2015-08-23

nguyên tắc đọc sách


nguồn: http://bookhunterclub.com/mot-nguyen-tac-doc-sach-can-ban/
Một số nguyên tắc đọc sách căn bản
A. ĐỌC SÁCH
Giáo dục có mục đích giúp cho trẻ em, trong một thời gian hạn định, vượt qua con đường mà nhân loại đã trải qua từ thượng cổ đến giờ, từ lúc còn ăn lông ở lỗ đến ngày văn minh của hiện đại. Vậy nhà giáo dục là kẻ có phận sự giúp trẻ em phải sống lại lịch sử của nhân loại…
Nhưng phải làm cách nào để thâu ngắn lại con đường kinh nghiệm của nhân loại? Chỉ có đọc sách, ngoài ra ít có phương pháp nào hơn nữa.
Đọc sách là phương tiện cần thiết nhất, hiệu quả nhất để đào tạo cho mình một cơ sở học vấn vững vàng.
Thật vậy, dầu là bực thông minh đến đâu cũng nhờ đọc sách mà kiến văn ngày một thêm rộng.
Đọc sách có lợi cho đường học vấn và tư tưởng mình thế nào, cái đó khỏi cần minh chứng, không còn một ai là không nhận thấy.
Những bực vĩ nhân trong tư tưởng giới, phần đông đều nhân đọc một quyển sách nào của người trước mà nghĩ ra nhiều ý tưởng hay lạ khác. Một câu sách, hoặc một quyển sách đọc xong, có khi đổi cả một đời tư tưởng của ta. Cái đó thường lắm.
Sách giúp ta suy nghĩ, chỉ cho ta khỏi phải tốn công tìm kiếm một điều gì mà kẻ khác đã tìm ra được trước ta. Đó là đã đỡ bớt cho ta một sự phí công vô ích. Ta cần dành sức, để tìm kiếm thêm những cái mà kẻ khác đã tìm, và nhân đó làm cho nó thêm sáng tỏ hơn. Hoặc nó cũng chỉ cho ta biết vấn đề đã phát ra như thế nào, và người ta đã giải quyết nó như thế nào, hoặc người ta đã tìm nó tới đâu rồi.
Đành rằng, xem tận mắt, nghe tận tai quý hơn xem bằng sách…Nhưng, các điều ta có thể quan sát đặng sao có thể sánh kịp với những điều sách vở để lại, bởi nó tóm cho ta biết bao nhiêu thế kỷ suy tìm và kinh nghiệm mà nếu ta phải tự mình tìm lại, tuổi thọ của ta không làm sao cho phép. Vậy, ta phải đốt giai đoạn là chỉ có sách là miễn được cho ta công trình khổng lồ ấy mà thôi.
Học bằng sách, rất quan trọng ở thế kỷ nầy, có thể tóm được trong hai điều kiện nầy:
– Chỉ đọc những sách hay mà thôi.
– Và phải biết cách đọc.
1. Thế nào là sách hay?
Thế nào là một quyển sách hay?
Làm cách nào để nhìn ra nó, và tìm ra nó?
Sách hay, đây là nói về sách học trước hết. Tuỳ theo loại, mỗi loại đều có cái hay của nó và cách lựa chọn cùng đánh giá cũng khác nhau xa.
Bắt đầu bằng cách loại trừ.
Loại trừ đầu tiên những thứ sách học mà dài nhăng nhẳng, mà to lớn nặng nề. Một người đọc sách, nhất là sách để học, ngày giờ của họ dic nhiên có hạn, sự chăm chú, năng lực tinh thần cũng như trí nhớ vẫn có hạn. Bởi vậy, một quyển sách học mà dài lê thê bất tận không thể thích nghi được. Thật ra, người nào viết sách học mà viết lê thê bất tận là chứng tỏ sự bất tài và bất lực của mình. Sách học, càng ngắn càng tốt, càng gọn càng hay. Loại sách “Expliquez moi…” của “Les Editions Foucher” rất tài tình.
(Hầu hết những sách dạy về sử học ở Trung học thường là những sách quá dài)
Sách nào quá dài, tốt hơn đừng đọc. Hãy đợi khi mình đã có một luồng mắt thống quan rồi, bấy giờ sẽ đọc đến những sách trường gian của những nhà nghiên cứu và chuyên môn.
Kế đó nên loại trừ những sách buồn chán. Sách học mà trình bày một cách buồn tẻ khô khan là sách không nên đọc. Mất thì giờ, mất hứng thú, thật không kết quả gì.
Và sau cùng, hãy loại trừ những sách khó hiểu. Sách khó hiểu, là sách của hạng tác giả không biết mình nói cái gì. Phần đông họ là những kẻ có đầu óc mù mờ, cho nên họ lượm thượm, nói cái gì cũng chả ra cái gì. Rất có thể, tác giả là bực thông thái, nhưng họ đã quên họ đang dạy học, dạy học cho những đầu óc tầm thường. Họ viết cho họ hơn là cho học sinh. Đó là cái tật của phần đông các nhà viết sách học hiện thời. Có khi vì họ muốn cầu kỳ để tăng “giá trị” của họ. Những loại sách ấy không nên giao cho học sinh, vì nó sẽ dễ làm chán nản và làm cho học sinh mất cả hứng khởi của sự học.
Tóm lại, cần phải loại trừ những sách dài lê thê bất tận, những sách buồn chán, những sách đọc khó tiêu. Tuy nhiên, một quyển sách ngắn, vui vẻ và dễ dàng cũng rất dễ biến thành những thứ sách đơn sơ quá, thiếu căn bản, thiếu cương yếu và là những thứ sách rỗng tuếch, rất tầm thường. Vậy, cần phải làm một cuộc chọn lọc trong đống sách không dài, không chán mà cũng không khó đọc như đã nói trên. Phải làm cách nào để chọn lựa, trong khi mình chỉ là tay ngang, một người đang ở thời kỳ “tập sự”? Muốn phê bình cho đứng đắn “ông thầy” của mình, ít ra mình cũng phải biết rõ cái khoa của mình học. Như thế, thì làm gì chọn lựa cho được!
Thì như đã nói trên, chúng ta hãy căn cứ vào ba yếu tố trên: loại trừ những sách dài lê thê, những sách buồn ngủ, những sách đọc khó hiểu. Chả lẽ mình lại không quen biết được một vài bực học thức cao thâm nào để mà hỏi thăm và cậy họ giới thiệu sách hay mà đọc.
Có người kia muốn mua một món đồ dùng thật tốt, nhưng họ không phải người chuyên môn, họ cũng không có kinh nghiệm để có thể phân biệt món hàng nào giả, họ lại không có ai có thể tin cậy để hỏi thăm, vậy họ phải làm cách nào để mua món đồ cần dùng ấy mà không bị lầm? Có gì khó. Họ lựa món đồ của “hiệu có danh tiếng” quốc gia hay quốc tế. Mua đồng hồ tay mà lựa hiệu “Omega”, “Longines” hay “Movado” của Thuỵ sĩ thì ít sợ lầm thứ xấu. Cũng có thể họ mua lầm được lắm nhưng ít ra họ đã thu hẹp được rất nhiều sự rủi ro lầm lạc.
Những ai không được may mắn gặp được những bực thức giả cao thâm giới thiệu cho những sách hay, tại sao không biết làm như người đi mua đồ trên đây mà lựa sách do những tác giả có tên tuổi viết ra? Đành rằng trong giao thời nầy vàng thau còn lẫn lộn, nhưng những ai đã chịu được thử thách của thời gian, ít nhiều đã chứng minh được giá trị tương đối của tác phẩm mình rồi.
Andre Mauroi khuyên ta: “Chúng ta nên tin cậy nơi sự lựa chọn của các thế kỷ đã qua. Một người có thể lầm, một thế hệ có thể lầm, nhưng cả nhân loại không thể lầm. Homere, Shakespeare, Moliere, chắc chắn là những người xứng đáng với danh tiếng của họ. Chúng ta sẽ chuộng các tác giả nầy hơn là các nhà chưa chịu sự thử thách của thời gian”.
Muốn đọc sách để bổ túc cho trí thức, cần nhất là phải biết cách đọc sách mới đặng.
Có nhiều kẻ đọc sách như điên, luôn luôn sách chẳng rời tay, nhưng kết quả không ích lợi gì cho đường học hỏi của họ cả, là vì họ không biết đọc sách.
