Các câu nói hay trong phim “Dragon Zakura”
“… Xã hội chúng ta có luật. Mọi người đều phải tuân theo luật.
Và những luật đó do những người thông minh viết ra. Điều đó có nghĩa là gì? Tất
cả những luật đó được viết ra để phục vụ lợi ích của những người thông minh.
Ngược lại, những điểm bất lợi thì được giấu nhẹm đi, không ai hay biết. Và
trong việc tuân thủ pháp luật, người
thông minh lại là những người áp dụng luật giỏi nhất. Ví dụ như thuế má,
lương hưu, bảo hiểm, khám chữa bệnh, trợ cấp,…, chúng được những người thông
minh cố tình viết cho thật khó hiểu. Chúng được vận hành để lấy tiền từ lũ ngu
dốt không chịu tìm hiểu tử tế, tức là những kẻ thấy phiền mà không chịu suy nghĩ như các trò. Cho nên cả đời các
trò sẽ bị lừa dối và phải trả giá đắt. Người thông minh biết lợi dụng tình thế.
Kẻ khờ dại bị lừa và bị thua. Đó là cách xã hội chúng ta vận hành. Nếu
không muốn bị lừa, nếu không muốn thua cuộc, cố mà học!” (Sakuragi Kenji –
Ep 1)
“Bây giờ các em vẫn chưa hiểu được đâu. Đứa con nít như em
thì chưa biết xã hội thế nào đâu. Và em không biết cũng là vì cha mẹ giấu giếm
những chuyện đó với em, thay vào đó lại chất vào đầu các em ý nghĩ mình có khả năng tiềm ẩn vô tận cùng với ảo tưởng thiếu
trách nhiệm và vô căn cứ. Bị làm u mê bởi những thứ như thế, nếu các em nghĩ rằng
mình sẽ sống thật cá tính và khác người thì các em lầm rồi đó. Đó không phải là
cách xã hội vận hành! Nếu không hiểu điều đó và cứ ngồi chờ bị ruồng bỏ, thì những
thứ chờ đợi các em sẽ chỉ có đau khổ và nuối tiếc mà thôi. Nếu em không
muốn phải nếm trải hiện thực này, hãy tạo ra luật của chính mình!”
(Sakuragi Kenji – Ep 1)
“Khi mua em bị lừa,
khi bán em cũng bị lừa. Kẻ yếu đuối
luôn luôn bị lừa.” (Sakuragi Kenji – Ep 2)
“Em định dành cả đời này để trả nợ và trở thành kẻ dưới đáy
xã hội sao? Thi cử là thứ công bằng duy
nhất còn lại ở nước Nhật bây giờ. Dù em nghèo, dù em đã từng làm chuyện xấu,
hay ba em là kẻ tồi tệ; chỉ cần em đạt điểm thi tốt, em có thể vào trường đại học
hàng đầu. Ngay cả những đứa quậy phá, bị trưởng khu phố quỳ gối xin “Hãy dọn đi
chỗ khác vì làm ảnh hưởng tới bọn trẻ xung quanh” nếu đạt điểm tốt trong kì thi
tuyển, thì nó cũng có thể vào được trường đại học hàng đầu.Con người hoàn
toàn có thể làm lại cuộc đời!” (Sakuragi Kenji – Ep 2)
“Những con người quyết
định quá chậm thì sẽ lỡ mất cơ hội” (Sakuragi Kenji – Ep 2)
“Em có biết làm thế nào để trở nên mạnh mẽ không? Trước
tiên, em phải biết điểm yếu của mình.” (Sakuragi Kenji – Ep 2)
“Trước tiên để tôi chỉ
cho các em một số mẹo trong học tập. Buổi
sáng sẽ thích hợp với những việc cần suy nghĩ hơn là học thuộc lòng, vì về cơ bản,
đó là lúc não bộ làm việc tốt nhất.” (Sakuragi Kenji – Ep 3)
“Tôi nói em khờ, bởi vì em cho rằng 70 điểm là tốt rồi. Trong bài kiểm tra 100 câu, nếu không làm
đúng cả 100 câu thì coi như vứt. Sai
sót là không thể chấp nhận được. Hãy biết xấu hổ vì đã làm sai đi.”
