữa cộng đồng và cá nhân, Einstein đặt nặng vai trò của cá
nhân: “Bởi vì tất cả những gì vĩ đại và cao cả đều được tạo ra bởi cá nhân
trong sự phấn đấu tự do”. Chính cá nhân tạo ra tài sản văn hóa cho nhân loại.
Ông nói: “Có thể dễ dàng nhận thấy rằng tất cả những tài sản vật chất, tinh
thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ xã hội xuất phát từ những nhân
cách đơn lẻ qua vô số thế hệ. Chỉ cá nhân đơn lẻ mới tư duy và qua đó mới
tạo ra những giá trị mới cho xã hội”. Einstein chứng kiến trong thế kỷ 20
vô số cá nhân phải chịu số phận nghiệt ngã trước sự khước từ của xã hội,
của số đông, của chính quyền đại diện họ.
Chính số đông đã để mình chịu khuất phục dễ dàng trước các quyền lực chính
trị, để đẩy nhau vào nỗi bất hạnh, trong khi “một số ít người không tham
gia vào cách suy nghĩ thô bạo của số đông, vẫn sống theo lý tưởng tình yêu
con người, không bị ảnh hưởng bởi những đam mê của họ thì phải chịu một số
phận bi thảm hơn nhiều: họ bị ném ra khỏi xã hội và bị đối xử như những kẻ
bị hủi nếu họ không chịu làm những hành động mà lương tâm họ chống lại, và
im lặng hèn nhát về những gì họ thấy và cảm nhận”.
Einstein vốn sống cô đơn. Bất cứ ở nơi nào, Thụy Sĩ, Prague, Berlin hay
Princeton, ông đều có cảm giác là người xa lạ và ngoài cuộc. Ngoài cái cô
đơn do khoa học, Einstein còn nỗi cô đơn riêng của một người không lúc nào
thuộc hẳn vào thế giới này. Ông vẫn là người “lữ hành cô đơn” không bến đỗ
trên đường đi tìm chân lý của mình, con đường ông đi sẽ đưa ông về một chân
trời vô định và chỉ còn một mình ông trên đó.
Tuổi Trẻ online
|