2016-08-21

Tuyệt chiêu nắm bắt tâm lý

Phần 1:

1/ Làm ra vẻ thoải mái trong mọi tình huống

Thông thường, chúng ta thường khó cảm thấy thoải mái khi ở giữa những người lạ bởi lẽ não của chúng ta có cơ chế bảo vệ mình khỏi sự tiếp xúc xa lạ. Cơ chế này gây cản trở cho chúng ta trong việc kết bạn và làm quen với những người chưa quen biết. Nhưng bạn có thể tự đánh lừa bộ não của mình rằng bạn biết những người này và việc tiếp xúc với họ là hoàn toàn an toàn và thoải mái. Khi chính bạn tin rằng việc tiếp xúc với người mới không có gì là đáng sợ, bạn sẽ tỏ ra tự tin hơn trong giao tiếp và người ta cũng sẽ dễ có hứng thú với bạn hơn.

2/ Chú ý bàn chân của mọi người khi bắt chuyện

Cắt ngang cuộc trò chuyện quan trọng đang diễn ra của người khác là việc làm rất bất lịch sự. Để tránh làm phiền người khác và biến mình thành kẻ phá đám, khi bạn muốn chen vào câu chuyện của một nhóm người, hãy chú ý đến cơ thể của họ. Nếu họ chỉ xoay người về phía bạn nhưng bàn chân giữ nguyên, họ đang có cuộc nói chuyện quan trọng và không muốn bạn cắt ngang. Nếu họ xoay cả người và bàn chân, điều đó có nghĩa là bạn có thể chen vào cuộc nói chuyện này

Bạn cũng hãy chú ý đến điều này khi đang nói chuyện với người khác, vì đó là biểu hiện cho thấy cuộc trò chuyện của bạn có thể không hấp dẫn đối phương như bạn nghĩ.

3/ Khi tranh cãi với ai đó, hãy đứng cạnh thay vì đối diện với họ

Hẳn bạn đã từng trải qua những cuộc nói chuyện bình thường bỗng chốc leo thang thành cãi vã. Trừ khi bạn thích kịch tính vậy chứ ai cũng muốn tránh cãi vã không cần thiết. Thường thì mọi người cảm thấy bị kích thích và dễ nổi giận hơn khi họ thấy họ sai và bị đe doạ, nên khi bạn thấy cuộc nói chuyện có vẻ đang nóng dần lên thì hãy chuyển sang đứng hoặc ngồi bên cạnh thay vì đối mặt với người kia để họ ít cảm thấy bị đe doạ và dễ bình tĩnh hơn.

4/ Nếu cần nhờ vả, hãy bắt đầu bằng “Tôi cần bạn giúp.”

Bạn có thể muốn nhờ vả người khác vì bạn lười hoặc bạn thực sự cần giúp đỡ để làm xong việc. Áp lực xã giao khiến mọi người đều không muốn bị xem lại kẻ xấu tính không biết giúp đỡ người khác, nên thường thì bạn sẽ được giúp thôi nếu mở lời một cách đàng hoàng tử tế bằng câu nói: “Tôi cần bạn giúp.”

5/ Nếu bạn muốn người khác hài lòng, hãy lặp lại những gì họ nói với bạn

Chúng ta đều thích được công nhận những điều mình nói. Đây chính là chìa khoá để bạn gây thiện cảm cho người khác một cách hiệu quả nhất, đơn giản là cho họ thứ họ cần và họ thích. Khi bạn nói chuyện với ai đó và người đó nói với bạn về một chuyện quan trọng của họ, bạn chỉ cần lập lại những gì họ nói (tất nhiên không phải lập lại nguyên văn) theo cách của bạn. Việc này khiến người đó nghĩ rằng bạn rất lắng nghe và thực sự quan tâm đến những gì họ nói. Đó chính là sự công nhận mà bạn dành cho họ.

6/ Nếu bạn muốn nhận được phản hồi tích cực từ ai đó, hãy gật đầu khi nói chuyện

Hãy gật nhẹ đầu khi bạn muốn truyền đi một thông điệp quan trọng và muốn người khác đồng ý với mình, vì mọi người vô thức thích sao chép lại cử chỉ của người khác nên họ cũng sẽ có xu hướng muốn gật đầu đồng tình với bạn. Và mẹo này quyền năng tới mức mà hành vi gật đầu có thể phần nào tác động đến suy nghĩ và khiến họ thực sự đồng ý với ý kiến của bạn.

