Dù gì, hãy thôi than vãn về cuộc sống này
Đã có hàng ngàn tỉ lý do để con người ta than vãn về cuộc sống này. Tôi thực sự mệt não và mỏi óc khi phải nghe người ta than vãn về cuộc đời này quá nhiều như bầy ong vò vẻ kêu suốt đêm dài trong khi tôi cố gắng chợp mắt một chút…
Vấn đề không phải ở lý do! Lý do luôn ở đó, khó khăn luôn ở đó, nó thậm chí còn có trước khi loài người xuất hiện nữa kìa. Nó như mẹ ta vậy, nó có trước ta, chúng ta sinh ra sau, mà cũng có thể là nó sinh ra ta không chừng. Mà con cái thì không có quyền gì cãi cha mẹ, hoặc là chấp nhận, hoặc là nhảy ra đời tự mưu sinh, đơn giản vậy thôi.
Sẽ vô ích khi chúng ta như một bầy ngỗng kêu ngoang ngoác, khi mà trái đất vẫn quay, khó khăn vẫn có, hiện tại vẫn là sự thực. Chúng ta là bầy ngan, bầy ngỗng, bầy gà hay bất cứ là một con vật gì đó có thể phát ra âm thanh nếu chúng ta tiếp tục than vãn. Nghe thì có vẻ hơi sỉ nhục, nhưng tôi quả thực là tức đến tận tím tê tái cả người khi thấy người ta không có lối thoát, tôi chỉ muốn dùng ngôn từ của mình như “quả đấm thép” đấm vào “não” của người đọc, để họ sáng mắt ra. Vũ lực thì không có gì hay ho, nhưng với tôi cũng không có gì là quy tắc, đôi khi nên đấm cho người ta thật đau, đấm nhừ xương, nhừ đòn thì miễn may có chút giá trị và trở thành bài học nhớ đời.
Mỗi chúng ta khi xuống hành tinh này, chúng ta chọn một điểm để đổ bộ. Người tưởng chừng hạnh phúc khi sinh ra ở Mỹ, kẻ đói khát ở Châu Phi, người đau khổ vì chiến tranh ở Trung Đông, hay đơn giản là chọn nước Việt Nam khá yên bình này làm nơi trú ngụ một đời con người.
Khi còn bé, chúng ta rất ngoan ngoãn! Tất cả đều thế! Và khi lớn lên, chúng ta bắt đầu “kiếm chuyện” đủ thứ. Rồi chúng ta bảo trái đất thế này, xã hội thế nọ, cuộc sống thế kia, và chúng ta bắt đầu than vãn…
Tôi không biết thằng khỉ gió quái quỷ nào đã đặt ra các từ đối lập “đau buồn” – “hạnh phúc”, “sướng” – “khổ”. Mẹ cha ông bà nó, sao nó không đặt đó là số một và số hai hay số một và âm một mẹ đi để cho bây giờ đỡ rối chuyện… Tôi chỉ đùa thôi đấy nhé !!
Thật ra, sự việc nó có nghĩa dựa trên những bản tính tự nhiên có của con người. Ai đó nói không có khổ cũng không đúng, bởi vì khổ là một khái niệm bắt buộc phải có, được sinh ra khi sự việc có vẻ đi ngược lại với “ước muốn an toàn” của con người. Thánh nhân hoặc ai đó thần thánh có thể nói rằng: Ý nghĩa sự việc là do con người nhìn nhận, tôi thì không ủng hộ quan điểm đó, tôi thích thực tế, và tôi ủng hộ sự tự nhiên, cái phù hợp nhất với đại đa số. Cái gì đó có khả năng tấn công tới “ước muốn an toàn” của con người là khổ, là cực, là xấu, là mệt mỏi. Cái gì không tấn công thì là bình thường. Còn cái gì hòa hợp với ước muốn an toàn thì được gọi là hạnh phúc, vui vẻ, thoải mái…
Đây, vấn đề là ở đây!
Vấn đề rất đơn giản, nếu ai đó muốn “tu” hay muốn cuộc đời vui hơn mà “cố tình không chịu hiểu” điều này thì nên rút lui trong êm thắm luôn đi. Vấn đề là, có 2 cách để xóa bỏ cái sự tệ hại của việc cảm thấy khổ đau đi.