Trong túi họ, ta thấy luôn luôn đầy sách báo. Họ vừa ngồi xuống, bất luận là ở trên xe đò hay toa xe điện, là ta thấy họ mở sách bảo ra mà đọc. Họ đọc tiểu thuyết, đọc những tin tức hàng ngày, đọc luôn cả những cột quảng cáo không sót một chữ. Sách ở thư viện họ đọc gần hết. Nhưng họ không hiểu họ đọc những gì, cũng không rõ tên tác giả là ai. Đó là lối đọc sách nguy hiểm nhất. Jules Payot nói: “Đọc sách là một cách lười biếng nguy hiểm nhất, bởi kẻ làm biếng mà ở không nhưng, họ sẽ cảm thấy như khó chịu với lương tâm. Trái lại, nếu họ có đọc sách, họ tin rằng họ có làm việc và nhân thế, cái bịnh lười biếng của họ không còn thế nào trị đặng nữa”. Thật có đúng như vậy. Lối đọc sách nầy chỉ làm phí thời giờ mà thôi. Nếu ta thành thực với ta, ta sẽ thấy sau một tuần lễ, ta sẽ không còn nhớ gì nữa cả.
Có một hạng độc giả đọc sách để mà lo việc khác. Họ vẫn chăm chú đọc hàng nầy đến hàng kia, nhưng thực sự tâm tư họ đi vào chỗ khác. Đó là một cố tật, không nên bắt chước.
Lại cũng có một hạng độc giả, sách gì cũng đọc, nhưng họ chỉ đọc từng chặng, khúc đầu, khúc đuôi rồi xếp sách lại, tin tưởng rằng mình đã hiểu được tất cả ý tưởng của tác giả. Tôi giám quả quyết kẻ đọc sách như thế, dù là bậc thông minh bực nào, cũng không làm gì hiểu được tất cả trong quyển sách. Nhất là một quyển sách thuộc về loại sách học, trong đó, mỗi câu có khi là một vấn đề, sự liên lạc của nó không thể bỏ qua một đoạn nào mà khỏi phải hiểu sai. Hạng độc giả nầy, đọc đây một đoạn, đó một đoạn…đọc cầu vui, đọc không mục đích…và đọc mãi suốt ngày. Có ai hỏi họ làm gì trong ngày: họ bảo họ đọc sách. Nhưng thực sự, trí họ như con bướm chập chờn lởn vởn từ đoá hoa nầy sang đoá hoa kia. Xong rồi, đầu óc họ vẫn trống trơn, không còn lưu lại một ấn tượng gì cả. Cũng có khi họ nhớ, nhưng chỉ nhớ những vụ lặt vặt không đầu đuôi, không thành vấn đề gì cả.
Trở lên là lối đọc sách không bổ ích gì cho trí thức cả. Kẻ nào muốn lợi dụng sự đọc sách để giúp óc suy nghĩ, phán đoán của mình và giúp thêm tài liệu cho sự hiểu biết của mình, đừng bao giờ đọc sách như những cách đã nói trên.
Goethe lúc về già, nói với Eckermann: “Người ta đâu biết rằng phải tốn bao nhiêu thời giờ, bao nhiêu công khó mới học được cách đọc sách. Tôi đã bỏ công vì nó, trên 80 năm, thế mà bây giờ tôi chưa thể tự hào là đã đạt được mục đích ấy rồi vậy.”
Nghệ thuật gì mà khó khăn thế? Chỗ liên lạc giữa người đọc sách và người viết sách phải như thế nào? Người đọc sách phải giữ thái độ gì để khỏi phải bị sách đầu độc, và trái lại nhờ sách mà làm giàu thêm kinh nghiệm? Phải đọc những sách gì, và nhất là phải đọc cách nào? Đối với những loại sách danh tác ta phải đối xử như thế nào? Trái lại đối với sách hạng thứ, những sách phổ thông có tánh cách nhập môn, những sách có tánh cách đại lược hay trích lục ta phải sử dụng cách nào? Lợi ích của quyển sách phải chăng cũng chỉ có một giới hạn nào đó và phải dừng lại nơi đâu? Đó là mới kể sơ vài phương diện của vấn đề đọc sách để rèn luyện trí não mà thôi, chứ thật ra có rất nhiều cách đọc sách: có kẻ đọc sách để tìm tài liệu tin tức; cũng có kẻ đọc sách để giết thời giờ và để giải buồn. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ nên chú trọng đến cách đọc sách để tự học nghĩa là để đào tạo cho mình một cơ sở văn hoá tinh thần mà thôi, vì đó là mục đích của quyển sách nầy. Như vậy thì sự đọc sách để tìm an ủi trong đau khổ, đọc sách để tìm một sức mạnh tinh thần, giúp tâm hồn mình thêm nhẫn nại, can đảm mà vượt qua những thống khổ của cuộc đời, đọc sách để tìm hứng thú cho tinh thần cũng đều thuộc về loại đọc sách để tự học cả, vì phàm cái chi hoạt khởi được tâm cảm mình, đổi mới được về khuynh hướng chân, thiện, mỹ đểu bổ ích cho tinh thần trí não của mình.

2. Đọc sách để tìm hiểu mình.
Đọc sách mà đến mức cao thâm, là đọc sách không phải để tìm hiểu cái ngoài ta, mà là để tìm hiểu cái người thật của ta. Sách vở, đối với ta, sẽ chỉ còn là cái nguồn khêu gợi…mà thôi.
Andre Maurois có khuyên ta một câu nầy mà tôi cho là sâu sắc nhất: “Phải tự làm cho mình xứng đáng với những tác phẩm mình đang đọc..(2) “Thuật đọc sách là cái nghệ thuật tìm thấy lại cuộc đời của mình và hiểu biết nó hơn, bằng sách”. Ông lại nói rõ ràng hơn “không có gì cảm động hơn là thấy người thanh niên năm ngoái chỉ chịu đọc những chuyện phiêu lưu, bỗng dưng nay lại đâm ra ham mê đọc những quyển như Anna Karenine (Tiểu thuyết của Tolstoi) hay Dominque (Tiểu thuyết của E.Fromentin), bởi vì bây giờ họ đã nếm qua thế nào là cái vui sướng và đau khổ của tình yêu. Những người ưa hoạt động là những đọc giả thưởng thức Kipling, những nhà chính trị đại tài là những độc giả của Tacite hay của Retz” (12).
Thật có đúng như thế. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Hễ “đồng thinh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Những kẻ thích đọc Lão, Trang hay Phật đại thừa là những hạng độc giả thuộc hạng hướng nội nhiều hay ít…Phải chăng đọc sách là một cái thú thâm trầm khi chúng ta tìm thấy trong một tác phẩm, giãi bày một cách chu đáo và đầy đủ những tư tưởng mà chính mình đã nghĩ qua, đã hoài bão lâu ngày và băn khoăn tha thiết…Chúng ta nhận thấy những ý nghĩ kín đáo nhất của mình được một người khác công nhận, lại nói ra một cách vỡ vạc thì còn gì thú vị bằng! Phải chăng chỉ có những ai đã từng sống gượng xa người bạn thân yêu mà hoàn cảnh bắt buộc phải tươi cười với những kẻ chung quanh mà mình không chút tình thương, mới cảm thấy cái hay và thâm trầm của câu:
“Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó, mặn mà với ai.” (KIỀU)
Một câu văn mà ta gọi là hay, phải chăng là câu văn đã làm vang động tâm hồn trí não ta, nghĩa là đã khêu gợi những gì sâu kín trong đáy lòng ta…Andre Gide có nói: “hình như nếu tôi không đọc Dostoi ewsky, Nietzche hay Frend…có lẽ tôi cũng sẽ nghĩ thế. Tôi chỉ tìm thấy ở họ một sự khuyến khích hơn là một mầm tư tưởng mới mà họ đã tặng thêm cho tôi, thật ra chính họ là những kẻ đã dạy tôi, đừng e sợ, đừng rụt rè và ngờ vực tư tưởng của mình nữa…” (12)

B. PHẢI ĐỌC SÁCH CÁCH NÀO
1.Tánh cách tôn nghiêm của sự đọc sách:
Nói đến sự tôn nghiêm, tức là muốn khuyên các bạn nên “gây chung quanh những lúc đọc sách của ta một không khí trang nghiêm và trầm lặng thường bao bọc những cuộc hoà nhạc hay những buổi lễ cao quý”. Nên tránh cái cảnh vừa đọc, vừa ăn, vừa nói chuyện, hoặc đọc thoáng qua một trang, thì ngừng lại để trả lời với máy điện thoại, hoặc cầm sách mà trí nghĩ đâu đâu…rồi lại bỏ dở vì có người bạn đến nói chuyện kháo, rủ nhau đi ăn uống hay đi dạo mát…Người biết đọc sách phải biết dành cho mình một buổi nào để đọc sách trong yên lặng và cô tịch. Nên dành riêng cho một nhà văn nào mình rất yêu quý, một buổi chiều trong ngày chủ nhựt trong tuần, hay một buổi chiều thứ bảy nào đó.