7/ Nếu bạn muốn biết ai đó chú ý tới những gì bạn nói, hãy khoanh tay lại!

Thường trong những cuộc nói chuyện quan trọng kéo dài và căng thẳng, chúng ta lại thường rất dễ mất tập trung và không quan tâm đến việc người khác có nghe mình nói hay không. Kết quả là cuộc nói chuyện sẽ kéo dài hơn cần thiết (bạn chắc đã từng tham gia những cuộc họp như vậy rồi?) mà không có hiệu quả. Thay vì mất thời gian để nói cho những người không hề lắng nghe bạn, hãy làm thế này: khoanh tay trước ngực hoặc để trên bàn và quan sát mọi người theo dõi hành động của bạn, nếu mọi người có chú ý đến những gì bạn đang nói, họ thường sẽ bắt chước theo hành động đó của bạn.

8/ Bạn khó nhớ tên người? Hãy lập lại tên người khác trong suốt cuộc nói chuyện!

Nhớ tên người thực sự là một kỹ năng rất đáng giá trong giao tiếp, giúp bạn dễ chiếm được thiện cảm và xây dựng mối quan hệ tốt hơn (dù có thể bạn chẳng nhớ gì khác ngoài cái tên). Nhưng không phải ai cũng giỏi nhớ tên, và mẹo để bạn học thuộc tên người là hãy lập lại tên họ trong suốt cuộc nói chuyện mà bạn được giới thiệu tên.

9/ Nếu bạn chỉ nhận được một phần câu trả lời bạn muốn, cứ đợi đi, họ sẽ nói tiếp đấy.

Tình huống này rất phổ biến, khi bạn hỏi ai đó điều gì và thấy việc trả lời của họ khá lan man, chỉ cung cấp được một phần thông tin bạn muốn biết và bạn tự hỏi liệu câu hỏi bạn đặt có đủ rõ ràng hay không. Nếu họ trả lời xong mà bạn vẫn thấy chưa đủ, hãy tỏ ý chờ đợi, giữ im lặng và nhìn vào mắt họ. Nếu hành động này không đem lại kết quả, hãy nhướn mày lên. Điều này gây ra một chút áp lực với người kia để tiếp tục cung cấp thêm thông tin cho bạn.

10/ Người ta thường tập trung vào cảm xúc hơn là nội dung câu chuyện

Điều này rất hữu ích không chỉ trong giao tiếp bên ngoài mà còn giúp củng cố quan hệ với người quen. Sẽ có những lúc chúng ta phải mở đầu hoặc tham gia vào những cuộc trò chuyện “chán chết” với nội dung chẳng có gì mới cả, trong trường hợp đó, quan trọng nhất là phải tạo được cảm xúc cho câu chuyện. Có 3 loại cảm xúc mà bạn nên khơi dậy trong các cuộc nói chuyện là: hứng thú, hài hước gây cười và có tình tiết hấp dẫn. Đừng nói bóng gió nhiều, nhưng cũng đừng thô thiển huỵch toẹt quá.

Có nhiều kỹ thuật để bạn biết một cuộc nói chuyện chán ngắt thành ra thú vị và hấp dẫn, chẳng hạn như:

- Ngưng nghỉ đúng chỗ: Thường mọi người nghĩ rằng để giữ sự chú ý của ai đó thì phải cố gắng nói thật nhanh và liên tục, nhưng điều đó không đúng, những quãng ngắt nghỉ đúng chỗ sẽ khiến câu chuyện được chú tâm hơn.

- Dùng giọng điệu: Không cần phải lên bổng xuống trầm như ngâm thơ nhưng câu chuyện được kể với giọng điệu cao thấp khác nhau rõ ràng là hay hơn so với đều đều.

- Gợi hình ảnh và âm thanh: Trong câu chuyện của bạn, hãy cố gắng đưa các chi tiết miêu tả màu sắc, hình dáng và âm thanh để khiến người nghe tưởng tượng về nó cùng với những gì bạn đang kể.

- Nếu bạn muốn câu chuyện đáng nhớ hơn, hãy tập trung diễn tả cảm xúc trong lúc kể. Mọi người có thể quên những gì bạn nói nhưng họ sẽ không quên những gì bạn làm họ cảm thấy.