(Sakuragi Kenji – Ep 3)
“Toán học là một trò chơi. Nó là trò chơi mà khi ta đưa ra được đáp án là lúc ta tận hưởng
được cảm giác thành công. Ngay cả trò chơi điện tử cũng vậy: Khi thắng, các
em thấy vui, cho nên nó mới thú vị. Môn Toán cũng vậy thôi. Nếu tính toán chính
xác, các em sẽ cảm nhận được hương vị chiến thắng.” (Sakuragi Kenji – Ep 3)
“Mizuno! Nếu muốn rời khỏi chỗ này, em chỉ có hai lựa chọn
thôi. Một là cải thiện bản thân, giữ lấy
địa vị cao trong xã hội. Hai là em sẽ bị
xã hội đào thải, bị sa ngã và sống một cuộc đời tủi cực. Em muốn chọn con
đường nào?” (Sakuragi Kenji – Ep 3)
“Nếu cho rằng không thể thì sẽ là không thể. Nếu các em cố
hết sức thì kì tích có thể sẽ xuất hiện.” (Sakuragi Kenji – Ep 3)
“Chỉ có cắm đầu giải
bài là chưa đủ, phải đứng ở vị trí khác mà nhìn vào, như vậy mới khách quan được. Sự
khách quan là quan trọng nhất trong học tập. Vì vậy, hãy khách quan và nghiêm
khắc với chính mình.” (Sakuragi Kenji – Ep 3)
“Hay quên không phải do các em ngốc. Não bộ ai cũng đều có
thể quên. Vì vậy, hãy luyện đi luyện lại
cho nó hằn sâu vào não bộ.” (Sakuragi Kenji – Ep 3)
“Thứ quan trọng nhất
để vào Todai thành công, là cảm giác uất ức khi thất bại trong học tập. Ghi
nhớ điều này thì Todai cũng đơn giản thôi.” (Sakuragi Kenji – Ep 3)
“Đừng tự mãn. 99 điểm
và 0 điểm đều giống nhau cả thôi. Không đạt được điểm tuyệt đối thì không có ý
nghĩa gì cả.” (Yanagi/ “Quỷ toán Todai” – Ep 4)
“Những đứa còn đang phân vân là những đứa yếu đuối. Mỗi lần từng bước một đâm vào tường như vậy,
chúng sẽ vượt qua được. Chính những đứa đó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và có sự trưởng
thành chắc chắn… Chưa đâm đầu vào tường thì không bỏ cuộc.” (Sakuragi Kenji
– Ep 4)
“Kẻ chỉ biết tuân lệnh người khác là kẻ bỏ đi.”
(Yanagi/ “Quỷ toán Todai” – Ep 4)
“Làm cách nào để
truyền đạt những suy nghĩ của mình? Đó là phải đứng trên lập trường của đối
phương một cách triệt để! Nếu không làm vậy, những câu văn các thầy cô
viết ra chỉ là vô nghĩa. Và đương nhiên, học sinh sẽ không chăm chú lắng nghe
các thầy cô giảng.” (Sakuragi Kenji – Ep 5)
“Yajima! Trong xã hội này, ai giơ nắm đấm ra trước
là kẻ bại trận. Dù có đúng đi nữa, thì trong xã hội ngày nay, ai động thủ trước sẽ bị coi là thua cuộc.
Cho nên, dù thế nào cũng không được đánh người.” (Sakuragi Kenji – Ep 5)
“Em đúng là một tên
ngốc chán ngắt, một đứa vô tích sự. Một đứa không thể đấu tranh vì
tương lai của chính mình thì đừng nói gì tới chuyện lo cho người khác!”
(Sakuragi Kenji – Ep 5)
“Okuno! Trong đời, có nhiều lúc ta phải gặp giờ phút như thế
này: Sự thật hoàn toàn khác với những gì ta nghĩ. Ở trường học, công sở hay
trong tình yêu cũng vậy, ai cũng vẽ nên
một hiện thực đúng với mong muốn của mình, rồi đột nhiên một ngày nọ phải nhận
ra đó chỉ là tưởng tượng. Sức mạnh của một người được thử thách vào những
lúc như thế này đó Okuno. Bây giờ, có hai con đường trước mặt em. Một là cứ lấn
sâu vào ảo tưởng do mình tạo ra và nghe lời thằng em ngốc bảo là do áp lực thi
cử này nọ nên quên đi mọi thứ và vờ như không biết gì hết. Thứ hai, chấp nhận sự
thật dù có tàn khốc đi nữa, và một lần nữa cắn răng chịu đựng làm lại từ số 0.