Riêng tôi, suốt một đoạn đời từ 21 tuổi đến nay, tôi đã dành cho mỗi buổi tối ít nhất là 2 giờ đồng hồ để đọc sách khoảng từ 20 giờ đến 22 giờ không bao giờ sai chạy. Giờ ấy đối với tôi cũng như giờ cầu kinh, nhất định không để cho ai quấy rầy…Giờ đọc sách này là giờ đọc sách hoạt động. Tất cả người trong gia đình đều phải nể cái giờ phút thiêng liêng nầy của tôi…ngoài ra, tôi không đòi hỏi gì hơn là để cho tôi được quyền sống một mình trong cô tịch và lặng lẽ. Ngoài cái giờ ấy, tôi cũng đọc sách, cũng xem báo như mọi người…nhưng làm việc một cách tiêu cực, hoặc sưu tầm tài liệu để qua một bên, đợi lúc đọc sách chánh thức đem ra mà nghiền ngẫm.
Dĩ nhiên là trong lúc đọc sách trang nghiêm ấy, tôi chỉ đọc toàn những tác phẩm hay nhất mà thôi.
2. Chỉ đọc những tác phẩm hay:
Jules Payot nói: “Nếu cho tôi được sống lại cuộc đời của tôi, tôi tự thệ trong lúc trẻ tuổi, chỉ đọc ròng sách hay, do những bực vĩ nhân trong tư tưởng giới viết ra thôi. Tôi đã mua rất đắt cái kinh nghiệm đã qua của tôi khi còn nhỏ, đã làm phung phí sức lực của tôi rất vô lối vì những tác phẩm vô giá trị. Nếu anh em muốn có một tương lai tốt đẹp về tinh thần, hãy nghe theo tôi, đừng bao giờ đọc sách nhảm…” (25)
Vậy làm cách nào để nhìn biết một quyển sách hay? Trước đây đã nói qua về loại sách học. Nay xin bàn đến những sách có tính cách đào luyện tinh thần trí não con người.
Sách hay nói đây chẳng những hay về văn chương tao nhã mà hay về ý tưởng thâm trầm.
Có một đặc điểm nầy để nhận thấy cái hay của một quyển sách, bất cứ là một quyển sách loại gì, là càng đọc đi đọc lại chừng nào, càng thấy nó rộng rãi sâu xa chừng nấy. Một quyển sách mà tháng này đọc thấy hay, tháng sau đọc lại thấy bớt hay hoặc hết hay là một quyển sách tầm thường. Có nhiều quyển sách mình chỉ đọc qua một bận là hết muốn giữ nó bên mình. Trái lại quyển sách hay dù cho một năm sau, ba năm sau, hay mười năm sau nữa mà đọc lại vẫn thấy thâm trầm man mác không biết chừng nào. Trình độ mình càng ngày càng lên cao, mình lại thấy nó càng thâm sâu hơn nữa. Những sách tầm thường không sao chịu nổi thử thách của thời gian. Đó là loại sách mà người ta thường gọi là “sách bất tận”. Cần lựa những sách ấy làm sách “gối đầu giường”. Những sách như quyển Ngữ lục (Pensees) của Pascal, Ethique cảu Spinoza, Pensees của Epictete va Marc-Aurele, Imitation de Jesus-Christ, Bible, Nam hoa Kinh, Đạo đức Kinh, Dịch Kinh…là những sách rất hay, đọc đến chết vẫn thấy còn luôn luôn sâu sắc thâm trầm.
Tuy nhiên, sách hay cũng không phải cần luôn luôn là “sách bất tận” mới được. Những quyển sách khêu gợi được ta nhiều ý nghĩ đột ngột, lạ lùng và mới mẻ, dù ta không thể nhìn nhận tư tưởng của tác giả, ta cũng không sao tránh khỏi những bâng khuâng và hoài nghi, hoặc trong nhất thời đưa đến cho ta những vấn đề mà xưa nay ta chưa từng để ý đến, đều là những thứ sách làm giàu thêm cho ta về kinh nghiệm, về tư tưởng và về tài liệu. Những thứ sách ấy cũng được xem là sách hay.
3. Sách gối đầu giường
Tiện đây, xin nói qua về những sách “gối đầu giường”. Những sách “gối đầu giường” phải là những bộ sách mà bất cứ ở hoàn cảnh nào đều có thể giúp cho ta một vài ý tưởng thích nghi và an ủi; những sách đưa ta lên cao bằng những tư tưởng thanh thoát hay những gương mẫu của những bực anh hùng vĩ nhân trong nhân loại; những sách giúp ta biết hoài nghi suy nghĩ thêm, biết đặt vấn đề, biết làm cho lòng ta nhẹ nhàng và phấn khởi, khôn ngoan và trong sạch hơn. Có người nói rằng: “Quyển sách đẹp nhất có lẽ là quyển sách viết ra không phải để mà đọc, và chỉ in ra khi nào tác giả đã qua đời, và nhờ vậy, nó có tánh cách của một bản di thư tinh thần, không có một ẩn ý gì là chiều chuộng hay làm vui lòng độc giả” (7). Người đọc sách phải cảm thấy có một sự kêu gọi khao khát thì sự đọc sách mới thật là hứng thú và có nhiều thụ dụng, nếu cảm thấy không có gì trong thâm tâm khát kêu gọi gì cả, thì thà đừng đọc sách còn hơn, cũng như nếu mình cảm thấy không có gì cần phải nói ra, thì đừng bao giờ miễn cưỡng mà viết sách. Những bài thơ hay và cảm động nhất phải chăng là những bài thơ mà thi sĩ đã cảm động nhất trong khi sáng tác nó?
Học cũng như ăn. “Mỗi một tâm hồn đều có một thức ăn riêng. Phải biết nhận cho ra ai là những tác giả riêng của mình. Dĩ nhiên là những tác giả ấy sẽ khác hẳn với những tác giả của bạn bè ta. Trong văn chương cũng như trong tình yêu ta thường phải ngạc nhiên vì sự chọn lựa của người khác. Chúng ta cần phải trung thành với các tác giả đã thích hợp với mình. Về việc lựa chọn nầy chỉ có chính mình mới là người xét đoán đúng nhất mà thôi”…(12)
Có những sách “gối đầu giường” mà người ta đọc mỗi ngày như kinh nhật tụng. Nhưng cũng có những thứ người ta không cần phải đọc, mà ảnh hưởng của nó đối với ta rất lớn: chỉ một cái tựa sách, hoặc cái tên tác giả mà thôi cũng đã là một khuyến lệ, một vị thiên thần luôn luôn ủng hộ che chở ta và nhắc nhở an ủi ta rồi.
Sau cùng, cũng cần giữ bên mình ta những sách có những tư tưởng đối lập với ta dùng làm sách “gối đầu giường”. Pascal lại đọc Montaige, Montaige lại đọc Seneque. Cái người “thù” với tư tưởng ta, thường lại là người giúp cho ta suy nghĩ nhiều hơn tất cả, vì chính họ là người giúp ta thấy rõ những nhược điểm của ta và bắt buộc ta phải tìm thêm bằng cứ cho lập trường tư tưởng của ta. Họ là kẻ nhìn thấy rất tăm tối chỗ mà ta nhận thấy rất sáng sủa, và chính họ là kẻ giúp ta biết giữ vững lập trường, biết hoài nghi và thận trọng.