Phần 2:

1/ Tự tin còn quan trọng hơn kiến thức

luôn giữ tư thế thẳng người, nhìn thẳng vào người phỏng vấn và thể hiện sự hứng thú cao với vị trí ứng tuyển qua cách trả lời phỏng vấn tự tin và tràn đầy năng lượng.

2/ Cứ giả vờ đến khi làm/có được (fake it till you make it)

Chẳng ai giỏi ngay chỉ sau một đêm, nhưng quá trình học tập và rèn luyện một kỹ năng nào đó sẽ được thúc đẩy đáng kể nếu bạn điều khiển bộ não tin rằng bạn đang có được kỹ năng đó. Đơn giản thế này, bạn là người đúng như bạn nghĩ, bạn tự tin nếu bạn tin rằng mình tự tin, bạn hấp dẫn nếu bạn tin rằng mình hấp dẫn, bạn hướng ngoại cởi mở nếu bạn tin rằng mình như thế. Vậy đó, quan trọng là bạn muốn tin rằng mình là người ra sao?

3/ Tạo dáng “sang chảnh”

Cũng tương tự như trên, nhưng được thể hiện ra bằng diện mạo. Hãy tập đi đứng trước gương, lưng thẳng vai mở rộng, tay chống lên hông và hơi đẩy hông ra trước, ngẩng cao đầu và nở nụ cười. Mới đầu bạn sẽ thấy hơi gượng gạo, nhưng hãy cứ tập đi, hãy vờ như mình là người rất đẹp, rất thành công, rất sang trọng và tự tin, não bạn sẽ dần dà tin vào điều đó và tự điều chỉnh để hợp với cái dáng vẻ bạn tự tạo cho mình.

4/ Nếu muốn thuyết phục người khác, hãy bớt nói “tôi cho là…” và “tôi tin là…”

Bạn có thể cho rằng mệnh đề đó nghe lịch sự và tôn trọng người khác, nhưng nó làm giảm độ tin cậy của lời nói. Thay vì vậy, hãy dùng mệnh đề “tôi biết…” và “tôi sẽ…”.

5/ Không gian ngăn nắp sạch sẽ giúp tâm trạng tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn và người khác đánh giá bạn tốt hơn.

Nếu quanh bạn là một đống bừa bộn ngổn ngang thì hãy dọn nó đi nhé, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và đầu óc cũng thông tuệ hơn, chưa kể người khác cũng thấy nể nang bạn hơn.

6/ Cách nhận biết những người thân nhau hơn trong một nhóm người

Hãy chú ý mọi người nhìn ai khi tất cả mọi người cùng cười đùa. Người ta có bản năng vô thức nhìn và tỏ ra đồng tình với người mà họ cảm thấy gần gũi nhất trong nhóm.

7/ Khi gọi ai đó mà bạn muốn gặp, hãy thể hiện sự phấn khích!

Hãy nhớ điều này, sự phấn khích có tính lây lan và mọi người đều thích nó vì nó giúp họ tạm thoát khỏi cuộc sống nhàm chán. Họ sẽ muốn gặp bạn nếu bạn truyền được sự phấn khích của bạn cho họ.

8/ Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể nếu muốn xây dựng quan hệ và tăng sự tôn trọng

Trong tình huống có một người có địa vị cao hơn những người còn lại và được cả đám đông chú ý, nếu bạn muốn được mọi người xem trọng như với người đó, đừng ngại tiến lại bắt chuyện với người đó.

Nếu bạn muốn người này tôn trọng và chú ý đến bạn, hãy cố gắng sao chép ngôn ngữ cơ thể và cách nói chuyện của người này. Nếu người này tỏ vẻ thoải mái và sẵn sàng tiếp chuyện bạn thì đừng tỏ ra phòng thủ, bắt chéo tay và tỏ thái độ bất đồng với họ.

Hãy luôn nhớ tiếp cận người khác với thái độ cởi mở, đầy hứng thú và thể hiện sự phấn khởi tương đương dù họ có thể có địa vị cao hơn bạn.

9/ Khi ai đó xúc phạm bạn, hoặc là lờ đi hoặc là giễu lại họ, tuyệt đối không mất bình tĩnh. Hãy luôn giữ hình tượng của mình.

Tiểu nhân ở khắp nơi, bạn càng ra mặt ghét họ thì họ càng được nước làm tới. Đừng có mất bình tĩnh và nổi khùng với loại người này làm gì.