Okuno Ichirou! Đây là
cuộc đời của em. Em phải tự quyết định! Nhưng nếu là tôi, thay vì để người khác thực hiện ước mơ vào Todai của
mình, tôi sẽ chọn cách tự mình cố gắng để đỗ vào Todai.” (Sakuragi
Kenji – Ep 5)
“Todai cũng chỉ là một
trường Đại học thôi, nếu muốn vào thì ai cũng có thể vào được.” (Sakuragi
Kenji – Ep 5)
“… Ngay cả tên rác rưởi
đang nằm kia nữa. Nếu học đàng hoàng như lời tôi dạy, chắc chắn sẽ vào được
Todai. Rồi đến lúc vào được Todai rồi, cậu ta sẽ không còn là đồ rác rưởi nữa.
Giống như tên rác rưởi trước kia ở băng đua xe, khi đã thành luật sư thì không
còn là rác rưởi.” (Sakuragi Kenji – Ep 5)
“Sức tập trung của con người chỉ giới hạn trong vòng 1 tiếng rưỡi thôi,
nên đúng là cũng cần nghỉ giải lao. Nhưng nếu nghỉ quá lâu, thì trái lại sẽ phản
tác dụng đó.” (Sakuragi Kenji – Ep 5)
“Nói về thể thao, các
trò đều nói là mình làm được, dù chỉ biết một chút. Vậy tại sao lại không nói
là mình biết nói Tiếng Anh? Người Nhật kì lạ thật đó! Cứ nhắc đến ngoại ngữ là
phải đòi hỏi thật hoàn hảo mới được. Ví dụ như giáo viên dạy Tiếng Anh, dù có
giỏi đến mấy vẫn nghi ngờ về khả năng Tiếng Anh của mình. Nếu không thể nói
chuyện lưu loát bằng giọng chuẩn với người nước ngoài thì không tự tin rằng
mình nói được Tiếng Anh. Nhưng trái lại, nếu hỏi người Mĩ có nói được tiếng Nhật
không, họ sẽ nói “Yes”. […] Chính vì thế, các em cũng phải ưỡn ngực lên mà nói
“Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của tôi.” Cứ mạnh dạn mà nói Tiếng Anh là được, vì ngôn ngữ càng dùng nhiều thì
càng nắm vững.” (Kawaguchi Hiroshi/ Giáo viên Tiếng Anh – Ep 6)
“Thông tin chính là sức
mạnh. Biết hay không biết, chính sự khác nhau đó sẽ quyết định mình có lợi hay
không. […] Khi sinh ra, con người không thể tự chọn hoàn cảnh cho mình được.
Do đó, hiển nhiên là những điều có lợi và bất lợi sẽ phụ thuộc vào môi trường
xung quanh. Không tivi, không được học hành tử tế, không tiếp thu được thông
tin chính xác, thử so sánh với những người như thế ở những nước nghèo và bị đàn
áp trên thế giới, các em sẽ thấy được mình có lợi thế đến chừng nào. Cho nên
không được lãng phí điều đó! Phải thu thập thông tin và chiến thắng với
lợi thế tốt nhất. […] Có thể nói thi cử chính là bản sao thu nhỏ của thế
giới này. Cho nên phải chiến thắng! Giành chiến thắng trong kì thi sẽ mở ra con
đường thắng lợi trong xã hội.” (Sakuragi Kenji – Ep 6)
“Ví dụ trong thể thao, so
với việc tập luyện một mình, nếu có đối thủ, ta sẽ đạt được nhiều thành tích tốt
hơn. Đã có nhiều thí nghiệm chứng minh điều đó. Thi cử cũng giống
như vậy, có bạn bè cùng cố gắng và nâng đỡ nhau thì ta sẽ giành được chiến thắng. Kawaguchi
– sensei đã gắn kết mối liên hệ tin tưởng lẫn nhau giữa các em học sinh. 6 em ấy