4. Uống nước tận nguồn.
Đọc sách hay cần đọc ngay nguyên văn. Nếu không đọc được nguyên văn, thì phải tạm đọc sách dịch. Như thế thì sự hiểu biết của ta cũng kể là hiểu biết tạm thời thôi. Văn dịch chỉ đưa đến cho ta có một phương diện về tư tưởng của tác giả thôi, bởi người dịch cũng chỉ dịch theo sự hiểu biết tạm thời của họ. Câu nguyên văn, ta có thể ví như mặt biển rộng thênh thang, còn câu văn dịch không khác chi là mặt nước ao tù.
Văn dịch, nếu dịch đúng, chỉ đem lại cho ta một phần nào cái ý vị của nguyên văn thôi. Bởi vậy, nếu muốn đọc sách cho đứng đắn, cần phải đọc chánh văn. Đọc một trăm quyển sách khảo cứu về Vương Dương Minh, Lão tử, hay Trang tử…không bằng đọc ngay Vương Dương Minh, Lão tử, hay Trang tử. Vì vậy, học được nhiều ngoại ngữ chừng nào càng tốt đối với người muốn tạo cho mình một cơ sở học vấn rộng rãi và sâu sắc.
Có kẻ tưởng cần kiếm sách nghiên cứu về Lão tử, Trang tử hay Vương Dương Minh để dễ thấy đại lược tư tưởng của các ông ấy hơn là phải đọc ngay các ông ấy, khó khăn hơn. Tính như thế thật sai lầm. Đọc sách nghiên cứu trước khi đọc một tác giả nào, có cái lợi là khỏi cần mất nhiều thời giờ để hiểu tác giả ấy trong khi đã có người làm trước cho ta công việc đó. Nhưng ta sẽ bị cái hại nầy là ta chỉ hiểu biết tác giả qua sự hiểu biết và nhận xét của nhà nghiên cứu thôi, chứ khó lòng biết được cái chân diện mục của tác giả. Muốn biết Lão tử mà đọc cuốn Lão tử của Ngô Tất Tố thì ta chỉ biết được Lão tử theo Ngô Tất Tố chứ chắc chắn không làm gì hiểu được Lão tử. Nhưng thực ra, cũng không biết ta phải hiểu cách nào mới thật hiểu đúng theo như Lão tử đã hiểu, là vì “không có một danh từ nào mà có một nghĩa đối với hai người”. Mỗi độc giả đối với Lão tử có một cách nhận xét và phản ứng riêng, vì vậy, như ta đã biết, không biết bao nhiêu là bản dịch Đạo đức Kinh hoàn toàn khác nhau và những nhà chú giải Lão tử cũng không sao kể xiết.
Sở dĩ tôi đã nói trước khi đọc ngay chánh văn của Lão tử, đừng vội đọc sách nghiên cứu về Lão tử, là tôi muốn cho các bạn đối với Lão tử (hay bất cứ đối với một tư tưởng gia nào) đừng bị một thiên kiến nào trước cả, nó sẽ làm tê liệt óc phê phán của ta. Đối với những học sinh hay sinh viên không ngày giờ để nghiên cứu nghiền ngẫm thì sự đọc những sách nghiên cứu trước khi đọc chánh văn là một sự cần để biết mà trả lời cho giám khảo. Việc ấy là một sự bắt buộc, không thể nào làm khác hơn được. Chỉ cần đợi họ sau khi ra trường làm lại công cuộc giáo dục của họ sẽ hay. Chứ đối với người có công tự học thì việc “đi sau đuôi” kẻ khác, tìm lấy một “con đường mòn” theo kẻ khác mà đi…là một điều không nên có.
Dù sự phán đoán, phê bình của ta không được xuất sắc bằng nhiều nhà nghiên cứu khác, nhưng nó là của ta…nó là của trình độ hiểu biết hiện tại của ta…Sau nầy, ta sẽ đọc lại các sách nghiên cứu khác để so sánh và chữa lại hoặc bổ túc thêm những phán đoán sai lầm hay thiếu sót của ta, thì công phu tự học thụ dụng không biết chừng nào. Sự lợi ích của sách nghiên cứu là giúp cho ta so sánh lại những nhận xét của nhà nghiên cứu với những điều ta quan sát và suy xét, chứ không nên để cho nó quy định trước lề lối tư tưởng của ta và làm mai một tinh thần sáng tác và tự chủ của ta. Đọc sách phải là một sự sáng tạo. Chứ không phải là một sự nô lệ. Đừng bao giờ tìm hiểu biết một người bằng lời giới thiệu của một kẻ thứ ba. Sự ưa ghét, bao giờ cũng thiên lệch. Ưa thì nói tốt, ghét thì nói xấu…đều là những phê bình chủ quan cả. “Đồng với ta, cho ta là phải; không đồng với ta, cho ta là quấy”. Cái Phải Quấy của con người thường chỉ có thế thôi.
Phần đông một số sách nghiên cứu ngày nay ở nước ta là một sự nhai đi nhai lại những ý kiến của những người đi trước và chỉ có thế thôi, nhất là những sách giáo khoa. Vì vậy, một cái lầm lạc của người trước sẽ được người ta “tụng” đi “tụng” lại mãi như con “két” thật đáng thương hại không biết chừng nào!
5. Sách quá nhiều chú giải:
Có nhiều người tin tưởng rằng đọc những sách có nhiều chú giải và phê bình sẽ giúp cho mình hiểu tác giả một cách rành mạch hơn.
Giữa ta và quyển sách cần phải có một sự tiếp xúc trực tiếp, không nên có nhiều kẻ xen vào “giành giựt” sự thông cảm của riêng ta. Có những quyển sách dịch, vừa dịch vừa chú giải quá rườm ra, kể lể ông nầy bà nọ đã nói gì về ý nghĩa của câu văn kia trải qua từng thời đại. Kể ra công phu thì công phu thật, nhưng họ đã làm “mất” cả sự hứng thú của những cảm giác hồn nhiên của ta đối với tác phẩm. Sự bác học của nhà chú giải làm “rộn” ta nhiều hơn là giúp ích cho ta…Có gì bực mình bằng lúc mà nhà thơ đang đưa ta vào cõi mộng mê ly của một câu thơ tuyệt đẹp thì nhà chú giải bác học của ta lại kéo giựt ngược lại để giới thiệu cái nhạc điệu của câu văn và cách dùng chữ ở những vần bình thường bình hạ, hoặc cắt nghĩa cho ta nghe chữ dùng kia của nhà thơ là một chữ có một nguyên lai cực kỳ lạ lùng bí hiểm…Có khác nào trong khi ta đang nghe một khúc nhạc thâm trầm mê mẩn…người ta lại bắt ta dừng lại để nghe diễn thuyết cả một bài học về luật điều hoà! Ta đòi hỏi người ta nên để cho ta lặng lẽ mà nghe tiếng vang trong lòng thầm kín của ta khi tiếp xúc với tác phẩm ấy…
Đọc sách cần phải “uống nước tận nguồn” nghĩa là tìm chánh văn mà đọc, đừng vội đi tìm những sách về tác giả ấy do một “bàn tay thứ hai” viết lại.
Như thế ta lại cũng cần phải tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm ấy lâu chừng nào hay chừng nấy.
Tôi xin thử lấy một thí dụ. Các bạn muốn đọc Pascal là một đại văn hào Pháp ở thế kỷ thứ mười bẩy, nhưng từ trước đến giờ chưa có được nghe ai nói đến để dự bị cho bạn. Những sách chú giải về Pascal là cả một cái rừng. Thảy đều có giá trị cả. Như bộ sách Port-Royal của Sainte-Beuve có thể được xem là quyển sách chú giải rộng nhất và tự nó đã cũng là một tác phẩm rồi. Vậy, bạn có cần phải khởi đầu bằng đọc sách cảu Sainte-Beuve chăng? Nghĩa là bạn có bằng lòng đọc trước ba nghìn trang sách, trước khi mở ra quyển Tư tưởng lục (Pensees) của Pascal không? Dĩ nhiên bạn sẽ không phải làm một việc luỗng công vô ích, dù bộ Port-Royal là một bộ sách rất phong phú, nghiên cứu rất kỹ thống quan về lịch sử tư tưởng văn chương của nước Pháp hồi thế kỷ thứ mười bảy. Nhưng muốn gặp Pascal mà phải đánh một cái vòng to rộng như vậy, kể ra cũng khí quá, huống chi công phu của bạn nếu đã xong rồi, bạn cũng chỉ nghiên cứu về Sainte-Beuve chứ cũng chưa gặp đặng Pascal. Mà trong hai người ấy, bực vĩ nhân hơn hết có lẽ cũng chỉ là Pascal. Đành rằng Sainte-Beuve là một phê bình gia sâu sắc lắm, nhưng vẫn cũng không sao qua nổi Pascal là một thiên tài kỳ vĩ, uyên thâm và rộng rãi đã làm danh dự chung cho nhân loại.