10/ Đứng thẳng người, giữ bàn tay ấm và luôn giữ tiếp xúc mắt

Giữ thẳng người và bước đi như thể bạn là một nhà lãnh đạo bẩm sinh. Phong thái đó khiến bạn nhận được sự tôn trọng tự nhiên của mọi người.

Hãy luôn giữ lòng bàn tay ấm áp để nếu có phải bắt tay ai đó thì bạn cũng ngay tức thì khiến họ cảm thấy dễ chịu, tin tưởng và phấn chấn.

Đừng bao giờ quên giữ ánh mắt tiếp xúc với người đang nói chuyện với bạn. Khi bạn không nhìn vào mắt người đối diện, điều đó có nghĩa bạn mất đi sự tự tin. Khi bạn mới gặp ai đó, hãy nhìn vào mắt và đồng thời mỉm cười. Nhưng tất nhiên thỉnh thoảng hãy rời mắt nếu không muốn doạ cho đối phương sợ hãi với ánh mắt chằm chằm cả buổi nhé!

11/ Đừng ngại chạm vào người khác

Chạm vào vai hay đầu gối ai đó giúp tạo sự liên kết về thể chất và cảm xúc với họ rất tốt. Những đụng chạm này sẽ tự nhiên hơn nếu bạn thực hiện trong tình huống vui vẻ và đặc biệt là đang cười đùa. Nếu bạn vẫn không thấy thoải mái để chạm vào người khác, hãy nhớ giả vờ tới khi thành thật.

12/ Luôn đưa ra yêu cầu như một sự lựa chọn

Không ai muốn bị ép làm một việc mà họ không muốn làm cả, vì vậy, thay vì thẳng thừng yêu cầu người khác làm việc gì cho bạn, hãy đặt vấn đề như thể bạn cho họ một lựa chọn. Bạn có lẽ sợ rằng người ta sẽ lựa chọn phương án không giúp bạn, nhưng dù sao như thế cũng đỡ “đau” hơn khi yêu cầu bị từ chối thẳng thừng.

Phần 3:

1: Lời khuyên của bố

Khi bạn đưa ra một lời khuyên hay một bài học nào đó cho bạn bè mình, nếu bạn muốn họ thật sự hiểu bạn và cho đó là một buổi nói chuyện có ích, hãy nói với họ rằng "Bố mình đã dạy cho mình điều đó!"

Vì con người thường có xu hướng tin tưởng vào những lời dạy bảo từ bậc sinh thành. 

2: Tạo sự thích thú trong cuộc trò chuyện

Để cuộc trò chuyện không bị nhàm chán, bạn hãy chọn một từ ngữ ngẫu nhiên trong câu nói của người đối diện, và mỗi khi họ nhắc đến từ ngữ đó hay từ ngữ liên quan tới nó, bạn có thể gật đầu, mỉm cười hoặc nói điều gì đó để thể hiện sự đồng ý. 

3: Nhà vô địch "Búa - kéo - bao"

Làm thế nào để luôn luôn thắng trong trò chơi oẳn tù tì? Trước khi chơi bạn hãy hỏi đối thủ một câu hỏi bất kì. Không cần đợi họ trả lời, bạn hãy đọc to "Búa - kéo - bao" 3 lần, đối thủ của bạn chắc chắn sẽ bị bối rối và ra "bao" ngay.

4: Nhờ người cầm hộ túi xách

Trước khi đưa đồ, hãy trò chuyện với họ một cách tự nhiên, hãy dẫn dắt họ vào một cuộc nói chuyện thú vị vui vẻ. Sau đó bạn chỉ cần đưa đồ cho họ, họ sẽ không nghĩ gì mà xách nó một cách vô thức.

5: Làm sao để con bạn chịu ăn rau quả?

Trước bữa ăn, thay vì hỏi con có muốn ăn rau hay không, hãy hỏi xem con muốn ăn 2 bông cải hay 5 bông cải, chắc chắn con bạn sẽ chọn phần ít hơn - nghĩa là chúng đã chịu ăn rồi. Con bạn sẽ nghĩ chúng chỉ được chọn 2 hoặc 5, và chọn 2 là một lựa chọn thông minh, thậm chí "lời" cho chúng; vì vậy con bạn sẽ thoải mái ăn rau mà không lè nhè hay khó chịu.

6: Bán đấu giá có lời

Bạn muốn đấu giá có lời chỉ với tờ 1000đ không?