đã hợp nhất thành một, tạo nên sức mạnh đoàn kết và cùng nhau chiến đấu.” (Các
thầy giáo lớp đặc biệt – Ep 6)
“Kẻ thua cuộc phải bị
tấn công đến cùng! Bởi vì con người chỉ nghe theo lời nói của người khác sau
khi thua cuộc hay thất bại mà thôi.” (Sakuragi Kenji – Ep 6)
“Trên đời này có bao
nhiêu người thắng cuộc thì cũng có bấy nhiêu kẻ thua cuộc. Trong thi cử có bao
nhiêu người đậu thì cũng có bấy nhiêu kẻ rớt. Kẻ bại trận thì phải đi con đường
của kẻ bại trận.” (Sakuragi Kenji – Ep 6)
“Ta chỉ có thể tức giận và keo kiệt với những người mà ta
kì vọng thôi. Ta chỉ làm thế với người có quyết tâm, chỉ lên lớp với người có
khả năng thôi.” (Yajima Yuusuke – Ep 6)
“Khi muốn ghi nhớ cái
gì đó, nếu ta cứ cố ép mình phải nhồi nhét thật nhiều từ thì đúng là khổ sở có
phải không? Từ vựng Tiếng Anh cũng vậy. Các em hãy gắn nó với điều gì đó và
liên kết chúng lại với nhau như những mắt xích, như thế sẽ dễ nhớ hơn nhiều.”
(Kawaguchi Hiroshi/ Giáo viên Tiếng Anh – Ep 7)
“Khi đi thi, những
thí sinh xung quanh không phải là địch thủ. Thi cử là một cuộc chiến với chính
bản thân mình. Các em hãy ghi nhớ điều đó. Đề thi không phải là thứ từ trên trời rơi xuống, mà là thứ được người
khác làm ra để cho mình giải. Nói ngược lại, nhìn đề thi, ta sẽ biết được người ta muốn nhận người như thế nào.”
(Sakuragi Kenji – Ep 7)
“Khái niệm tuân thủ quy định thì không đi cùng với trạng từ
“từng li từng tí”. Trên đời có rất nhiều người hiểu sai điều này. Thật
ra chính những người tuân thủ các quy định mới là những người độc lập, sáng tạo
và thể hiện cá tính của mình. Đúng vậy đó. Trong giới khoa học cận đại không
hề có một khám phá lớn lao nào xuất phát từ những ý tưởng bộc phát ngẫu nhiên.
Tất cả đều là sự thấu hiểu sâu sắc những nghiên cứu cơ bản và tuân thủ những
quy luật của ngành học ấy mà tiến lên nghiên cứu sâu hơn. Nếu không có ý thức
tuân thủ quy định thì sẽ không thể nào đạt được thành quả nghiên cứu trong khoa
học được.” (Các thầy giáo lớp đặc biệt – Ep 7)
“Bài thi là một cuộc đối thoại. Đối thoại với đối phương
và đối thoại với chính mình. Các em đừng quên điều đó. Khi làm bài
thi, đầu tiên, trước khi bắt đầu đọc đề, các em nhất định phải lặp đi lặp lại
câu nói đó trong đầu.” (Sakuragi Kenji – Ep 7)
“ – Này! Ví dụ ở đây là biển, trước mặt cô là bọn trẻ đang
ngất xỉu vì đói. Cô có một chiếc cần câu, và cô biết rõ cách câu cá, thì cô sẽ
làm gì?
– Tôi sẽ câu cá cho lũ trẻ.
– Vậy thì cô sai rồi.
– Sao lại thế? Bọn trẻ đang đói và chúng không thể di chuyển
được nữa còn gì. Không phải giúp lũ trẻ là chuyện đương nhiên sao?
– Vậy cô sẽ làm gì sau khi chúng tốt nghiệp trung học? Theo
những gì cô nói, thì có vẻ như cô có lòng thương người và nghĩ cho học sinh.