Một là, xóa bỏ cái “ước muốn an toàn” trong bản thân mỗi người, chặt cái gốc thì cái ngọn đương nhiên chẳng còn.
Hai là, chấp nhận nó từ gốc đến ngọn, như một con người bình thường, như một quy luật cuộc sống, như thấy giá trị ánh sáng sau đêm dài, như thấy giá trị đêm dài sau một ngày lao động mệt mỏi, như thấy cơn mưa mát mẻ sau cái nắng mùa hè oi bức khó chịu, như thấy cái nắng ấm áp sau nhiều ngày mưa giông bão tố.
Đó! Khổ và sướng, buồn và vui, tệ hại và hạnh phúc cũng như thế! Buồn cười là chả ai than về vui, về hạnh phúc, về sướng, về những gì họ nhận được. Thay vào đó, họ than vãn khi họ nhận được những cái đối lập kia, mà thực ra chúng cũng chỉ để cho cuộc sống thêm cân bằng mà thôi. Chúng ta muốn mất cân bằng theo kiểu cuộc sống toàn niềm vui, trái đất lệch trục, và sự mất giá trị của niềm vui trước mắt mình hay sao?
Tôi thấy rất thú vị và sẽ cảm thấy vô cùng vui nếu người ta than vãn về việc : Đã có quá nhiều vui vẻ, sung sướng và hạnh phúc, họ muốn đau khổ, muốn cùng cực, muốn tệ hại để được mở mang tầm mắt, để được sống trong kỷ luật, để được đầy đủ hai khía cạnh, để được cảm thông cho những người thấp kém – khổ đau, để được thấy cuộc sống cân bằng, để được mạnh mẽ hơn! Tôi sẽ rất thích… Nghe có vẻ điên rồ nhỉ? Tại sao lại kỳ cục như thế? Bởi vì đơn giản trong tốt đã ẩn nấp cái xấu, và trong cái xấu đã tiềm tàng cái tốt rồi, đó là quy luật của tự nhiên, không muốn hiểu thì nó cũng đã ở đó rồi.
Tôi tự nhận thấy mình đã viết quá nhiều về vấn đề “chấp nhận sự thật” này, tôi cũng biết mình đang nói những điều quá thừa thải và quá cũ kỹ. Nhưng biết làm sao được, tôi chỉ thấy đó là trách nhiệm của mình… Chúng ta than vãn cuộc đời không cho những gì ta mong đợi, dù là mong đợi rất tầm thường, chúng ta than vãn về việc người ta xem thường mình, không coi trọng mình…
Nhưng bình tĩnh lại, và nhìn này! Vấn đề được than vãn không hề thay đổi khi một con hay một bầy ngỗng kêu lên. Không hề! Và chúng ta có quyền tiếp tục kêu, sẽ có người nghe đó, nhưng để làm gì? Cuộc sống của chúng ta vẫn không thay đổi, chẳng chút thay đổi! Chúng ta phạm lỗi, chúng ta đổ lỗi, chúng ta kém cỏi, chúng ta than phiền, luôn có lý do để chúng ta đổ lỗi và than phiền. Tin tôi đi! Sẽ luôn có đầy đủ lý do chờ bạn ở đó, trí thông minh còn làm được đến đâu, một lý do để trốn tránh có là gì.
Hãy thôi đi! Hãy thôi than vãn và đổ lỗi về cuộc sống này đi. Hoặc là thoát ra, hoặc là xuôi theo, đừng chống lại sự thật, đừng chống lại quy luật tự nhiên, bạn sẽ bị đè bẹp – bị đè bẹp theo cách mà bạn ngốn hết chỗ năng lượng còn lại cho cái miệng và cái tay gõ bàn phím buông ra những lời kêu ca than vãn, bạn sẽ nằm bẹp dí vì hết năng lượng.
Hoặc là làm, hoặc là không làm. Hoặc là cải thiện, hoặc là bỏ xó. Hoặc là nhảy ra, hoặc là chấp nhận. Thay vì ngồi đó kêu như một con ngỗng.
Và…Trái đất vẫn quay, mặt trời vẫn mọc, đoàn người vẫn đi làm mỗi sáng. Chỉ còn chúng ta nơi đây, nằm bẹp dí trong căn phòng tối với những tiếng kêu nhằm mong chờ những sự thương hại không bao giờ có….