Trong cuộc gặp gỡ với bạn bè, rủ họ chơi 1 trò chơi, hãy đem 1000đ ra bán đấu giá, ai đấu giá cao nhất sẽ nhận được tờ 1000đ, nhưng người đấu giá cao thứ 2 hoặc thứ 3 phải làm hành động tôn vinh người cao nhất. Tâm lí họ không muốn thua nên sẽ trả giá cao và dần dần quên mất họ đang đấu giá cái gì. Nhưng giá cáo nhất chắc cũng chỉ 4-5000đ thôi nhé, không hơn đâu.

7: Người mở đường

Bạn có muốn làm một người mở đường "hoành tráng" giữa đám đông như trong phim không? Đơn giản lắm, cứ hướng mắt về phía trước và đi thẳng tới nơi mà bạn muốn tới, đám đông sẽ tự khắc mở đường cho bạn đi.

Trên đường hoặc chỗ đông người, người đi tới thường sẽ tránh người đi ngược hướng với mình, hoặc họ sẽ nhìn vào mắt người đối diện xem họ định tới đâu, và tránh sang một bên.

8: Ai đang theo dõi bạn?

Khi ngồi trong lớp, trong phòng họp, trong chỗ đông người, bạn luôn có cảm giác có người theo dõi mình nhưng không biết là ai? Hãy ngáp một phát thật "đã" và liếc nhìn xung quanh mình thử xem. Nếu có người cũng tự nhiên ngáp thì đó chính là người đang ngồi ngắm bạn nãy giờ đấy. Ngáp có tính "lây" mà!

9: Làm sao để ngừng ngân nga một bài hát trong đầu?

Bạn nghe một bài hát, bạn rất thích, và lúc nào bạn cũng ngân nga câu hát đó trong đầu? Bạn nghe một bài hát, bạn rất ghét, và lúc nào bạn cũng ngân nga câu hát đó trong đầu?

Vậy thì đến lúc bạn sắp bắt đầu ngân nga, hãy thử nghĩ tới đoạn kết thúc của bài hát đó, bạn sẽ quên được thôi. Vì theo hiệu ứng Zeigarnik, não của chúng ta luôn nghĩ đến những việc dở dang, chưa hoàn thành. Khi bạn bắt đầu nghĩ rằng việc đó đã kết thúc, não sẽ ngừng không nhắc bạn nữa.

10: Tạo ấn tượng ngay lần gặp đầu tiên

Khi bước vào một buổi tiệc và bạn hầu như không quen biết ai hết, hãy thử đến bắt tay và làm quen một số người mới. Nhưng hãy nhớ, bàn tay bạn phải ấm áp vừa phải. Đừng để bàn tay lạnh ngắt khi bắt tay với người lạ, vì điều đó tạo ấn tượng ban đầu không tốt. Còn nữa, khi trò chuyện với người đó, bạn hãy bắt chước những cử chỉ của họ thật tinh tế, nhớ nhé, phải thật tinh tế, điều đó làm họ nghĩ bạn có duyên và giống với họ, tạo được sự thoải mái hơn. 

11: "Đối" mặt

Sếp sắp mở một cuộc họp và có người muốn góp ý một điều không tốt về bạn trong cuộc họp. Để giảm nhẹ việc "góp ý" này, bạn hãy chọn chỗ ngồi kế bên họ. Con người chúng ta thường có xu hướng ngại nói những điều tệ về người khác khi có mặt người đó, nhất là càng ngại khi ngồi bên cạnh người đó; nên vì thế họ sẽ "nhẹ nhàng" với bạn hơn.

12: Cách hiệu quả nhất để "nhiều chuyện"

Bạn muốn tìm hiểu một thông tin từ bạn mình nhưng khi hỏi, người bạn đó chỉ trả lời một phần nhỏ thông tin mà bạn cần biết? Được rồi, nếu vậy bạn hãy nhìn vào mắt người bạn đó thật lâu, và nhớ là đừng nói gì cả. Sau một hồi chắc chắn anh ấy/ cô ấy sẽ bắt đầu nói nhiều hơn, có thể không phải hoàn toàn điều bạn muốn biết, nhưng chắn chắn sẽ nhiều hơn ban đầu.

Phần 4:

1. Sử dụng “mồi nhử” để ai đó mua sản phẩm của bạn

Dan Ariely – một nhà kinh tế học hành vi đã sử dụng một mẫu quảng cáo cũ của hãng Economist để làm ví dụ giải thích cho “hiệu ứng mồi nhử” mà ông đã nghiên cứu.