Nhưng trong sâu thẳm tim mình, cô đánh giá quá thấp bọn trẻ, và không chịu thừa
nhận khả năng của chúng. Cô định sẽ bắt cá cho chúng cả đời sao? Hay là sau khi
chúng tốt nghiệp trung học, cô sẽ làm bộ mặt như không quan tâm? Thay
vì việc câu cá cho bọn chúng thì cô không nghĩ quan trọng là phải dạy lũ trẻ
cách tự câu cá mà ăn ư?” (Sakuragi Kenji, Ino Mamako – Ep 8)
“Một giáo viên tốt là
ngay cả khi học sinh của mình không có khả năng làm điều gì đó thì vẫn phải tin
tưởng và ủng hộ chúng hết mình. Và, phải làm một giáo viên để học trò tự bước
đi trên chính đôi chân của mình. Thay vì nuông chiều chúng, hãy chuẩn bị
thử thách để chúng chỉ cần nỗ lực một chút là có thể vượt qua. Sau đó, dạy
chúng tính tự lập để suy nghĩ cho bản thân, tự mình quyết định, và tự mình vững
bước tiến lên.” (Sakuragi Kenji – Ep 8)
“Ogata này, em có biết chướng ngại lớn nhất của
thành công trong cuộc sống là gì không? Mục đích của tôi là giúp các em
vào được Todai, và làm sống lại trường trung học Ryuuzan, để người ta phải công
nhận tôi là một luật sư giỏi. Một khi vào được Todai, em sẽ khiến những người
xung quanh phải nhìn nhận lại em. Vì thế, sẽ có lợi lớn cho cả hai chúng ta nếu
em đỗ vào Todai. Có thể nói, chúng ta cùng chung số phận. Nhưng, cuộc sống
không để chúng ta tiến bước dễ dàng như ta nghĩ. Sẽ luôn có điều gì đó cản đường
thành công của ta. Em có biết đó là gì không? Đó là cảm xúc của con người.
Sự bướng bỉnh, lòng đố kị và sự tự ti, tất cả khiến chúng ta thất bại. Chất
chứa những cảm xúc đó, liệu em có thể nắm bắt được những lợi ích trước mắt cho
mình không? Đó chính là bước ngoặt của sự thắng bại. Con đường chỉ rộng
mở với kẻ chiến thắng thôi! Em có thể bị khinh thường hay bị xã hội ruồng
bỏ, nhưng nếu đạt kết quả tốt, tất cả sẽ phải nhìn nhận lại em. Chỉ cần vượt
qua duy nhất một kì thi thôi, môi trường xung quanh em cũng sẽ thay đổi hoàn
toàn. Vì thế, Ogata, đừng tự biến mình thành kẻ ngốc khi tự đánh mất lợi
ích chỉ vì cái lòng tự ái nhất thời đó.” (Sakuragi Kenji – Ep 8)
“Chúng sẽ đến thôi. Học
hành cũng có tính gây nghiện như thuốc phiện vậy. Khi cô nhận được một vấn đề
mà cô không thể hiểu được, nó sẽ khiến cô khó chịu đến mức phát bệnh.”
(Sakuragi Kenji – Ep 8)
“Muốn chiến thắng trong thể thao, ta cần phải có sức mạnh thể lực và sức
chịu đựng. Trong học tập cũng vậy, học lực cơ bản là rất cần thiết. Nếu bây giờ
các em chăm chỉ rèn luyện năng lực học tập của mình thì sau mùa thu, điểm số
các em sẽ tăng lên nhanh chóng.” (Sakuragi Kenji – Ep 8)
“Khi nhảy cao, chúng ta phải dậm xuống một lần rồi mới bật
lên đúng không? Và nó sẽ trở thành cú nhảy cực mạnh. Việc đó cũng giống như lúc
bọn trẻ muốn tiến bộ hơn nữa. Chỉ cần một lần thất vọng sẽ tạo nên một bước tiến
bộ lớn.” (Các thầy giáo lớp học đặc biệt – Ep 8)
“Nếu cứ bảo “thế nào
mà chẳng được” thì sẽ bỏ qua, chẳng chịu động não suy nghĩ gì nữa. Nếu không có sự say mê tìm hiểu những thứ
xung quanh mình thì sẽ chẳng học thêm được kiến thức gì cả.” (Akutayama
Ryuzaburou/Giáo viên Văn – Ep 9)
“Đọc hiểu chính xác
là đọc và suy ra đúng những thông tin tiềm ẩn đằng sau những câu chữ. Tại sao
là thế này? Tại sao lại thế kia? Lúc nào cũng đặt những câu hỏi như thế, ta có
thể rèn luyện được kĩ năng đọc hiểu cho đúng.” (Akutayama Ryuzaburou/Giáo viên
Văn – Ep 9)
“Tuổi trẻ là cái thời mà người ta làm gì cũng không thấy
thoả mãn. Nếu không đạt được thành quả để có tự tin vào bản thân thì làm gì
cũng không thấy thích thú. […] Để
tụi nhóc đó trưởng thành về mặt tinh thần, thứ tụi nó cần không phải cảm giác
no đủ mà là cảm giác đói khát. Lúc
nào cũng cảm thấy còn thiếu cái gì đó, và để lấp đi khoảng trống đó trong lòng
thì cần phải làm gì? Luôn phải có suy nghĩ đó trong đầu. Khoảng thời gian như
thế rất cần thiết đối với đám con nít.” (Sakuragi Kenji – Ep 9)
“Trường học trong suy nghĩ của cô Ino cũng giống như một nhà
kính đúng không? Những trái cà chua xinh
đẹp được trồng trong nhà kính nếu không có nhà kính thì không thể lớn lên được.
