2015-09-02

luật thơ


I. Thơ lục bát

1. Đặc điểm:

1. Số “tiếng” của mỗi dòng được quy định: dòng 6 tiếng (lục), dòng 8 tiếng (bát) và cứ như vậy kế tiếp nhau.

2. Cách hiệp vần: Tiếng cuối dòng lục vần với tiếng thứ 6 dòng bát, rồi tiếng cuối dòng bát lại vần với tiếng cuối dòng lục. Như vậy dòng bát có 2 vần: vần lưng ở tiếng thứ 6 và vần chân ở tiếng thứ 8.

VD:
Khóc than khôn xiết sự tình
Khéo vô duyên bấy là mình với ta.
Đã không duyên trước chăng mà
Thì chi chút đỉnh gọi là duyên sau
Rút trâm sẵn giắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần.

hoặc:
Nửa năm hơi tiếng vừa quen
Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng.


3. Về ngắt nhịp: Nhịp chẵn là chủ yếu, trong đó nhịp đôi là cơ sở. Đôi khi có những linh hoạt.
VD:
Trăm năm / trong cõi / người ta
Chữ tài / chữ mệnh / khéo là / ghét nhau.

4. Về thanh (thanh ngang và thanh huyền gọi là thanh bằng, các thanh sắc, hỏi, ngã, nặng là thanh trắc): Thường là tiếng thứ hai thanh bằng, tiếng thứ tư thanh trắc, tiếng thứ 6 và 8 thanh bằng. Các tiếng ở vị trí lẻ tự do theo luật: “nhất tam ngũ bất luận”.
VD:
Khen cho con mắt tinh đời
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già
Một lời đã biết đến ta
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.

5. Nếu có tiểu đối ở dòng lục, có thể thay đổi thanh: tiếng thứ hai và thứ tư cùng là thanh trắc:
VD:
Mai cốt cách, tuyết tinh thần.
hoặc:
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
hoặc:
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.

6. Về thanh, còn có luật cao - thấp: Nếu tiếng thứ 6 của dòng bát là thanh ngang thì tiếng thứ 8 cũng của dòng ấy là thanh huyền và ngược lại.
VD:
Hãy xin hết kiếp liễu bồ
Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau.

II. Thơ thất ngôn bát cú Đường luật

Ví dụ 1: Thất ngôn bát cú Đường luật làm theo luật bằng vần bằng: luật bằng là luật thơ bắt đầu bằng hai tiếng bằng, vần bằng ở cuối câu.

Thương vợ
Trần Tế Xương

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.

Ví dụ 2: Thất ngôn bát cú Đường luật làm theo luật trắc vần bằng: luật trắc là luật thơ bắt đầu bằng hai tiếng trắc, vần bằng ở cuối câu.

Bạn đến chơi nhà

Nguyễn Khuyến

Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.

1. Nhận xét về ngắt nhịp:
Ngắt nhịp phối hợp chẵn lẻ 4/3 (Trong thơ song thất lục bát thường ngắt 3/4).

2. Nhận xét về phối thanh:
Trong quy luật phối thanh cần xem xét hai khía cạnh: luật và niêm.

a. Về luật:
Luật bằng trắc được khái quát hoá như sau:

+ Thơ luật bằng vần bằng:
b b t t t b b
t t b b t t b
t t b b b t t
b b t t t b b
b b t t b b t
t t b b t t b
t t b b b t t
b b t t t b b

+ Thơ luật trắc vần bằng:
t t b b t t b
b b t t t b b
b b t t b b t
t t b b t t b
t t b b b t t
b b t t t b b
b b t t b b t
t t b b t t b

Chú ý: Tiếng thứ 2, 4, 6 buộc phải tuân thủ luật, tiếng thứ 1, 3, 5 có thể linh động: “Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”

b. Về niêm:
Niêm là sự liên lạc, gắn kết về âm luật của hai câu thơ Đường luật. Hai câu thơ niêm với nhau khi chữ thứ 2 của 2 câu cùng theo một luật, hoặc là cùng bằng, hoặc là cùng trắc. Những cặp sau đây trong thất ngôn bát cú Đường luật niêm với nhau: 1-8, 2-3, 4-5, 6-7. Khkông niêm theo đúng luật gọi là thất niêm.

c. Về hiệp vần:
Vần chân, độc vận, vào tiếng cuối ở các câu 1, 2, 4, 6, 8.

3. Nhận xét về bố cục:
+ Hai câu đề: câu 1: phá đề, câu 2: thừa đề.
+ Hai câu thực: câu 3 và 4 đối nhau, dùng giải thích rõ đề.
+ Hai câu luận: câu 5 và 6 đối nhau, dùng bàn luận về đề.
+ Hai câu kết: câu 7 và 8 tóm tắt ý nghĩa cả bài.


THƠ 4 CHỮ

A.Luật :
Nếu tiếng thứ 2 bằng thì tiếng thứ 4 trắc; ngược lại, tiếng thứ 2 trắc thì tiếng thứ 4 bằng.