Bạn nên đi ngay vào Pascal đừng diên trì gì cả, dĩ nhiên là bạn phải biết đặt ông vào hoàn cảnh xã hội của ông trước để có một ý niệm thống quan về những điều kiện khách quan đã chi phối và cấu tạo thiên tài của ông, nghĩa là bạn cần phải biết qua về sự hoạt động của nhóm “jansenisme” cũng như sơ lược về đời tư của ông. Nhưng muốn có được một khái niệm như thế. Nhưng muốn có được một khái niệm như thế, bạn chỉ cần đọc lối ba mươi trang sách và mất chỉ vài giờ là cùng. Bạn hãy lựa một quyển văn học sử đứng đắn như của các ông Gustave Lanson, hay của Bédier và Hazard, hoặc là trong một bài tự ngôn nho nhỏ ở đầu sách các quyển “Pensees” của Pascal cũng là đầy đủ lắm rồi. Dự bị được bao nhiêu đó, hãy đi ngay vào tác phẩm của Pascal. Và sau khi đã đọc đi đọc lại nhiều lần và nghiền ngẫm nó…bấy giờ nếu có thời giờ, hãy đọc thêm Sainte-Beuve, hoặc những bài nghiên cứu công phu của các văn gia Brunschivig, Ravaisson, Ranh, F. Strowski, Petitot, Jacques Chevalier…Nhưng dù sao, Pascal vẫn phải được quyền ưu tiên (3).
293902_554542867907279_580678370_n
6. Đọc sách cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần:
Đọc sách hay không nên đọc đọc sách mượn. Sách mượn phải trả, không nên giữ nó lâu ngày đến đợi người ta đòi. Cái đó thiếu liêm sỉ. Vậy đọc sách hay, phải đọc sách mình đã mua, để có thể đọc đi đọc lại nhiều lần.
Đọc đi đọc lại nhiều lần, chẳng phải để cho dễ nhớ, mà là bởi có nhiều thứ sách rất hàm súc: nếu chỉ đọc qua một bận, không tài nào hiểu nó được hết. Có nhiều quyển sách đọc đến lần thứ ba, thứ tư mới hiểu được. Trước đây tôi có bàn đến sách khó đọc. Khó đọc đây là khó đọc vì văn từ lòng dòng, cách cấu tạo hỗn độn mà ý nghĩa thì thực chẳng có gì. Còn ở đây, tôi muốn bàn đến những sách hàm súc mà văn từ quá điêu luyện, cần phải chú ý rất nhiều mới khám phá được những ẩn ý hoặc những tế nhị của tư tưởng. Nhất là sách xưa, văn từ rất ngắn, không thích giảng giải hay minh chứng dài dòng, nhưng hàm chứa những ý tưởng vô cùng sâu sắc.
Gặp phải những thứ sách như thế, có nhiều kẻ quá thận trọng, nhưng thiếu kinh nghiệm, họ nhất định không chịu bỏ qua một chứ nào còn nghi ngờ cả. Nếu họ gặp một câu nào khó hiểu, họ dừng lại, cố tìm cho ra nghĩa của câu đó mới chịu tiến tới. Với phương pháp đó, tôi dám quả quyết họ sẽ không bao giờ đọc hết mười trang sách Trang Tử hoặc của Kant hay Hegel. Gặp trở ngại mà cứ đứng lỳ lại, không chịu đi tới nữa, theo tôi là một phương pháp sai lầm.
Hãy cứ đi tới mãi…và đi cho tới cùng. Bấy giờ ta mới thống quan được cái đại ý, nắm được cái giềng mối. Biết được cái tổng quan niệm của tác giả, mình mới nhân đó mà suy xét lại những chi tiết của nó. Rồi những gì mập mờ sẽ lần lần sáng tỏ lại. Đọc lần đầu, cần phải đi thật mau, để xem cái lề lối đại cương của quyển sách, chẳng khác nào xem trước cái hoạ đồ của một đô thị trước khi mình đi vào đó vậy. Đọc lần thứ hai, ta sẽ ngạc nhiên thấy những trở ngại trước kia tiêu tan lần lần. Tư tưởng bấy giờ liên lạc tiếp tục nhau không bị gián đoạn nữa, là vì mình đã biết được phương hướng của nó rồi.
Đừng nói là đọc lần thứ nhì, có loại sách đọc đi đọc lại ba, bốn lần mà nghĩa nó vẫn mờ tối. Nhưng dù sao mình cũng đã biết được đại cương và phương hướng của nó rồi. Những chỗ mờ tối ấy thủng thẳng lâu ngày rồi cũng sẽ có ngày hiển lộ. Ta biết rằng câu văn của nhà đại tư tưởng thường rất vắn tắt mà hàm súc lắm. Kinh nghiệm của ta còn ít, tư tưởng của ta còn nông, muốn hiểu hết ý nghĩa của nó phải cần đến thời gian.
Không phải họ cố ý làm cho tư tưởng họ mờ tối làm gì. Chỉ vì họ có rất nhiều tư tưởng phải nói với ta, hềm gì họ phải dùng đến một tiếng nói tầm thường, không thể nào biểu diễn hết ý nghĩ của họ đặng. Ai đã từng cầm bút mới hiểu rõ nỗi thống khổ của ta khi biểu diễn tất cả nỗi lòng cảu ta mà văn từ không sao biểu diễn nổi. Dù là bực văn tài đến bực nào cũng cảm thấy cái chỗ thâm sâu của tấm lòng không sao truyền vào câu văn cho hết được. Thánh nhân mà còn nói: “Thơ bất tận ngôn, ngôn bất tận ý” thay!
Vậy, đọc sách mà độ tới cái chỗ “không thể nói được” đó, nhận được cái mà người ta gọi là “ý tại ngôn ngoại”, thời đọc sách mới tinh thần.
Trang Tử nói: “Có nơm vì cá. Muốn đặng cá phải quên nơm. Có dò vì thỏ, muốn đặng thỏ phải quên dò. Có lời vì ý, muốn đặng ý phải quên lời”
Phật tổ ngày kia lấy ngón tay chỉ mặt trăng mà bảo các đệ tử: “Kìa là mặt trăng! Các đệ tử hãy ngó theo ngón tay ta thì thấy. Nhưng, nên nhớ: ngón tay ta không phải là trăng. Những lời giảng của ta về Đạo cũng vậy. Các con cứ nghe lời ta giảng mà tìm Đạo. Nhưng nên nhớ: lời giảng của ta không phải là Đạo”.
7. Cần đọc những sách cao hơn tầm hiểu biết của mình:
Một nguyên tắc trong việc tự học mà ta không nên quên là chỉ có những công phu nào có nhiều cố gắng mới có thể có lợi cho sự tiến bộ tinh thần trí não thôi. Không cố gắng, không sao tiến bộ được.
Có nhiều người quá thận trọng, quá rụt rè, không dám đọc những sách cao quá trình độ hiểu biết của mình. Đọc sách cũng một trình độ tư tưởng của ta, cũng như đọc những sách cùng đồng một chí hướng của ta chẳng khác nào kết bạn với những bực ngang hàng, chỉ được có người tán tụng phụ hoạ mà không được có người nâng đỡ hoặc giúp ta đặt lại vấn đề cũng suy nghĩ thêm nhiều khía cạnh bất ngờ khác.
Có ích gì những sách cùng một trình độ với mình, vì họ chỉ mang lại cho ta có cái tiếng dội của những ý kiến của ta mà thôi. Tác giả không cao hơn ta sẽ không giúp ích gì cho ta. Tuy lắm khi mình không theo kịp họ, nhưng cũng có lúc mình cũng lấn họ, và nếu cần, cũng chống lại với họ.