Vấn đề là ở chỗ đó. Khi ra khỏi trường rồi,
để có thể một mình sống được thì cần phải trang bị thật vững vàng cứng cáp.
Lấy ví dụ như củ khoai tây bị đào lên khỏi đất ruộng: Không chịu thua gió bão
hay nắng hạn, chiến đấu chống côn trùng gây hại, cắm rễ vào đất, hút lấy chất
dinh dưỡng để lớn lên thật vững vàng. Đưa những củ khoai tây ấy ra đời thực
chính là mục tiêu của lớp đặc biệt trường Ryuuzan.” (Yanagi/ “Quỷ toán Todai” ,
Sakuragi Kenji – Ep 9)
“Đã nỗ lực nhưng lại không nhận được kết quả. Đây là
nguyên nhân chính khiến con người bị tổn thương.” (Yanagi/ “Quỷ toán Todai”
– Ep 9)
“Cha mẹ gọi con cái
mình là ngu ngốc thì cũng giống như tự nhận mình ngu ngốc vậy.” (Sakuragi
Kenji – Ep 9)
“Đối với các bậc cha mẹ, điều quan trọng là nhận thức
chính xác con mình đang phát triển ở giai đoạn nào. Nếu trẻ vẫn còn
trong giai đoạn tư duy trực giác thì cần phải kiên nhẫn chờ đợi. Như khi thấy
trẻ hàng xóm đã phát triển đến giai đoạn tư duy mà con mình vẫn chưa, hay là
trong hai anh em sinh đôi, người em đã phát triển còn người anh thì chưa. Chỉ dựa
vào việc đó mà vội vàng đánh giá trẻ em thông minh hay ngu ngốc thì thật đúng
là ngu ngốc. Không phải đứa trẻ mà là
cha mẹ mới ngu ngốc!” (Sakuragi Kenji – Ep 9)
“Đúng là việc khen ngợi rất quan trọng, nhưng khen ngợi
quá mức sẽ khiến bọn trẻ cảm thấy đó là gánh nặng. Chúng sẽ nghĩ rằng
người khen mình đang yêu cầu mình phải làm nhiều hơn nữa. Khen ngợi không phải
là dỗ ngọt. Thế nhưng, hầu hết mọi người nếu khen ngợi thì khen một cách sai lầm
thiếu suy nghĩ, hoặc cho rằng chỉ cần khen là được rồi, thế là cứ vô tư dùng những
lời khen sáo rỗng. Hãy lặp lại! Hãy chú ý lắng nghe con mình nói chuyện, và lặp
lại những lời nói của chúng. Bằng cách lặp lại lời nói của trẻ,
ta sẽ tạo cho chúng cảm giác yên tâm là đang được ba mẹ chú ý lắng nghe. Hơn nữa,
bằng cách lặp lại lời nói của trẻ, cha mẹ sẽ không khiến trẻ cảm thấy bị ép buộc
phải đưa ra kết luận cho chuyện sau đó nữa. Nhờ đó, trẻ sẽ cảm thấy chúng được
cha mẹ nhìn nhận như một cá thể độc lập. Vì vậy, từ nay về sau, xin các vị hãy
tìm cách đối thoại với con mình theo phương pháp này. Nhất định không khí trong
gia đình sẽ có sự thay đổi rất lớn.” (Sakuragi Kenji – Ep 9)
“– Này, các em thấy sao? Chuyện các cha mẹ dẫn con tới đây
đó. Chỉ có cha mẹ là nghiêm túc thôi, còn bọn trẻ nhìn có vẻ chán chường.