Khi bạn gặp khó khăn trong việc bán 2 sản phẩm với giá thành đắt, hãy tạo thêm một “lựa chọn thứ 3” sao cho các lựa chọn ban đầu trở nên “bớt đắt” và vì vậy hấp dẫn hơn đối với khách hàng.

2. Thay đổi môi trường khiến đối phương giảm bớt tính hiếu chiến

“Săn mồi” là một hiện tượng tâm lý vô cùng mạnh mẽ qua đó sẽ tạo ra một phản ứng kích thích một cách vô thức. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi một người ngồi trong một căn phòng kín với một chiếc cặp da, túi kẹp hồ sơ và một cây bút máy, họ sẽ có xu hướng trở nên ích kỉ hơn và muốn giành mọi thứ về phía mình. Trong khi đó nếu ở trong 1 căn phòng với không gian thoáng mát và có những đồ vật trung tính hơn, một cách vô thức, tính hiếu chiến trong họ sẽ giảm đi đáng kể.

Bạn có thể sử dụng thủ thuật này khi muốn mặc cả với một ai đó – thay bằng gặp gỡ trong phòng họp nghiêm túc như mọi lần, hãy mời đối tác của bạn đến một không gian mới chẳng hạn một quán café hay một nơi nào đó thoải mái mà họ yêu thích, bạn sẽ có thể nhận thấy sự khác biệt ngay tức thì.

3. Giúp đỡ ai đó đạt được mục tiêu của họ để đổi lấy những gì bạn muốn

Nhà tâm lý học Robert Cialdini nói rằng một cách để tác động tới người khác là gợi nhắc về chuẩn mực “có đi có lại”. Một cách đơn giản, bạn giúp ai đó một việc mà người đó cần, đổi lại họ sẽ cảm thấy bị ràng buộc và phải làm gì đó để “trả ơn” bạn.

Đặc biệt, khi bạn nhận được lời cảm ơn cho những giúp đỡ của mình, thay bằng việc nói “Không có gì cả”, thì bạn nên nói “Tất nhiên, đó là điều những đối tác làm cho nhau.” Do đó, họ sẽ có cảm giác là cần làm một thứ gì đó tương tự cho bạn.

4. Bắt chước ngôn ngữ cơ thể của đối phương để khiến họ có cảm tình với bạn

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng con người chúng ta thường có cảm tình với người đối thoại hơn khi họ có tư thế, kiểu cách và nét mặt giống mình. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng tắc kè hoa”  (chameleon effect).

5. Tăng tốc độ nói trong các cuộc tranh luận để giành được sự đồng tình

Cách bạn truyền đạt ý tưởng của mình cũng quan trọng không kém gì bản thân ý tưởng đó.

Nghiên cứu được thực hiện bởi trường Đại học Georgia đã tiết lộ, khi một người bất đồng ý kiến của bạn, việc đưa ra các luận điểm phản biện với tốc độ nhanh có thể khiến đối phương "gật đầu trong vô thức". Cách này giúp rút ngắn thời gian xử lý thông tin của người đối diện, làm họ dễ “chiều” theo ý của bạn hơn.

Ngược lại, khi đối phương đã đồng tình với ý kiến của bạn thì hãy nói chậm hơn. Điều này sẽ tạo hiệu quả, giúp người nghe hiểu rõ và ngấm lâu hơn.

6. Gây nhầm lẫn để đạt được điều mong muốn

Một nghiên cứu đăng trên tờ báo “Tính cách và tâm lý xã hội” số 76 năm 1999 đã đưa ra thực nghiệm về kĩ năng DTR (disrupt-then-reframe – tạm dịch: phá vỡ rồi định nghĩa lại).

Trong thí nghiệm, những nhà nghiên cứu đã đi đến từng nhà để bán các thẻ ghi chú với mục đích từ thiện. Đầu tiên, họ bán thẻ với giá 3USD/8 thẻ (khoảng 66.000 VND) và chỉ có 40% hộ gia đình đồng ý mua.

Nhưng khi họ thay đổi cách nói là “300 cent 8 thẻ”, họ đã kiếm được gấp đôi. Dù 300 cent cũng tương đương với 3 USD nhưng bằng cách sử dụng DTR, những người bán hàng đã “bẻ gãy” suy nghĩ thông thường của người mua, khiến họ không thể suy xét một cách lý trí và qua đó chi phối được quyết định chi tiêu của họ.