Sau khi đọc xong quyển sách, mặc dù mình không đạt được hết tư tưởng của tác giả, mình cũng thấy chỗ thay đổi trong cái người tinh thần của mình. Những chỗ tối tăm khó hiểu của họ lắm khi cũng giúp cho ta suy nghĩ thêm nhiều hơn là khi họ nói ra môtj cách rạch ròi vỡ vạc. Nhà tư tưởng Joubert có nói đại khái như vầy: “Những ý tưởng rõ ràng sáng sủa giúp cho tư tưởng; nhưng chính những ý tưởng mập mờ lại giúp ta hành động, chính những ý tưởng ấy chỉ huy sự sống của ta”. Ở đây chúng tôi muốn nói về những quyển sách cao sâu, vượt quá cái tầm hiểu biết thường của ta, chứ không phải muốn nói về những loại sách tối nghĩa của những kẻ muốn lập dị cầu kỳ mà thực ra rất tầm thường và nông nổi.
Làm bạn thì nên làm bạn với những kẻ cao hơn mình về tài đức, đọc sách nên đọc những quyển sách cao hơn trình độ tư tưởng của mình thì mới mong tiến bộ mau trên con đường tri thức.
8. Đối với bất cứ sách nào, phải dành cho nó một tấm lòng thiện cảm.
Trước khi phê bình một quyển sách nào, phải để chút hy vọng và tin tưởng nơi nó. Một người viết sách, dù có dở đến bực nào, cũng đã lao khổ nhiều với tác phẩm của mình. Họ cũng đã bỏ nhiều thời giờ suy nghĩa nghiền ngẫm mới viết ra. Thật cũng đã lao tâm khổ tứ với nó không ít. Nếu trước khi đọc nó, mình lại thiên ý, hoặc có ý kình địch, ác ý, đó là tự mình làm mất một cơ hội tốt. Biết đâu trong khi cùng “âm thầm đàm luận” với quyển sách, nó không khêu gợi cho mình nhiều ý nghĩ hay hay.
Có nhiều người viết văn rất khúc mắc khó đọc. Có khi vì họ kém cái tài ăn nói, không biểu diễn ý tưởng của mình được một cách giản dị rõ ràng, hoặc là tác giả có ý cầu kỳ lập dị…Nhưng mình cũng không vì đó mà không ráng công với họ một chút để tìm hiểu họ. Có khi họ sẽ đền đáp với mình rất hậu. Cần nhất là mình phải có chút ít thiện cảm, để cùng nhận xét và thông cảm với họ.
Thường ta có thói quen “hễ đồng với ta là phải, không đồng với ta là quấy”mà mang theo mình đầy thành kiến trong khi đọc sách. Như thế, đọc sách không lợi ích gì cho ta cả. Huống chi đọc sách mà có nhiều thiên kiến, nhất là ác cảm, thì chắc chắn không làm gì hiểu được thâm ý của tác giả.
9. Cần ôn lại những gì ta đã hiểu biết hoặc đã suy nghĩ về vấn đề của quyển sách đã nêu ra:
Lại nữa, mình cần phải có hiểu biết hoặc suy nghĩ trước chút ít mới được. Đến khi đọc sách là mình tìm coi tác giả sẽ giải quyết hoặc đặt vấn đề ấy như thế nào, có đồng hoặc không đồng với ý kiến của ta chăng, mà nếu có đồng thì đồng chỗ nào, “đại đông” mà “tiểu dị”, hay “đại dị” mà “tiểu đồng”? Còn nghịch với ta, thì tác giả nghịch chỗ nào? Đừng vội đọc liền quyển sách. Nên chờ cho mình nhận định vấn đề trước đã. Muốn vậy nên đọc trước bản mục lục hay bài tựa để có một khái niệm chung về đề tài của quyển sách.
Không phải riêng gì việc đọc sách, đi nghe diễn thuyết cũng vây, cần phải ôn lại những gì mà ta đã hiểu biết hoặc đã suy nghĩ về đề tài sắp đem ra trình bày…để mình có thể theo dõi cuộc nói chuyện một cách hào hứng…Bằng không mình chỉ nghe đến đâu hay đến đó, chứ không sao nhận thấy liền được những ý tưởng đặc biệt tân kỳ của diễn giả.
10. Đọc sách cần phải đồng hoá với nó và phản động lại nó:
Đọc sách là để nuôi dưỡng tinh thần trí nào. Đồ ăn vào bao tử mà tiêu hoá được là nhờ các chất tiêu hoá dịch. Những điều hiểu biết mà mình mới thu thập đặng nơi sách vở sở dĩ bổ ích được tinh thần mình là nhờ mình biết so sánh, đối chiếu với sự hiểu biết của mình đã có trước. Hễ mình đã hiểu biết được nhiều chừng nào, đọc sách sẽ được bổ ích thêm chừng nấy. Một quyển sách mà mình thích đọc là vì nó với mình có nhiều chỗ cảm ứng mật thiết với nhau.
Khi cho in quyển sách, bản tâm soạn giả bao giờ cũng muốn cùng độc giả san sẻ tư tưởng về một vẫn đề nào. Vậy muốn cùng tác giả suy nghĩ thì độc giả cũng phải để một phần ý kiến mình vào trong đó, nghĩa là nếu muốn hưởng ứng cùng tác giả một cách thân mật, người đọc cần phải đem tư tưởng của tác giả đối chiếu với kinh nghiệm của mình.
Chỉ có cách so sánh và đối chiếu ấy mới giúp cho mình tìm thấy được mình, nghĩa là giúp cho chính mình nhận thấy được khuynh hướng thầm kín và sâu xa của cái người tinh thần của mình mà thôi. Trong cảnh tĩnh mịch âm thầm…một tư tưởng của tác giả đã làm rung động cả tầm hồn trí não ta, làm thành một tiếng gọi xa xăm mà rõ rết. Bấy giờ ta mới sực tỉnh, nhìn lại mới hay là tư tưởng của thâm tâm mình mà bấy lâu nay mình không dè, hoặc vì mình đã nghĩ đến mà chưa dám tìm ra được câu nói cho vỡ lẽ. Cả tâm hồn ta bấy giờ rung động sung sướng như mừng gặp đặng người tri kỷ đã lâu ngày cách biệt. Cũng như, đối với nhiều nhà viết sách, ta không thể hưởng ứng được, vì cái người tinh thần của họ không thể nào hoà hợp đặng với cái người tinh thần của ta. Tuy vậy, đối với họ, mình nên giữ thái độ một người bạn hơn một kẻ thù.
Đọc sách mà tin cả sách, cũng như đọc sách mà bất cứ câu nào cũng phản đối…đó là hai thái độ không nên có của một người đứng đắn.
Đọc sách mà phản động lại với sách là cái quyền, hơn nữa, là phận sự của mỗi người. Nhưng, ta chỉ có cái quyền đó, cái phận sự đó khi nào ta đã làm hết sức ta để đứng theo quan niệm của tác giả.
Nên nhớ kỹ: phản đỗi, chống lại tác giả không phải là bảo tác giả phải bỏ quan niệm của họ để nhìn nhận quan niệm của mình, mà trái lại, chỉ cho tác giả biết, đứng trong trường hợp của tác giả, tác giả phải nên có quan niệm như thế nào để khỏi phải có sự mâu thuẫn, phải lẽ hơn hoặc hay hơn mà thôi.
Những kẻ có tánh ưa phản đối công kích chỉ để phản đối công kích mà thôi, thì thật là khả ố. Họ lầm lẫn óc phê bình với óc phản bác. Hai thái độ ấy khác nhau rất xa. Những kẻ đụng đâu phê bình đó, không kể gì đến liêm sỉ, thường lại được bọn người vô học ưa thích, vì họ tưởng làm hạng người ấy là hạng đại tài, bởi có tài mới phê bình kẻ khác một cách dễ dàng được. Đứng về phương diện tâm lý mà xét thì phần đông kẻ có óc phản bác (hay ưa nói nghịch), đều có lẽ vì bị cái “tâm cảm tự ty”: họ dìm kẻ khác để nâng cao mình lên. Ngoài ra họ không còn có phương tiện gì khác để nâng cao giá trị của họ cả. Tôi thường thấy họ đọc sách một cách cẩu thả đến thế nầy: gặp bất cứ một quyển sách nào trên bàn, họ lấy lên, lật càng ra một trang nào cũng được, “túm” lấy một câu nào ở đâu cũng được, rồi lấy riêng nó ra mà đọc lên và nhạo báng mỉa mai. Mà làm gì không chế nhạo chăng? Trong một bài có nhiều câu, câu nầy ăn với câu kia mới có nghĩa. Nếu lấy rời ra một câu thời có khi nghe nó vô lý và ngây ngô là thế nào! Bảo đọc riêng nó lên, và dụng ác tâm mà tha hồ giải thích nó thì không làm trò cười cho kẻ khác sao đặng! Họ cắt xén đoạn mạch của bài văn, trong một đoạn họ rút ra một câu, thay đổi ý chánh, bắt tác giả phải nói những điều họ không nói, để chỉ trích phê bình có khi mỉa mai chế nhạo là khác. Đó là một việc làm thiếu liêm sỉ mà bất cứ một nhà văn nào có lương tâm không thể làm được. Một nhà phê bình trứ danh có nói: “Hãy đưa cho tôi một vài hàng chữ của người nào, tôi sẽ làm cho hắn bị xử giảo cho xem” (4).