– Vì sao?
– Có lẽ vì chúng đều nghĩ vào học trường nào cũng như nhau cả
thôi?
– Tại sao?
– Vì chúng vẫn chưa suy nghĩ nghiêm túc về cuộc đời của
chính mình.
– Vậy tại sao chúng vẫn chưa suy nghĩ nghiêm túc về cuộc đời
mình?
[…]
– Có lẽ vì chúng vẫn chưa biết cảm giác thật sự là thế nào.
– Cảm giác gì?
– Cảm giác khi một lúc nào đó không còn được cha mẹ
che chở cho nữa. Vì đã có cha mẹ đắn đo suy nghĩ cho rồi nên không cần nghiêm
túc nữa. Lúc gặp khó khăn chắc chắn sẽ được cha mẹ giúp đỡ, vì vậy không cần phải
lo lắng. Có lẽ đâu đó trong lòng, bọn chúng đều mang suy nghĩ ngây thơ như vậy.”
(Sakuragi Kenji, Yajima Yuusuke, Mizuno Naomi – Ep 9)
“Tôi không hề nói các em ấy “sẽ thi đậu”. Tôi chỉ xác định
các em ấy “có tố chất để thi đậu” mà thôi. Đầu óc trống rỗng có nghĩa
là từ bây giờ các em ấy có thể nạp thêm thật nhiều thứ vào đầu. Mới nãy anh
nói con trai anh chỉ toàn chú tâm chơi cho ban nhạc phải không? Anh biết tại
sao tôi nói em này có khả năng đậu vào Todai cao nhất không? Đó là vì trước đây
em ấy cũng suốt ngày mải mê chơi nhạc. Khi người ta ham mê làm một việc
gì đó, tinh thần nỗ lực của người đó sẽ được rèn luyện. Và khi những học sinh
đó tập trung vào việc học thì sẽ phát huy được khả năng lớn lao. Vì vậy,
một khi chúng nhắm tới mục tiêu đậu vào Todai, thì chúng sẽ phát huy được sức học
đến mức đủ để thi đậu trong 1 năm.” (Sakuragi Kenji – Ep 9)
“Em đang đội sổ không phải tại em không thông minh. Chỉ là do em không
nhanh nhạy bằng người khác thôi. Lúc em chơi trumpet cũng vậy phải không? Em
không thể chơi giỏi ngay từ lúc đầu mới tập chứ gì? Vì yêu thích nên em cứ tiếp
tục luyện tập, và tới một lúc nào đó chợt nhận ra mình đã tiến bộ lên rất nhiều.
Cũng giống như câu chuyện Thỏ và Rùa vậy. Do không nhanh nhạy
nên xuất phát không tốt, nhưng không phải vì thế mà em sẽ thua cuộc.”
(Sakuragi Kenji – Ep 9)
“Từ hồi nhỏ em đã mất
cha, nên luôn phụ giúp, đỡ đần mẹ đúng không? Cho nên em đã buộc phải lớn nhanh
hơn những đứa trẻ khác. Và rồi, em không biết đã vứt bỏ những hi vọng, ước mơ của
bản thân mình từ lúc nào. Những người như thế một khi đã có được ước mơ thì sẽ
nỗ lực gấp mấy lần so với những đứa cứ mãi là con nít.” (Sakuragi Kenji –
Ep 9)
“Trong thi cử, những ai đã từng trải qua nhiều gian khổ
là những người chiến thắng cuối cùng.” (Yanagi/ “Quỷ toán Todai” – Ep 9)
“Nếu có thầy giáo tốt thì sẽ học được tốt. Đa số mọi người đều nghĩ rằng
đó là phương pháp hay nhất. Nhưng có
một điều quan trọng mà em có thể học được nếu chỉ có một mình. Đó chính là mật
độ, là lượng thời gian em tập trung hết sức để học. Có một mình sẽ tập trung
hơn. Và nếu tập trung được tốt thì sẽ mạnh mẽ hơn. Vì thế tôi
chỉ nói một câu mà tôi ghét nhất với em một lần thôi: Cố lên! Nếu em cố
gắng, chắc chắn hi vọng sẽ thành hiện thực.” (Sakuragi Kenji – Ep 10)
“Đừng nghe Tiếng Anh! “Đừng có nghe” ở đây nghĩa là nếu các em chỉ nghe
Tiếng Anh một cách máy móc, không suy nghĩ thì cũng giống như là nghe kinh Phật
vậy. Thực tế lúc đó phần lớn não bộ các em đang nghỉ ngơi. Để luyện khả năng
nghe, thực ra là phải tập trung vào cách lặp lại ngay lập tức những gì các em
nghe được. Đó mới chính là phương pháp hiệu quả nhất cho não bộ.”