7. Đưa ra lời mời cộng tác khi đối phương đang mệt mỏi

Hiệu ứng cảnh báo luôn đưa ra những nghi ngờ khi tiếp cận với một lời đề nghi. Tuy nhiên, khi một ai đó mệt mỏi hay mất tập trung, cơ chế này sẽ hoạt động thiếu hiệu quả và do đó, họ sẽ dễ dàng tin tưởng rằng những điều bạn nói là chính xác.

Bởi vậy, nếu bạn đang có ý định đề nghị đồng nghiệp của mình giúp đỡ một số công việc và điều này sẽ chỉ kéo dài một giờ (bạn nói như vậy), thời điểm tốt nhất cho bạn để “ngỏ ý” là vào cuối của ngày làm việc. Khi đó, họ sẽ không còn đủ năng lượng để nhận ra rằng điều bạn nói là sẽ có thể hoàn thành trong một giờ là không chính xác.

8. Sử dụng hình ảnh con mắt để khiến mọi người hành xử có ý thức hơn

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Newcastle chỉ ra rằng, chúng ta cư xử có văn hóa hơn khi nhìn thấy hình ảnh… đôi mắt.

Trong thí nghiệm, các nhà khoa học đã đặt tấm hình những đôi mắt trong một căng tin công cộng thay vì hình những bông hoa và theo dõi phản ứng của khách hàng. Kết quả là số lượng người dọn dẹp sạch sẽ góc của mình sau khi ăn nhiều hơn hẳn.

Tác giả của nghiên cứu cho rằng, hình ảnh đôi mắt đã khiến con người ta cảm thấy như có ai đang "nhìn chằm chằm", từ đó họ hành động có ý thức trách nhiệm cao hơn.

Vì vậy khi muốn đảm bảo mọi người hành động có văn hóa và trách nhiệm, hãy khiến họ cảm thấy rằng “mình đang bị theo dõi”.

9. Sử dụng danh từ thay vì động từ để khiến mọi người thay đổi hành vi của họ

Trong một nghiên cứu được đưa ra, các tình nguyện viên được hỏi hai mẫu câu khác nhau mặc dù nội dung không hề thay đổi: “Mức độ quan trọng đối với bạn để đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày mai?” và “Mức độ quan trọng đối với bạn để trở thành một cử tri trong cuộc bầu cử ngày mai?”. Những kết quả đã chỉ ra rằng vào ngày hôm sau các “cử tri” đi bỏ phiếu nhiều hơn đáng kể so với những người “đi bỏ phiếu”.

Đó là bởi vì mọi người bị thúc đẩy bởi nhu cầu “thuộc về”, và việc sử dụng một danh từ khiến họ cảm thấy mình có chung bản sắc và là một thành viên của một nhóm cụ thể.

10. Đem đến nỗi sợ hãi để đạt được những điều mà bạn muốn

Một nghiên cứu trên Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm Xã hội đã kết luận, con người ta khi bình tâm sau một giai đoạn lo âu sợ hãi, sẽ có phản ứng tích cực hơn với các yêu cầu được giúp đỡ.

Một ví dụ được đưa ra như sau, các nhà khoa học làm giả tiếng còi báo động cảnh sát đúng lúc một người đang đi qua đường.

Họ nhận ra là những người này có xu hướng dễ chấp nhận trả lời những câu hỏi phỏng vấn sau đó hơn là người không nghe thấy còi báo động.

Các khoa học gia giải thích rằng đây có thể là do năng lực nhận thức của những người này vẫn đang bị rối loạn vì nỗi sợ hãi họ vừa gặp phải. Chính vì vậy mà họ thường không xem xét kỹ về yêu cầu được đặt ra ngay tiếp sau đó.

11. Tập trung vào điều mà đối tác của bạn sẽ nhận được trong khi thực hiện cuộc thương lượng

Trong khi đàm phán và thương lượng, bạn nên nhấn mạnh với đối tác của mình về những thứ họ sẽ đạt được thay vì những thứ họ sẽ mất đi. Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng bán một chiếc ô tô, bạn hãy nói “Tôi sẽ đưa cho bạn chiếc xe của tôi với mức giá 1000$”, thay vì nói “Tôi muốn 1000$ cho chiếc xe này”.

Theo cách đó, bạn sẽ thuyết phục đối tác của mình nhìn nhận sự việc theo một khía cạnh khác mà họ dễ dàng chấp nhận hơn.