11. Đọc sách cần đặt cho mình trước một vấn đề … hay một câu hỏi để tìm kiếm, săn đuổi…
Gặp những sách hay, đừng bao giờ đọc nó như ta đọc tiểu thuyết giải trí, tới đâu hay đó.
Ta nên biết rằng sách hay về tư tưởng, bao giờ cũng đề cập rất nhiều vấn đề. Ta không cần phải biêtd tất cả các vấn đề trong đó làm gì. Cứ lấy riêng ra một vấn đề nào để đặt lấy cho ta một câu hỏi, rồi tự mình tìm lấy một giải quyết tàm tạm trước khi đi vào quyển sách.
Ta sẽ tìm coi giải quyết của tác giả sẽ như thế nào? Cách giải quyết của tác giả có hợp với quan niệm của mình không? Nếu không hợp, vậy quan niệm cảu tác giả có đứng vững chăng, trước thực tế? Đọc sách như thế mới thật là thụ dụng.
Nếu trước khi đọc một tác phẩm nào mà ta lại đọc được một bài phê bình nào về nó, thì phải biết lợi dụng ngay bài phê bình đó, tìm coi bài phê bình ấy đối với quyển sách đã nêu thêm được vấn đề nào. Lấy vấn đề ấy làm câu hỏi cho mình, rồi đi ngay vào quyển sách mà quan sát tìm tòi theo phương hướng đó.
Tỉ như muốn đọc Luận ngữ, ta thử đặt trước một trong những vấn đề hay những câu hỏi sau đây:
– Đối với Khổng Tử quan niệm về giáo dục như thế nào?
– Sao gọi là người quân tử, theo Khổng Tử?
– Người quân tử theo Khổng Tử có sống được trong xã hội ngày nay không?
– Nhân sinh quan của Khổng Tử như thế nào? Quan niệm ấy có khác với Lão Tử không? và khác chỗ nào?…
Ta có thể nêu ra không biết bao nhiêu là câu hỏi hay vấn đề khác tuỳ thích. Nhưng cần phải nêu ra từng vấn đề mộtvà tìm giải quyết riêng từng vấn đề, chứ nếu xem tất cả một lượt thì sẽ không thấy gì cả.
Tìm ra một vấn đề hay một câu hỏi rồi, bấy giờ lật sách ra mà đọc và cứ theo phương hướng đó mà đi, ta sẽ thấy lý thú vô cùng.
Hoặc nhân câu nầy của một nhà phê bình: “Đạo trung dung bất thiên bất ỷ, không xu hướng về cực đoan, không thái quá, không bất cập tức là chiết trung chủ nghĩa vậy”. Nhân đó ta nêu lên một vấn đề: Đạo Trung dung của Khổng Tử có phải là chủ nghĩa chiết trung không?
Hoặc nhân một câu khác nầy của một nhà phê bình khác: “Xã hội nước ta chịu ảnh hưởng của thuyết trung dung mà hoá ra một cái xã hội dở dở ương ương trắng không ra trắng, đen chẳng ra đen…Trung dung chỉ là cái thai đẻ ra khiếp nhược và là cái ổ chứa gian tà thôi.”
Nhân đó ta sẽ nêu ra vấn đề nầy: Đạo Trung dung có phải là thai đẻ ra khiếp nhược và là cái ổ chứa gian ta không? Thuyết Trung dung nghĩa nó thật như thế không?
Đó là cách lợi dụng những phê bình của kẻ khác để tạo cho mình một câu hỏi, dùng làm phương hướng trong khi đọc sách.
Tóm lại, tôi thường dùng phương pháp nầy: đầu tiên, đối với quyển sách tôi lấy hết sức thiện cảm để đọc nó. Có thiện cảm mới có thể tìm hiểu được tác giả. Kế đó, tôi lấy tư cách đối phương để đọc nó. Tôi tìm đủ cách để bươi móc chỗ dở của nó, phê bình nó một cách hết sức nghiêm khắc như một kẻ thù. Rồi sau cùng, lấy tư cách của một trạng sư, tìm đủ lý lẽ để bênh vực nó, kỳ cho được lý mới chịu thôi. Như thế, bề mặt, bề trái của nó, tôi thấy rõ ràng hết sức. Sự phê phán của tôi bấy giờ mới có thể nhứt định đặng. Phương pháp ấy đã giúp tôi từ lâu nay để tránh khỏi mọi phê phán cẩu thả và bất công.
12. Làm thế nào để nghiên cứu một hệ thống tư tưởng?
Nếu muốn tự mình có được một ý niệm về một luồng tư tưởng nào, bất cứ thuộc về xưa hay nay, thì chỉ có một phương pháp duy nhất nầy: đi ngay vào những tác phẩm chánh.
Lấy một thí dụ: nếu ta muốn có được một ý niệm về chủ nghĩa “khắc kỷ”, ta phải làm sao? Tạm thời hãy tạm gác một bên những bài tóm tắt chủ nghĩa ấy trong các quyển triết học sử. Đừng bắt chước lối học của học sinh nhà trường. Phải dám đi ngay vào những tác phẩm chánh của phái học ấy. Nghĩa là hãy đọc ngay quyển “Entreiens d’Epictète” do Adrien sưu tập và Courdaveaux phiên dịch (Paris Perrin. 1908). Đừng nghe theo phần đông mà chon quyền “Manuel d’Epictète” vì quyền Manuel chỉ là bộ trích yếu tư tưởng của nhà hiền triết nầy, một bản trích yếu rất khô khan và không còn gì là hương vị của quyền trên. Ta cũng có thể đọc thêm quyển “Pensees de Marc-Aurele”. Quyển nầy có nhiều bản rất hay. Hoặc là ta hãy đọc quyển “Lettres à Lucilius” của Séneque. Một trong ba quyển trên đây cũng vừa đủ để cho ta có một tài liệu rõ ràng về chủ nghĩa trên đây mà không một nhà phê bình chú giải nào giúp ta hơn được (3).
Phải biết và dám tin tưởng nơi sự phê phán của mình trước hết: tiếng dội ấy sẽ là tiếng dội thành thật nhất và hồn nhiên nhất.
13. Làm cách nào để hiểu biết được học thuyết mới?
Dù là đối với những lý thuyết mới, phương pháp cũng như trên. Ví dụ đối với học thuyết phân tâm học của Freud. Bất cứ nhà trí thức nào cũng muốn biết qua nó như thế nào? Sách báo bàn tán đến nó không ngót, nhưng thực sự người ta cũng chỉ thực biết nó rất là thiển cận.
Mặc dù biết đến học thuyết Freud mà chỉ đọc mấy quyển Introduction à la Psychanalyse hoặc quyển Science des rêves thì cũng chỉ biết nhá nhem thôi, nhưng mà cần nhất là phải khởi đầu bằng những quyển ấy.
Có nhiều người có học thức khá, thế mà họ chỉ đọc ròng những sách kích bác học thuyết Freud mà chưa từng bao giờ đọc ngay tác phẩm của Freud. Làm thế là tự mình đã chịu khuất phục rồi, không làm gì có đủ tư cách và tài liệu để nhận xét những lời phê bình kia có đúng đắn hay không?
Tóm lại, bao giờ cũng phải kêu cứu ngay những tác phẩm do tay tác giả trước tác, hoặc nếu không có thì chỉ nên đọc những tác phẩm có giá trị. Đọc những sách, dù là đọc một phần thôi, chứ không được đọc hết tất cả tác phẩm của danh gia ấy, ta cũng có được một ý niệm giá trị hơn là đọc những sách toát yếu của nó.