(Kawaguchi Hiroshi/ Giáo viên Tiếng Anh – Ep 10)
“Những kẻ nghĩ rằng chỉ cần vào học Todai là có thể thành công trong cuộc
đời, hay những kẻ lập tức khúm núm khi biết được người đứng trước mặt mình đã tốt
nghiệp Todai đều là những kẻ ngốc chỉ đáng vứt đi. Vậy tại sao ngày càng có nhiều
kẻ ngốc như vậy? Đó là vì đại đa số người Nhật chưa dám đối đầu mà đã khẳng định
Todai là bức tường không thể vượt qua nổi. Họ tự dựng lên chuyện, rồi tự bỏ cuộc,
sau đó tự ôm nỗi mặc cảm. Họ cho rằng những người thành công là do tài năng có
sẵn và bản thân mình chỉ là kẻ tầm thường nên dù có nỗ lực cũng vô ích. Những
suy nghĩ như thế không biết sẽ bó buộc cuộc đời con người bao nhiêu lần. Trên
đời này không có bức tường nào là không thể vượt qua được. Vì thế, các em đừng
mang định kiến “Không làm được” đối với bất cứ việc gì.” (Sakuragi Kenji –
Ep 11)
“Cái băng “Đồ ngốc”
này các em đã liên tiếp buộc lên đầu trong vòng một năm nay. Nhưng thật ra
không chỉ có một năm. Kể từ khi bắt đầu nhận biết được sự vật, trong lòng các
em đã mang cái băng này suốt rồi. Cho
nên các em sắp được tự do thoát khỏi cái băng “Đồ ngốc” này rồi, và có thể cắt
được nhiều sợi xích mang tên nỗi mặc cảm tự ti đã bó buộc các em bấy lâu nay.
Hãy nhớ lại những ngày tháng nhục nhã khi bị coi là đồ ngốc. Và hãy đánh bật nỗi
nhục đó bằng kì thi ngày mai.” (Sakuragi Kenji – Ep 11)
“Đừng có nói những điều ngốc nghếch như vậy.
Thời gian là thứ không thể quay trở về thời điểm ban đầu. Dù tốt hay xấu, theo
thời gian tất cả đều tích dần dần lên. Em đã bỏ công học hành suốt 1 năm trời.
Dù em có thi đậu vào Todai hay không, thì sự thật đó vẫn không hề thay đổi. Em
thật sự đã thay đổi rồi.” (Sakuragi Kenji – Ep 11)
“Tôi chỉ hướng dẫn phương pháp cho người có tố chất thôi.”
(Sakuragi Kenji – Ep 11)
“Các câu hỏi trong kì
thi đầu vào thường chỉ có một đáp án đúng thôi. Nếu không tìm ra được đáp án đó
thì sẽ bị rớt. Khắc nghiệt như vậy đó. Tuy nhiên, cuộc đời thì lại khác. Cuộc đời có vô số đáp án đúng. Học
lên tiếp Đại học là một đáp án đúng. Không học Đại học cũng là đáp án đúng. Dồn
hết sức vào thể thao, dồn tâm trí vào âm nhạc, cùng chơi hết mình với bạn bè hoặc
là đổ công sức vì một ai đó… Tất cả đều là đáp án đúng. Vì vậy các em đừng sống một cách nhút nhát!
Các em đừng phủ nhận khả năng của chính mình! Những em đậu cũng như những em rớt,
tất cả hãy tự hào mà sống ngẩng cao đầu.” (Sakuragi Kenji – Ep 11)
—————————