2 4
trắc bằng
2 4
bằng trắc

Nhưng nhiều khi câu thơ cũng không theo luật đó.

B.Cách gieo vần

1. Vần tiếp (ít dùng)

Lính đóng ven rừng
Giữa mùa nóng nực
Uống cạn hố nước
Thấy toàn đầu lâu
Thịt rữa đi đâu
Còn xương trắng nhỡn

Trần Đức Uyển

2. Vần tréo

Tôi làm con gái
Buồn như lá cây
Chút hồn thơ dại
Xanh xao tháng ngày

Nhã Ca

Người từ trăm năm
Về ngang sông rộng
Ta ngoắc mòn tay
Trùng trùng gió lộng

Nguyễn Tất Nhiên

3. Vần ôm

Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng

Phạm Thiên Thư

4. Vần ba tiếng (ít dùng)

Sao biếc đầy trời
Sầu trông viễn khơi
Ðêm mờ im lặng
Nhìn hạt sương rơi

Khổng Dương

Em là ánh trăng
Vừa biếc vừa xanh
Em là giấc mộng
Ðêm xuân của anh

Huyền Kiêu

THƠ 5 CHỮ

A.Luật :
Cũng giống như thơ bốn chữ: nếu tiếng thứ 2 trắc thì tiếng thứ 4 bằng, hay ngược lại.

- Nhưng nhiều khi câu thơ cũng không theo luật đó.

B.Cách gieo vần

1. Vần tréo

Hôm nọ em biếng học
Khiến cho anh bất bình,
Khẽ đánh em cái thước
Vào bàn tay xinh xinh

Nguyễn Xuân Huy

Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê

Hàn Mặc Tử

2. Vần ôm

Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Lưu Trọng Lư


3. Vần ba tiếng bằng

Tuyết rơi mong manh buồn
Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng.

Cung Trầm Tưởng

Đưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Phất phơ đời sương gió
Hồn mình gần nhau chưa?

Nguyễn Tất Nhiên

THƠ 6 CHỮ

A.Cách gieo vần

1. Vần tréo

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Đỗ Trung Quân


2. Vần ôm

Xuân hồng có chàng tới hỏi:
Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi tóc xõa ngang đầu
Đi bắt bướm vàng ngoài nội

Huyền Kiêu


Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em tựa sát lòng anh
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh vông vàng bên suối

Đinh Hùng

THƠ 7 CHỮ

A.Luật :
Trong thơ bảy chữ, vần những tiếng 1, 3 và 5 không kể. Tiếng 2, 4 và 6 có thể phân tích như sau:

2 4 6
bằng trắc bằng
2 4 6
trắc bằng trắc

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người

Xuân Diệu

Nhiều khi không lại như thế:

Sao anh không vềchơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Mặc Tử


B.Cách gieo vần

1. Vần tréo

Nhiều khi trong thi đoạn bốn câu, chỉ cần hai tiếng bình ở cuối câu hai và bốn vần với nhau, hai tiếng trắc cuối câu một và ba không cần:

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,
Tuổi hai mươi đến, có ai ngờ !
Một hôm trận gió tình yêu lại:
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.

Huy Cận

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi

Tô Thùy Yên

3. Vần ba tiếng bằng

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng,
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.

Huy Cận

Dĩ vãng nào xanh như mắt em?
Chao ôi! Màu tóc rợn từng đêm!
Hàng mi khuê các chìm sương phủ
Vời vợi ngàn sao nhạt dáng xiêm.

Đinh Hùng

THƠ 8 CHỮ

A.Luật :

Thể thơ này không có quy luật nhất định, có nghĩa là vần điệu tự do hơn. Thường thì trong câu ở cuối có tiếng trắc thì tiếng 3 trắc, tiếng 5 và 6 bằng; ở cuối có tiếng bằng thì tiếng 3 bằng, tiếng 5 và 6 trắc. Nhưng nhiều lúc cũng không như thế.

B.Cách gieo vần

1. Vần tiếp (ít dùng)

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Tôi sẽ trách -- cố nhiên -- nhưng rất nhẹ;
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...

Hồ Dzếnh


2. Vần tréo

Hai đứa kéo nhau chạy vào mộng mị
Giờ tắt thở nằm trên bãi hư vô
Bầy ngựa chứng hàng thùy dương vó bão
Gió đưa trăng lăn vào đá tiếng ru

Tô Thùy Yên

Em sẽ chết với mảnh hồn trống đó
Chúa đứng đón em ở cửa thiên đường
Con trả chúa trái tim hồng lãng mạn
Dưới thế gian con dại dột cho chàng

Trần Mộng Tú


3. Vần ôm

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím.

Nguyên Sa


Muốn cho thơ tám tiếng thêm âm điệu, một số nhà thơ thường vần tiếng 8 câu trên với tiếng 5 hay 6 câu dưới:

Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng, uất hận gối lên nhau

Cao Tần

nguồn: http://olympiavn.org/forum/index.php?topic=1057.0