14. Cái hại của những sách toát yếu.
Dùng đến những sách toát yếu rất nguy hiểm cho những người mới học. Đọc một bài tóm tắt một lý thuyết nào hay một quyển sách toát yếu kiểu Reader’s Digest của Mỹ, đâu phải là lối học tắt. Nó chỉ có ích để giúp trí nhớ cho những người đã biết rõ rồi, nay chỉ cần một vài câu để nhắc lại những gì mình đã học.Chứ khởi đầu học mà lại dùng đến những sách toát yếu thì là cả một sự sai lầm dại dột. Ngay khi mình đã hiểu rồi mà dùng đến sách toát yếu cũng vẫn còn nguy hại: những ý tưởng dồi dào phong phú kia đã mất cả sự linh hoạt của nó vì đã bị nhốt vào một vài câu văn cằn cỗi khô khan, không còn chút gì là sinh khí, mạch lạc, tư tưởng bị đứt đoạn, trí nhớ chỉ còn ghi lại những danh từ…và chỉ là những danh từ mà thôi. Sách toát yếu chỉ còn là sự “táo kết”, sự “khô gầy” của tri thức, nó chỉ nhằm vào mục đích “nấu cao” lại sự hiểu biết của con người…đã biến thành một chứng bệnh thiên về nghề nghiệp của một số người chuyên môn dạy học.
Thời gian ngắn, mà sự hiểu biết của một chương trình khổng lồ và tham lam bắt buộc người ta phải thu ngắn lại tất cả ngành hiểu biết của con người vào một vài trang sách để thắng thời gian. Người ta đã quên rằng văn hoá là một vấn đề phẩm chứ không phải lượng, và cũng là một vấn đề thời gian. Cái lợi của những sách toát yếu đại lược chỉ giúp cho ta một quan niệm tổng quát, dĩ nhiên thiếu sót về phần tinh vi sâu sắc…tức là phần cần thiết để đào luyện phần thâm thiết nhứt của tâm trí con người.
15. Viết lại những gì mình đã đọc.
Đọc sách để học, cần phải đọc thật kỹ, sau khi đọc xong phải biết nhận đại lý như thế nào. Đọc sách cần phải suy nghĩ, và muốn cho sự suy nghĩ được thâm sâu, tưởng không có phương pháp nào hiệu quả bằng viết lại và tóm tắt những gì ta đã đọc.
Nhưng chép lại và tóm tắt cũng vẫn còn là một việc làm thụ động. Ta còn phải biết biên lại cảm tưởng của ta, hoặc những ý kiến riêng của ta chống đối lại với tác giả, lọc lừa những gì nên giữ, những gì nên bỏ. Tuy vậy, trước hết đừng có thái độ chống đối mà cần phải có sự thông cảm vì đó là điều kiện đầu tiên để tìm hiểu tác giả. Phải biết để cái người của mình qua một bên, nghĩa là phải biết quên tất cả những thành kiến của mình, đem mình đặt vào hoàn cảnh của tác giả xem theo cặp mắt của tác giả để đi sau vào tình cảm và tư tưởng của tác giả.
Nhưng khi đã đọc xong, và nếu có thể được, sau khi đã đọc xong lần thứ hai hay thứ ba, phải biết trở về với sự phản ứng của con người thật của mình. Ta không cần phải viết lại một bài luận năm, mười trang giấy làm gì mà chỉ nên cố gắng trong mươi hàng để tóm tắt cảm tưởng của mình là đủ nếu thật tình mình muốn thấy rõ lòng mình.
Đây là thí dụ đọc sách của Felix Pecaut, một nhà đại giáo dục nước Pháp. Ông có viết một quyển sách trứ danh nhan đề là “Quinze ans d’éducation” (Mười lăm năm giáo giục). Quyển sách nầy là kết tinh của công trình đọc sách hằng ngày của ông. Mỗi buổi sáng, ngồi lại bàn viết, ông thảo sơ những đề tài thảo luận cho sinh viên trường Sư phạm Fontenay-aux-Roses trong ngày. Đề tài thảo luận thường là đề tài của một quyển sách mà ông vừa đọc được. Mặc dù là một kẻ rất sành sỏi kinh nghiệm, ông vẫn không chịu chiều theo cái hứng của ông, ông tư đặt cho mình một kỷ luật gắt gao là nghiền ngẫm trong sự tĩnh tâm tịch mịch những yếu điểm sẽ làm đề tài cho cuộc thảo luận. Mỗi ngày ông biên chép thêm một vài trang…lần lần tập ký ức biến thành tập sách danh tiếng ấy, trong đó ông chỉ viết ra những cảm tưởng dành riêng cho ông với mục đích là kiểm soát lại tư tưởng của ông và sắp đặt nó lại cho có hệ thống. Thiết nghĩ không còn có cách nào hay hơn nữa để đọc sách cho có hiệu quả. (3)
Tóm lại: Ta cần phải đọc những sách “vĩ đại”, những sách thật hay; đọc ngay nó mà đừng đi vòng chung quanh nó; đọc nó ít lắm cũng hai lần, lần thứ nhất để nhận thấy tổng quan và đại ý, lần thứ hai, đọc lại thật kỹ từng chi tiết; phải có can đảm đọc ngay những sách hay mà khó để bắt ta cố gằng và suy nghĩ, và phải đọc nó với một vấn đề tự mình đặt lấy và giải đáp trước để rồi sau kiểm soát lại; phải đọc sách thật có giá trị, dù chỉ đọc vài đoạn một, mà đọc ngay chánh văn còn hơn là đọc lại những bản toát yếu khô khan của nó: đọc xong nên ghi chép lại cảm tưởng của mình một cách đơn giản và chân thành.
Đọc sách mà thiếu lòng hâm mộ, nhiệt hứng, đọc một cách thụ động…đó là một tật làm biếng nên tránh xa. Nhiều kẻ đọc sách để tự mình khỏi phải suy nghĩ: đọc sách mà tin cả sách, mà không dám phản ứng lại với sách, thì thà đừng đọc sách còn hơn. Đọc sách như thế tức là tự huỷ hoại tư tưởng cũng nhân cách của mình. Đọc sách là để khải phát cõi lòng thâm sâu của mình, tìm thấy con người chân thật và sâu sắc của mình, để tăng cường đời sống tinh thần của mình thì mới nên đọc sách mà thôi. Nhược bằng đọc sách để mà nô lệ sách vở, đọc sách để mà bắt chước suy nghĩ theo kẻ khác thì đọc sách rất là có hại.
16. Đọc sách cần xem bản mục lục.
Tựa quyển sách, chỉ cho ta thấy trước đường lối để đi vào tư tưởng của tác giả. Nhờ có nó ta mới nhận thấy được mau lẹ mạch lạc của quyển sách, biết trước cách giải quyết của tác giả như thế nào. Đọc xong bản mục lục, bản mục lục rõ ràng tinh tế, ta biết trước quyển sách sẽ giúp íhc ta về phương diện nào…
Nghiên cứu học hỏi mà gặp phải những sách không có bản mục lục thật là chán không biết chừng nào. Nhiều nhà viết sách làm bản mục lục cho có chừng. Thật là một điều hết sức sơ sót. Sách vở thì nhiều, nếu mỗi quyển mình đều phải làm lại một bản mục lục riêng cho mình để thấy rõ cách cấu tạo của nó thì thật là nhọc cho mình hết sức. Đó là tôi muốn nói đến những sách nghiên cứu tư tưởng cùng những sách thuộc về loại sách học. Ta cứ xem những sách nghiên cứu của các văn sĩ Âu tây sẽ thấy bản mục lục của họ mà ham. Họ đã chẳng những làm bản mục lục rất tỉ mỉ, lại còn làm thêm bản mục lục theo thứ tự từ vấn đề là khác.
Người đọc sách có sẵn một bản đồ không sót một chi tiết gì cả mà bỏ qua không dùng được. Đọc xong quyển sách, bản mục lục ấy lại giúp ta ôn lại những đại cương trong quyển sách và bất kỳ vào buổi nào, muốn cần dùng đến nó, bản mục lục sẽ giúp ta tìm lại những điều ta đã đọc qua như ta tìm tự điền vậy. Bản mục lục giúp cho tư tưởng ta tổ chức lại đàng hoàng. Thiếu nó, sau khi đọc xong quyển sách trí óc mình hoang mang không hệ thống gì cả.
Trích: Chương 4 sách “Tôi tự học”
Thu Giang Nguyễn Duy  Cần